Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Tân Phú: Tiếp tục phát huy nội lực để phát triển tam nông

10:05, 16/05/2011

Mặc dù có điểm xuất phát thấp, song trong những năm qua, nhờ có nhiều nỗ lực trong đầu tư và phát triển, Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Phú cũng đã tạo nên những chuyển biến đáng kể trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với bình diện chung của tỉnh, huyện Tân Phú vẫn còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Phó chủ tịch UBND huyện Trần Bá Đạt.

Mặc dù có điểm xuất phát thấp, song trong những năm qua, nhờ có nhiều nỗ lực trong đầu tư và phát triển, Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Phú cũng đã tạo nên những chuyển biến đáng kể trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với bình diện chung của tỉnh, huyện Tân Phú vẫn còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Bá Đạt cho biết:

 

- Cách đây gần 20 năm, khi vừa được chia tách từ huyện Tân Phú cũ, huyện Tân Phú (mới) gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Toàn huyện không chỉ thiếu điện sinh hoạt, thiếu nước hợp vệ sinh; trường, trạm đều tạm bợ, mà ngay cả đường giao thông lúc ấy cũng chỉ có quốc lộ 20 chạy qua là đường nhựa, còn lại hầu hết là đường mòn tự phát. Nhưng có thể nói, sau 20 năm hình thành và phát triển, huyện Tân Phú đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội, như: thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người, giáo dục, y tế... đều tăng cao. Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng cũng đã được đầu tư mạnh mẽ, phục vụ hiệu quả quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, toàn huyện đến nay đã "cứng hóa" được gần 70% tuyến đường; trên 98% người dân được sử dụng điện; xây dựng được 18/18 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 18/18 xã, thị trấn phổ cập THCS; nhiều trường lớp được xây dựng kiên cố và lầu hóa theo chuẩn quốc gia từ mầm non đến THPT.

 

* Có được kết quả này, theo ông là nhờ đâu?

 

- Có được những thành tựu đó, theo tôi, trước hết là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự hỗ trợ của các ban ngành chức năng của tỉnh; sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ huyện, của chính quyền địa phương và niềm tin, sức mạnh của toàn thể nhân dân trong huyện.

 

* Thế nhưng, thưa ông, so với bình diện chung của cả tỉnh, thì Tân Phú vẫn còn là một huyện nghèo. Để thoát khỏi

tình trạng này, trong thời gian tới, Tân Phú cần phải có những giải pháp và mục tiêu cụ thể như thế nào?

 

Đường giao thông được đầu tư xây dựng về các xã vùng sâu vùng xa, giúp người dân thuận tiện đi lại.

- Mặc dù đã có nhiều đổi thay, nhưng đến nay Đảng bộ huyện vẫn xác định, Tân Phú còn là một huyện miền núi nghèo, các cơ sở hạ tầng phát triển chưa tương xứng. Do vậy, để bắt kịp với xu thế chung, trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển nhiệm kỳ tới, Đảng bộ và chính quyền địa phương xác định sẽ tiếp tục khơi dậy và phát huy nguồn nhân lực, trước hết là nội lực ở tất cả các thành phần kinh tế để khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, gắn liền với phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp và nông thôn. Huyện sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng chuyên canh nông nghiệp trên cơ sở khai thác hợp lý các điều kiện và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích; gắn sản xuất với chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ; tăng dần tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình công nghiệp và bán công nghiệp.

 

* Còn vấn đề "tam nông" thời gian tới sẽ được huyện phát triển như thế nào, thưa ông?

 

- Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW của Trung ương (khoá X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, huyện Tân Phú sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông nông thôn, hạ thế điện để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, xây dựng hệ thống thủy lợi) gắn với quy hoạch khu dân cư; thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Bởi, chúng tôi xác định, một khi cơ sở hạ tầng đã phát triển sẽ tạo điều kiện cho địa phương chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thị trường và hiệu quả kinh tế cao... Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ có những chính sách hỗ trợ thiết thực để tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là việc làm tại chỗ, nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Trước mắt, huyện sẽ thí điểm thực hiện ở 3 xã: Phú Xuân, Phú Thịnh và Phú Thanh. Ngoài ra, huyện sẽ rà soát lại các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các xã, thị trấn, mà đặc biệt là 3 xã được chọn làm thí điểm, để đề ra các giải pháp phát triển, nhằm mục tiêu đến năm 2015, các xã thí điểm này sẽ đạt được những tiêu chí về nông thôn mới. Trên cơ sở đó, huyện sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, để có những bước đi tiếp theo, nhằm nhân rộng mô hình này, góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.

 

* Xin cảm ơn ông!

Thùy Trang (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều