Trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011, Trường đại học Đồng Nai - được nâng cấp trên cơ sở của Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai, sẽ bắt đầu năm đầu tiên tuyển sinh và đào tạo bậc đại học. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông TRẦN MINH HÙNG, quyền Hiệu trưởng nhà trường xung quanh vấn đề này.
Trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011, Trường đại học Đồng Nai - được nâng cấp trên cơ sở của Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai, sẽ bắt đầu năm đầu tiên tuyển sinh và đào tạo bậc đại học. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông TRẦN MINH HÙNG, quyền Hiệu trưởng nhà trường xung quanh vấn đề này.
* Xin ông cho biết thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh và các ngành đào tạo của hệ đại học, cao đẳng của trường trong năm học 2011-2012? Năm nay trường tuyển sinh có gì khác, thưa ông?
- Từ cuối năm 2010, Bộ GD-ĐT đã tiến hành thẩm định và chấp thuận cho trường được tuyển sinh đào tạo bậc đại học ở 6 ngành, gồm: 4 ngành sư phạm (Toán, Vật lý, Ngữ văn, tiếng Anh) và 2 ngành ngoài sư phạm (kế toán và quản trị kinh doanh). Chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học là 600, phân bổ đều cho các ngành (mỗi ngành 100 chỉ tiêu).
Ở hệ cao đẳng, trường vẫn tiếp tục tuyển sinh và đào tạo 17 ngành, trong đó có 10 ngành sư phạm và 7 ngành ngoài sư phạm. Chỉ tiêu của hệ này là 1.050. Ngoài ra, trường còn tuyển sinh hệ vừa làm vừa học đối với các thí sinh đã tốt nghiệp cao đẳng (khoảng 600 chỉ tiêu). Sinh viên các ngành sư phạm không phải đóng học phí, còn ngành ngoài sư phạm đóng phí theo quy định hiện hành: khoảng 3 triệu đồng/người/năm.
Điểm khác biệt so với các trường đại học khác là ở Trường đại học Đồng Nai, các ngành sư phạm chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú tại Đồng Nai tính đến ngày dự thi
Nếu như những năm trước trường chỉ xét tuyển, thì năm nay ở hệ đại học thí sinh phải thi tuyển như các trường đại học khác, ngày thi và khối thi theo quy định chung của Bộ. Riêng hệ cao đẳng giữ nguyên hình thức xét tuyển.
* Mỗi năm trường đào tạo gần 400 giáo viên cho 4 môn Toán, Văn, Lý, tiếng Anh nhưng lại giới hạn đào tạo trong phạm vi của tỉnh, liệu có dẫn đến khó khăn cho đầu ra? Bởi chúng tôi được biết trên thực tế giáo viên 4 bộ môn này tại các trường THPT hầu như không thiếu?
- Đây là quy định của Bộ, vì trước mắt trường đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong ngành giáo dục của địa phương. Hiện nay, giáo viên tại các trường THPT, THCS trên địa bàn chỉ đủ ở khu vực TP. Biên Hòa, còn giáo viên các trường thuộc vùng sâu, vùng xa vẫn thiếu. Mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 500-600 giáo viên nghỉ hưu, như vậy việc đào tạo của nhà trường chỉ mới bổ sung cho lượng thiếu hụt này, đó là chưa nói đến nhu cầu của các trường thành lập mới. Có thể trong năm học 2012-2013, nhà trường sẽ xem xét nhu cầu, tình hình thực tế và đề nghị Bộ cho phép tuyển sinh ngành sư phạm rộng rãi trong cả nước.
* Hầu như các trường đại học đều đào tạo ngành kế toán và quản trị kinh doanh. Nay trường cũng tiếp tục mở 2 mã ngành này, liệu có lệch và thừa trong cơ cấu đào tạo nghề?
- Nhu cầu thực tế trong xã hội đối với 2 ngành này rất lớn, trước mắt các trường đào tạo vẫn chưa đáp ứng đủ, nhất là ở tỉnh công nghiệp như Đồng Nai. Nhu cầu của xã hội về các ngành này vẫn rất lớn, chưa thể bão hòa, nên chuyện thừa hay đào tạo lệch trong giai đoạn này là chưa thể xảy ra.
* Là năm học đầu tiên tuyển sinh và đào tạo hệ đại học, trường đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
- Theo điều lệ thành lập trường đại học, để được hoạt động nhà trường cần phải đáp ứng các quy định về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và giáo trình giảng dạy.
Về cơ sở vật chất, trường vừa xây dựng xong dãy phòng học mới với 40 phòng học hiện đại (có hệ thống âm thanh, máy chiếu, máy phóng để giảng viên ứng dụng công nghệ thông tin), nâng tổng số phòng học thuần túy lên trên 100 phòng và 12 phòng chuyên dùng. Trường đang xây dựng thêm dãy ký túc xá 5 tầng, nhưng ngay từ năm học 2011-2012 trường đảm bảo sẽ có chỗ ở cho 2 ngàn sinh viên với mức phí rất mềm, khoảng 100 ngàn đồng/người/tháng. Dự kiến đầu tháng 3-2011, trường khởi công xây dựng xưởng trường và nhà thi đấu đa năng dành cho sinh viên ngay trong khuôn viên trường.
Về đội ngũ giảng viên, trường hiện có 240 cán bộ, giảng viên cơ hữu; hợp đồng cơ hữu và thỉnh giảng với 29 tiến sĩ và 50 giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh, đáp ứng quy định của Bộ (mỗi mã ngành mới phải có tối thiểu 1 tiến sĩ, 2 thạc sĩ). Bên cạnh đó, trường xây dựng đề án thu hút giảng viên có học vị, học hàm; hỗ trợ điều kiện cho giảng viên của trường học tập nâng cao trình độ.
Về giáo trình, các ngành đều có chương trình khung, chương trình chi tiết và giáo trình tài liệu. Một trong những thuận lợi của nhà trường, đó là được nâng cấp lên từ cơ sở của Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai, một trường có bề dày trong đào tạo và hình thành được "thương hiệu" riêng từ nhiều năm nay. Công tác nâng cấp lên đại học cũng được chuẩn bị kỹ từ rất lâu, từ năm 2006 đến nay trường đã dần chủ động đào tạo đa ngành. Các mã ngành mới mở của hệ đại học phần lớn là ngành sư phạm cũng là một thuận lợi cho trường. Đối với các ngành ngoài sư phạm, trường đã chủ động liên kết hợp tác với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để sinh viên được đào tạo gắn liền với thực tế và nhà trường cũng đang xây dựng các chương trình hợp tác quốc tế...
* Xin cảm ơn ông!
Thanh Thúy (thực hiện)