Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ động vật hoang dã:
Cần hành động trước khi quá muộn

10:05, 08/05/2011

Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) là tổ chức phi chính phủ được thành lập tại Hoa Kỳ từ năm 1895. WCS hiện đang hoạt động tại hơn 60 quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Với mục tiêu bảo tồn các loài động vật hoang dã (ĐVHD) và các vùng đất hoang dã, WCS đã cứu được nhiều loài khỏi bờ tuyệt chủng và vẫn đang tiếp tục bảo vệ chúng, ví dụ như loài trâu rừng và sói ở Mỹ, đười ươi ở Congo, hổ ở Ấn Độ, và nhiều loài động vật lớn ở biển. Nhân dịp WCS phối hợp với các cơ quan chức năng ở Đồng Nai để tổ chức đêm “Gala bảo vệ động vật hoang dã” diễn ra tối nay 9-5, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ SCOTT ROBERTON, Giám đốc Hiệp hội bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam.

Tiến sĩ Scott Roberton

Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) là tổ chức phi chính phủ được thành lập tại Hoa Kỳ từ năm 1895. WCS hiện đang hoạt động tại hơn 60 quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Với mục tiêu bảo tồn các loài động vật hoang dã (ĐVHD) và các vùng đất hoang dã, WCS đã cứu được nhiều loài khỏi bờ tuyệt chủng và vẫn đang tiếp tục bảo vệ chúng, ví dụ như loài trâu rừng và sói ở Mỹ, đười ươi ở Congo, hổ ở Ấn Độ, và nhiều loài động vật lớn ở biển. Nhân dịp WCS phối hợp với các cơ quan chức năng ở Đồng Nai để tổ chức đêm “Gala bảo vệ động vật hoang dã” diễn ra tối nay 9-5, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ SCOTT ROBERTON, Giám đốc Hiệp hội bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam.

* PV: Trước hết xin ông cho biết, mục tiêu và những hoạt động cụ thể mà WCS nhắm đến ở Việt Nam?

- TS. Scott: WCS bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1989 với những đề xuất bảo vệ tê giác ở rừng Cát Tiên. Từ năm 2005 đến nay, WCS tập trung vào mục tiêu giảm thiểu buôn bán trái phép động vật hoang dã tại Việt Nam.

 WCS đã thực hiện nhiều dự án tăng cường năng lực thực thi pháp luật với các ngành chức năng như kiểm lâm, cảnh sát môi trường, hải quan, bộ đội biên phòng... ở cấp Trung ương cũng như cấp tỉnh (đặc biệt ở các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Lâm Đồng, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh...). Tại Đồng Nai, WCS đã hợp tác chặt chẽ với Sở Nông nghiệp, Chi cục Kiểm lâm từ năm 2009 và trong năm nay, thông qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, WCS cũng hỗ trợ các nhà báo trong các chuyến thực địa, hội thảo về các đề tài liên quan đến việc chống buôn bán ĐVHD trái phép.

* Từ quá trình hoạt động ở Việt Nam những năm qua, ông đánh giá về nhận thức của người dân Việt Nam và nỗ lực của chính quyền trong vấn đề bảo vệ ĐVHD như thế nào?

- Hơn 10 năm qua công tác tại Việt Nam, tôi nhận thấy người dân Việt Nam ngày càng có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên có một hiện trạng buồn là trong 10 năm qua số ĐVHD của chúng ta cũng giảm sút nhanh chóng, một số loài đã tuyệt chủng ví dụ như tê giác Java cuối cùng của Việt Nam đã bị bắn chết năm 2010 ở rừng Cát Tiên.

Một nguyên nhân lớn là do có nhiều người có quan niệm sai lầm rằng ăn thịt và dùng sản phẩm từ ĐVHD mới là cách thể hiện đẳng cấp, trong khi sự thực là việc này vi phạm pháp luật và lối sống kém văn minh bị thế giới lên án, ngoài ra còn tạo nguy cơ lan truyền rất nhiều dịch bệnh sang người.

Chính quyền có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong vấn đề bảo vệ ĐVHD. Chẳng hạn việc tham gia Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp CITES từ năm 1994, hay các vụ bắt giữ hàng chục tấn ngà voi, tê tê... bị buôn bán trái phép. Gần đây nhất là đợt ra quân của tỉnh Đồng Nai trong năm 2010 theo Chỉ thị 18/CT-UBND ngày 16/09/2010 về việc tăng cường quản lý các hoạt động gây nuôi, chế biến, kinh doanh động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, các nỗ lực này là vẫn còn ít ỏi so với tốc độ suy giảm nghiêm trọng của số lượng ĐVHD tại Việt Nam.

Nếu chúng ta không có các biện pháp xử lý nghiêm minh các đối tượng làm nghề buôn bán trái phép ĐVHD, điều đó đồng nghĩa với việc nỗ lực của chính quyền và các tổ chức xã hội vẫn chưa đạt được kết quả.

 

Một cuộc hội thảo về bảo vệ ĐVHD do WCS phối hợp với Sở NN-PTNT Đồng Nai tổ chức.

* Với tư cách một nhà khoa học, xin ông có thể trình bày thêm những khuyến cáo của WCS đối với mọi người về vấn đề ăn thịt động vật hoang dã, buôn bán động vật hoang dã hay các nguy cơ truyền bệnh từ động vật hoang dã sang người cần tránh?

- Các bạn nghĩ gì khi biết 70% bệnh truyền nhiễm ở người hiện nay là do lây truyền từ ĐVHD? Virút HIV xuất hiện ở người sau khi ăn linh trưởng nhiễm virus SIV ở châu Phi. Đại dịch SARS xuất phát từ việc mổ và ăn thịt cầy, chồn ở Quảng Đông (Trung Quốc) khiến hơn 8000 người nhiễm bệnh và gần 800 người chết. Các trường hợp nhậu kỳ đã dẫn tới sán phổi, sán não ở người đã xuất hiện nhiều ở Thái Lan. Thực tế việc tiêu thụ ĐVHD đem lại nhiều nguy hại cho sức khỏe chứ không phải bồi bổ sức khỏe như một số người lầm tưởng.

Một nguy cơ nhãn tiền đó là sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD của Việt Nam. Con cái chúng ta sẽ hỏi thế hệ chúng ta đã làm gì để khiến di sản thiên nhiên quý giá này mãi mãi biến mất. Những loài động vật hoang dã đang bị đe dọa như linh trưởng, rùa, hổ và voi có nguy cơ tuyệt chủng trong 10 năm tới. Chúng ta cần hành động ngay, hoặc không còn cơ hội nữa.

Có nhiều nước là tấm gương trong việc bảo tồn động vật hoang dã thành công, điểm chung mấu chốt là các nước này đều thực thi luật một cách hiệu quả. Loài hổ đang tăng số lượng ở nhiều khu bảo tồn tại Ấn Độ vì họ bảo vệ chặt chẽ các khu này, tê giác đã được cứu khỏi bờ vực tuyệt chủng ở Nepal thông qua việc thực thi pháp luật một cách hiệu quả và mạnh mẽ...

Cần tăng cường công tác thực thi pháp luật đối với tội phạm liên quan đến ĐVHD từ việc ngăn chặn cho đến phát hiện và khởi tố thích đáng các đối tượng vi phạm... Các cơ quan của Việt Nam qua hành động thực tế cần nêu rõ quan điểm tới công chúng rằng họ sẽ không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến ĐVHD. Chúng ta không cần thêm bất kỳ bài phát biểu hay kế hoạch hành động hay đánh giá nào nữa mà đã đến lúc phải bắt tay vào hành động ngay, trước khi quá muộn...

* Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này.

Phan Văn Tú (thực hiện)

Tin xem nhiều
Đồ ăn chó Hạt cho chó