Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều thuận lợi khi hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính

09:05, 18/05/2011

Đồng Nai là tỉnh đô thị hóa nhanh nên tình hình biến động về đất đai diễn ra khá phức tạp. Do đó, Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT) đã chọn Đồng Nai thực hiện mô hình điểm xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính quản lý đất đai để rút kinh nghiệm.

Đồng Nai là tỉnh đô thị hóa nhanh nên tình hình biến động về đất đai diễn ra khá phức tạp. Do đó, Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT) đã chọn Đồng Nai thực hiện mô hình điểm xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính quản lý đất đai để rút kinh nghiệm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ TN-MT.

 

* Phóng viên: Hiện nay, Quốc hội vẫn chưa thông qua quy hoạch đất đai toàn quốc giai đoạn 2011-2015, Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác đành phải ngưng triển khai một số dự án, gây khó khăn rất lớn. Trước tình hình này, Bộ TN-MT có động thái gì để giúp các tỉnh tháo gỡ bớt khó khăn?

 

- Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Khó khăn này hiện đã được Bộ tạm thời tháo gỡ, bằng cách yêu cầu các tỉnh, thành liệt kê các dự án cần triển khai trong năm 2011 gửi về Bộ TN-MT. Sau đó, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt dự án. Khi dự án được Thủ tướng phê duyệt các địa phương có thể tiến hành thực hiện.

 

* Các dự án cấp bách như xây dựng các công trình công cộng phải đợi liệt kê gửi về Bộ TN-MT để trình Thủ tướng Chính phủ và chờ phê duyệt sẽ mất nhiều thời gian?

 

- Với những dự án quan trọng cần triển khai nhanh, Bộ TN-MT sẽ ưu tiên trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian ngắn nhất để sớm có kết quả giúp các địa phương nhanh chóng triển khai được dự án.

 

* Vì sao Bộ lại chọn Đồng Nai thực hiện mô hình điểm xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, thưa ông?

 

- Đồng Nai là tỉnh có diện tích lớn, tình hình đất đai biến động phức tạp nên Bộ đã chọn làm điểm để rút kinh nghiệm, khắc phục các hạn chế để sau đó nhân rộng ra các tỉnh, thành khác. Thời gian qua, Đồng Nai đã xây dựng khá thành công dữ liệu địa chính giúp tỉnh thuận lợi hơn trong việc quản lý, quy hoạch sử dụng đất đai. Hiện cơ sở dữ liệu đất đai của Đồng Nai đã được tập trung tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh, các huyện, thị, thành kết nối vào cơ sở dữ liệu này để khai thác, cập nhật, chỉnh lý thông tin về từng thửa đất thông qua mạng MegaWan (kết nối mạng máy tính ở các vị trí khác nhau tạo thành một mạng duy nhất). Do đó, công tác quản lý của Nhà nước về đất đai, như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất, xây dựng thông tin đất đai... tốt hơn, tránh được tình trạng chuyển nhượng, quy hoạch, tách thửa tràn lan.

 

* Khi cơ sở dữ liệu này hoàn thiện, ngoài thuận lợi cho công tác quản lý đất đai, người dân được hưởng lợi gì, thưa ông?

 

- Nếu cơ sở dữ liệu hoàn thiện, không chỉ Nhà nước quản lý đất đai thuận tiện, mà người dân cũng sẽ rất thuận lợi khi muốn tìm hiểu các thông tin về các thửa đất mình định mua bán hoặc đầu tư. Chẳng hạn, khi người dân muốn mua bán, tìm hiểu thông tin về mảnh đất mình sẽ mua hoặc đầu tư thì chỉ cần vào website của Sở TN-MT tỉnh vào mục cần tìm, sau đó gõ số thửa đất vào sẽ biết được hiện trạng và tương lai của mảnh đất. Như vậy, người dân sẽ tránh được nhiều rủi ro trong việc mua bán, đầu tư trên mảnh đất đó. Hiện Sở TN-MT Đồng Nai đang tiếp tục thực hiện thí điểm ở một số phường thuộc TX.Long Khánh  để cập nhật chi tiết tất cả các thông tin về nguồn gốc, quá trình biến động của thửa đất đó vào một file. Nếu công việc này thành công, nhân rộng ra sẽ giúp chính quyền địa phương quản lý đất chính xác hơn và người dân khi muốn tìm hiểu nguồn gốc chi tiết của thửa đất cũng dễ dàng.

 

Đất đai ở TP. Biên Hòa được quản lý trên phần mềm Vilis (phần mềm quản lý đất đai).

Đến nay, Đồng Nai đã hoàn thành việc lập bản đồ địa chính cho 171/171 xã, phường, thị trấn. Trong đó, 130 xã, phường, thị trấn có bản đồ địa chính được lập bằng công nghệ bản đồ số và 41 xã, phường, thị trấn được số hóa đưa về chuẩn phần mềm Famis (phần mềm quản lý bản đồ đất đai). Hiện trong tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho gần 1,4 triệu thửa đất của 6.854 tờ bản đồ địa chính với diện tích 590.73 hécta. Đây là những dữ liệu phục vụ tích cực cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...

K.M

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều