15-3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Trường, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tỉnh xung quanh vấn đề quyền của người tiêu dùng.
15-3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Trường, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tỉnh xung quanh vấn đề quyền của người tiêu dùng.
* Phóng viên: Thưa ông, theo tổ chức Quốc tế người tiêu dùng (NTD) thì NTD có những quyền nào?
- Ông Lê Xuân Trường: Theo tổ chức Quốc tế NTD quy định, NTD có các quyền sau: quyền được thỏa mãn các nhu cầu cơ bản (ví dụ như: nếu không có lý do chính đáng, các tổ chức, cá nhân không được từ chối bán gạo, xăng, dầu... cho NTD); quyền được an toàn; quyền được thông tin; quyền được lựa chọn; quyền được lắng nghe; quyền được bồi thường; quyền được giáo dục; quyền được sống trong môi trường lành mạnh và bền vững (ví dụ như NTD có quyền tẩy chay hàng hóa của các công ty sản xuất gây ô nhiễm môi trường...).
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17-11-2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011 thì ngoài một số quyền trùng với quy định của tổ chức Quốc tế NTD như: quyền được an toàn; quyền được thông tin; quyền được lựa chọn; quyền được bồi thường, còn có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình; quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng, hàng hóa. Đồng thời, NTD phải có nghĩa vụ kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn...
* Được biết, Ngày Quyền của NTD thế giới năm nay được Quốc tế NTD đề ra là: "Dịch vụ tài chính công bằng cho NTD". Xin ông cho biết khiếu nại liên quan đến dịch vụ tài chính của NTD trong tỉnh nổi cộm vấn đề nào?
- Hiện nay, dịch vụ tài chính ở nước ta đang bộc lộ nhiều bất cập, gây bức xúc, thiệt thòi cho NTD, như: dịch vụ thẻ ATM, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, lãi suất tiền gửi tiết kiệm... Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, khiếu nại trong lĩnh vực tài chính không nhiều. Song, điều đáng nói là NTD thường bị thiệt thòi trước những hợp đồng soạn sẵn. Khi có tranh chấp xảy ra, lợi thế thường thuộc về doanh nghiệp. Theo tôi, để bảo vệ NTD trong các trường hợp này thì phải có cơ quan, tổ chức bảo vệ NTD đứng ra nghiên cứu các hợp đồng soạn sẵn này. Nếu phát hiện những điều khoản trong hợp đồng không rõ ràng, dễ gây ngộ nhận, ảnh hưởng đến quyền lợi NTD thì đề nghị cơ quan quản lý cho chấn chỉnh kịp thời.
Ngoài ra, Luật Bảo vệ NTD đã ra đời nhưng chưa ban hành các Nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm bảo vệ quyền lợi NTD. Trong khi đó, hiện nay, xử phạt hành vi này chủ yếu thông qua các lĩnh vực khác nên không đủ sức răn đe. Đơn cử như, kinh doanh hàng đa cấp chỉ bị xử phạt hành chính vì quảng cáo không đúng thực tế; chứ chưa có biện pháp xử phạt đối với hành vi gian lận, lừa dối NTD. Do đó, cần sớm ban hành quy định cụ thể mức xử phạt đối với hành vi vi phạm bảo vệ quyền lợi NTD để có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
* Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD tỉnh trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh giữa NTD và doanh nghiệp (DN)?
- Khi xảy ra tranh chấp giữa NTD và DN thì NTD có quyền gửi yêu cầu đến DN để thương lượng. Trong trường hợp cả hai bên không thương lượng được thì NTD có thể gửi đơn đến Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD tỉnh, có văn phòng đặt tại Sở Khoa học-công nghệ, để tiến hành hòa giải.
Thông qua khiếu nại của NTD, Hội trở thành cầu nối giữa NTD và DN, tạo điều kiện cho NTD và DN gặp nhau để giải quyết các vướng mắc khiếu nại qua hình thức hòa giải, giảm thiểu các trường hợp khởi kiện không đáng để đưa ra các cơ quan pháp luật, cũng như tạo cơ hội cho DN ghi nhận và khắc phục các lỗi trong quá trình sản xuất để tạo sản phẩm có chất lượng ngày càng cao hơn. Hội cũng đại diện cho NTD trong khiếu nại, tranh chấp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ. Khi quyền lợi NTD bị xâm phạm thì Hội trực tiếp hoặc thông qua đại diện của mình thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.
Trong trường hợp NTD khiếu nại DN chưa hợp lý, Hội tiến hành giải thích trên các cơ sở khoa học và pháp luật giúp NTD hiểu rõ vấn đề, rút đơn khiếu nại DN. Hội đồng thời cũng là tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát thị trường, khi phát hiện các trường hợp hàng hóa, dịch vụ có dấu hiệu vi phạm đến quyền lợi chính đáng của NTD thì sẽ đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước liên quan xem xét, thực hiện thanh tra, kiểm tra để xử lý, ngăn chặn kịp thời.
* Xin cảm ơn ông.
NGỌC THƯ (thực hiện)