Trong năm qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều bệnh viện chuyên khoa và phòng khám đa khoa tư nhân tham gia vào khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT). Để biết thêm về chất lượng phục vụ cũng như quyền lợi của người dân khi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đồng Văn Mai, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh.
Trong năm qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều bệnh viện chuyên khoa và phòng khám đa khoa tư nhân tham gia vào khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT). Để biết thêm về chất lượng phục vụ cũng như quyền lợi của người dân khi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đồng Văn Mai, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh.
* Phóng viên: Được biết, trong năm 2010, Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Sở Y tế đã cho phép một số bệnh viện chuyên khoa thành lập phòng khám đa khoa (PKĐK) được đăng ký khám chữa bệnh (KCB) BHYT ban đầu. Theo ông, điều này có lợi gì cho người tham gia BHYT?
- Ông Đồng Văn Mai: Một điểm mới là trong năm 2010, BHXH và Sở Y tế đã cho phép 3 bệnh viện chuyên khoa là Bệnh viện phổi, Bệnh viện tâm thần trung ương 2 và Bệnh viện y học cổ truyền dân tộc thành lập phòng khám đa khoa được đăng ký KCB BHYT ban đầu. Đây là những bệnh viện có trang thiết bị khá tốt; đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng được các điều kiện KCB cho nhân dân. Theo đó, người có thẻ BHYT sẽ có điều kiện KCB tại các bệnh viện chuyên khoa, nhất là những bệnh nhân bị các căn bệnh mãn tính liên quan đến phổi, thần kinh, xương khớp... có điều kiện chữa trị lâu dài. Trước đây, khi các bệnh viện này chưa nhận đăng ký KCB BHYT, nhiều người bệnh dù có thẻ BHYT vẫn phải bỏ tiền túi ra chi trả khi KCB tại đây, nên quyền lợi chưa được bảo đảm. Hiện nay, người dân hoặc các đơn vị ở gần bệnh viện có thể đăng ký KCB ban đầu tại các bệnh viện này. Trường hợp người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu ở địa phương khác muốn điều trị tại các bệnh viện này chỉ cần xin giấy chuyển viện của cơ sở y tế mà mình đăng ký KCB ban đầu.
* Ông có thể cho biết, quyền lợi của người dân khi KCB BHYT tại các PKĐK tư nhân có giống như những cơ sở công lập?
- Toàn tỉnh hiện có 6 PKĐK tư nhân đủ tiêu chuẩn và được BHXH tỉnh ký hợp đồng KCB BHYT ban đầu, gồm: Tam Đức (phường Tân Hiệp); Á Nghĩa, Y Đức (phường Tân Phong); Quân dân Y 22, Liên Chi, Long Bình (phường Long Bình). Những năm gần đây, PKĐK tư nhân phát triển khá mạnh mẽ với trang thiết bị và nhân lực ngày càng tốt hơn. Trong đó, phải kể đến chất lượng phục vụ của các cơ sở này luôn được ưu tiên hàng đầu với thái độ phục vụ ân cần, khám bệnh kỹ. Nếu bệnh vượt quá khả năng điều trị sẽ được chuyển đến các bệnh viện tuyến trên mà không gặp trở ngại nào. Vì vậy, số người đăng ký KCB ở các PKĐK tư nhân ngày càng tăng, hiện đã có trên 25.000 thẻ đăng ký. Hiện tại cũng có 4 PKĐK tư nhân đang làm thủ tục xin phép KCB BHYT ban đầu.
Theo Thông tư số 10/2009/ TT-BYT ngày 14-8-2009 của Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký KCB ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT quy định, PKĐK tư nhân phải có đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm đáp ứng nhu cầu KCB thông thường về nội khoa, ngoại khoa, da liễu, mắt, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt và xử trí cấp cứu ban đầu. Ngoài ra, PKĐK tư nhân phải có bác sĩ trực trong giờ hành chính. KCB tại đây, người bệnh được hưởng mọi quyền lợi BHYT như những cơ sở công lập.
* Vậy, các PKĐK tư nhân có được tổ chức KCB BHYT ngoài giờ hành chính không, thưa ông?
- Các PKĐK tư nhân nếu có nhu cầu KCB BHYT ngoài giờ hành chính chỉ cần làm văn bản gửi về BHXH tỉnh và Sở Y tế để được xem xét. Vấn đề chúng tôi quan tâm là các cơ sở này có đủ nhân lực làm việc ngoài giờ hành chính hay không. Theo quan điểm của BHXH tỉnh, chúng tôi rất ủng hộ và sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở y tế KCB BHYT ngoài giờ hành chính. Việc KCB BHYT ngoài giờ phải tạo thuận tiện cho người dân; đảm bảo các quy định của Luật BHYT, các cơ sở y tế khi tham gia không được thu thêm tiền công hay các dịch vụ khác.
* Xin cảm ơn ông.
Ngọc Thư (thực hiện)