Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm

10:01, 17/01/2011

Đó là khẳng định của ông NGUYỄN VĂN HỮU, Phó chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm (ATVSTP) tỉnh về công tác kiểm tra, xử ký những vi phạm về ATTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2011. Ông Hữu cho biết:

Đó là khẳng định của ông NGUYỄN VĂN HỮU, Phó chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm  (ATVSTP) tỉnh về công tác kiểm tra, xử ký những vi phạm về ATTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2011. Ông Hữu cho biết:

 

- Bắt đầu từ ngày 4-1 đến 15-2-2011, các cơ quan chức năng tổ chức nhiều đoàn liên ngành gồm: các ngành chức năng của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, để kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trên toàn địa bàn tỉnh. Trong đó, tuyến tỉnh có 5 đoàn, tuyến huyện có 11 đoàn và tuyến xã là 171 đoàn...

 

* Thưa ông, công tác kiểm tra sẽ được thực hiện như thế nào?

 

-  Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm phục vụ cho nhu cầu trong dịp Tết Tân Mão như: nem chả, bánh mứt, nước giải khát... Các đoàn sẽ kiểm tra điều kiện vệ sinh; các hóa chất phụ gia cấm sử dụng tuyệt đối, như: hàn the, Rhodamin B, phoọc-môn trong nem chả, hạt dưa...; kiểm tra nguồn gốc xuất xứ; hàng nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt... Trường hợp nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, trong đó sẽ kiên quyết xử lý, tịch thu những mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ như: bánh kẹo, hạt dưa... Đối với những cơ sở vi phạm điều kiện vệ sinh có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đoàn lập biên bản xử lý vi phạm theo Nghị định 45/CP, hoặc sẽ yêu cầu đình chỉ sản xuất. Đặc biệt, để đảm bảo ATVSTP trong dịp Tết Tân Mão, tất cả các đoàn kiểm tra hiện đã hoạt động ráo riết, qua đó đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý những sai phạm về thực hiện quy định về ATVSTP.

 

Nhiều mặt hàng thực phẩm, nước giải khát được bày bán trong dịp Tết.

Toàn tỉnh có 19.707 cơ sở thực phẩm, nhưng chỉ có 34 cơ sở sản xuất chế biến quy mô công nghiệp, 7 siêu thị kinh doanh mặt hàng thực phẩm có đủ điều kiện VSATTP. Còn hơn 15.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm đa phần là thức ăn đường phố, sản xuất kinh doanh kiểu hộ gia đình, kinh doanh nhỏ lẻ, phân tán, điều kiện trang thiết bị, cơ sở hạ tầng còn hạn chế và chưa được trang bị, kiến thức VSATTP, nên rất khó kiểm soát. Hơn nữa, ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn ở mức độ chưa cao đối với chất lượng vệ sinh an toàn và sức khỏe của chính họ cũng như người tiêu dùng...

 

* Tình hình vi phạm VSATTP vẫn còn phổ biến có phải là do việc xử phạt chưa nghiêm không, thưa ông?

 

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Có thể kể đến một số nguyên nhân chủ quan như còn hạn chế về mặt tổ chức và biên chế bộ máy làm công tác VSATTP; hệ thống văn bản pháp luật do nhiều cơ quan ban hành, nhiều ngành quản lý, trách nhiệm lại không rõ ràng. Trong khi đó, lĩnh vực VSATTP lại có nhiều bộ, ngành tham gia; chất lượng VSATTP được hình thành qua nhiều khâu, mỗi khâu do một ngành quản lý, khả năng đảm bảo trên chuỗi thực phẩm lại không giống nhau. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khách quan như:  nền sản xuất nông nghiệp nhỏ, lẻ, phân tán, nhất là ngành trồng trọt chăn nuôi; công nghệ chế biến thực phẩm còn thủ công, lạc hậu, mang tính hộ gia đình, điều kiện VSATTP còn hạn chế.

 

* Hàng năm, cứ vào dịp Tết là các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết "mọc" lên rất nhiều. Ông có khuyến cáo gì đối với người tiêu dùng?

 

- Bên cạnh những cố gắng của ngành chức năng, việc đảm bảo VSATTP vẫn cần sự đồng thuận của người dân. Đặc biệt là người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức hơn nữa trong việc vệ sinh ăn uống, lựa chọn thực phẩm an toàn khi sử dụng để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho người thân; tuyệt đối không mua và sử dụng những sản phẩm không có xuất xứ rõ ràng, không có chứng nhận kiểm định, kiểm dịch của các cơ quan chức năng...

Kim Liễu (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều