Đó là chia sẻ của Nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai hai nhiệm kỳ liên tiếp trước cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp đang đến gần.
Đó là chia sẻ của Nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai hai nhiệm kỳ liên tiếp trước cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp đang đến gần. Ông cho biết:
- Từ kinh nghiệm hoạt động đại biểu của bản thân, tôi thấy rằng để Quốc hội thực sự chuyên nghiệp thì đại biểu Quốc hội cần thiết phải được nâng cao kiến thức về luật pháp. Do đó, nên ưu tiên những người học luật làm đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Quốc hội phải có sự hỗ trợ về pháp lý để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân; vừa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ vừa giải thích để họ hiểu luật pháp. Chỉ khi đại biểu Quốc hội có sự am hiểu về luật pháp thì hành xử của đại biểu mới đảm bảo được chất lượng trên nhiều phương diện, từ xây dựng luật, giám sát đến quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Bên cạnh đó, tôi cũng rất kỳ vọng, Quốc hội khóa XIII sẽ ứng dụng mô hình Quốc hội điện tử. Bởi thực tế, bản thân các đại biểu rất muốn đối thoại với dân bằng nhiều kênh thông tin khác nhau. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội cũng phải chịu khá nhiều áp lực, do đó, khi triển khai mô hình Quốc hội điện tử, không chỉ đại biểu mà cả cử tri sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin, đồng thời thể hiện được quan điểm, ý kiến của mình.
Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại hội nghị tổng kết nhiệm kỳ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tháng 3-2011. |
* Ông có gửi gắm gì tới những đại biểu Quốc hội khóa XIII sắp tới?
- Tôi cho rằng, để trở thành một đại biểu Quốc hội, cần thiết phải có 3 năng lực quan trọng. Thứ nhất, phải sử dụng hết quyền hạn đại biểu của mình để phản ánh được những vấn đề mà cử tri gửi gắm, tâm tư. Tất nhiên, để làm được điều này đòi hỏi người đại biểu phải dũng cảm, khôn ngoan và tinh tế. Thứ hai, đại biểu phải có sự am hiểu về pháp luật, hay nói cách khác, đại biểu Quốc hội phải là một luật sư. Thứ ba, đại biểu Quốc hội phải có kỹ năng truyền thông tốt để truyền đạt nguyện vọng của người dân đến không chỉ diễn đàn Quốc hội mà còn với các cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng.
* Là đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai liên tiếp hai nhiệm kỳ, ông đánh giá như thế nào về trách nhiệm của mình đối với cử tri?
- Là một đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai, tôi đã tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội; các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp. Tôi cũng đã thực hiện đúng trách nhiệm của mình đối với những nhiệm vụ được Quốc hội và Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giao. Tôi nghĩ với những nhiệm vụ này, mình đã thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm và đáp ứng được yêu cầu của cử tri.
Tuy nhiên, nếu xét ở khía cạnh tiếp xúc cử tri và đặc biệt là tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân thì bản thân tôi thấy mình vẫn chưa làm tròn. Bởi lẽ là một đại biểu Quốc hội không chuyên trách của Đồng Nai nhưng tôi lại sinh sống ở Hà Nội nên việc tiếp xúc với cử tri địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, không phải lúc nào, ở đâu, đại biểu Quốc hội cũng có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước nên nhiều đơn thư của cử tri khi mình chuyển đi cũng có khi được hồi âm tích cực nhưng nhiều lúc cũng bị rơi vào lãng quên. Do đó, đại biểu Quốc hội nhiều khi chỉ làm nhiệm vụ chuyển đơn thư của cử tri mà chưa góp phần giải quyết đơn thư ấy một cách hiệu quả.
* Là đại biểu ngoài Đảng tham gia Quốc hội, ông cảm thấy hoạt động của mình thuận lợi hay khó khăn nhiều hơn?
- Từ kinh nghiệm hoạt động thực tế của bản thân, tôi thấy mình có nhiều thuận lợi hơn, trong đó thuận lợi lớn nhất là ít phải chịu áp lực...
* Xin cảm ơn ông!
Minh Ngọc (thực hiện)