Mới đây, một trẻ 5 tuổi được gia đình gửi tại nhóm trẻ gia đình ở xã Hóa An bị tử vong do rơi xuống hồ nước một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự mất an toàn tại các nhóm trẻ ngoài công lập. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn bà Ngô Diệu Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP. Biên Hòa về vấn đề này.
Bà Ngô Diệu Thanh. |
Mới đây, một trẻ 5 tuổi được gia đình gửi tại nhóm trẻ gia đình ở xã Hóa An bị tử vong do rơi xuống hồ nước một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự mất an toàn tại các nhóm trẻ ngoài công lập. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn bà Ngô Diệu Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP. Biên Hòa về vấn đề này.
* Xin bà cho biết, hoạt động của nhóm trẻ ngoài công lập nơi để xảy ra vụ việc trên?
- Từ năm 2007 2009, nhóm trẻ này được cấp phép hoạt động. Đến năm 2009, nhận thấy nhóm trẻ không đủ điều kiện nên đoàn kiểm tra đã yêu cầu ngừng hoạt động từ năm 2009. Đến ngày 5-8-2011, một lần nữa UBND xã Hóa An yêu cầu nhóm trẻ này phải ngừng hoạt động vì không đảm bảo an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, bất chấp những đề nghị trên, nhóm trẻ vẫn tiếp tục hoạt động và xảy ra sự việc đau lòng.
* Vậy thời gian qua, việc cấp phép hoạt động cho các nhóm lớp ngoài công lập ở Biên Hòa được thực hiện như thế nào, thưa bà?
- Theo điều lệ trường mầm non, việc cấp phép hoạt động và quản lý thuộc về trách nhiệm của phường, xã. Phòng GD-ĐT chịu trách nhiệm quản lý về chuyên môn. Tuy nhiên, đến năm 2011, Điều lệ trường mầm non mới quy định UBND phường, xã cấp phép thành lập (cấp 1 lần), Phòng GD-ĐT cấp phép theo năm. Tuy nhiên, Phòng GD-ĐT không có người kiểm tra cấp phép nên dự kiến phải tới năm 2012-2013 chúng tôi mới thực hiện được.
* Biên Hòa hiện có bao nhiêu nhóm trẻ ngoài công lập và hoạt động của những nhóm này như thế nào?
- Đến nay, toàn thành phố có 31 trường mầm non công lập (trong đó có 2 phường không có trường mầm non là Thống Nhất và Long Bình), 22 trường mầm non tư thục. Toàn thành phố có trên 28 ngàn trẻ (chiếm gần 75% trẻ) đang học các nhóm lớp ngoài công lập. Hiện toàn thành phố có 428 nhóm trẻ ngoài công lập (tăng 40 nhóm so với năm học trước). Ngoài ra, toàn thành phố còn có trên 40 nhóm trẻ không được cấp phép vẫn hoạt động. Đó là một số nhóm nhỏ lẻ tại các gia đình, hoặc phòng trọ nhận giữ 3-5 trẻ. Bên cạnh các nhóm lớp hoạt động bài bản, quy mô, vẫn còn nhiều nhóm lớp không đảm bảo các yêu cầu. Qua các lần kiểm tra, nhiều lần chúng tôi kiến nghị về tình trạng mất an toàn tại các cơ sở này, như: người trông giữ trẻ không có nghiệp vụ sư phạm, người lớn tuổi, hay công nhân trong thời gian thai sản vừa trông con vừa nhận trông giữ thêm một số trẻ khác. Với những nhóm trẻ không đủ điều kiện hoạt động nhưng vẫn hoạt động, phường xã có yêu cầu làm cam kết đảm bảo an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, một số nhóm trẻ cố tình làm ngơ trước những yêu cầu và khuyến cáo.
* Với trách nhiệm quản lý về chuyên môn, thời gian qua phòng GD-ĐT đã “với tay” chỉ đạo như thế nào đối với các nhóm trẻ này?
- Trung bình một năm chúng tôi cũng chỉ thanh tra toàn diện được 20-30 nhóm trẻ, chủ yếu đi kiểm tra những nhóm trẻ mới, để nắm được tình hình hoạt động. Trong tổng số 428 nhóm lớp ngoài công lập có 50% nhóm lớp nhận trông giữ từ 50 trẻ trở lên, chúng tôi tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng. Hàng quý 3 tháng/lần, tất cả các nhóm lớp ngoài công lập được cấp phép sẽ sinh hoạt chuyên môn cùng phòng GD-ĐT thành phố.
* Bà có nghĩ rằng việc chỉ đạo về mặt chuyên môn với các nhóm ngoài công lập như vậy là quá ít?
- Cán bộ phụ trách công tác mầm non quá ít (chỉ có 3 người) nên Phòng GD-ĐT không thể đi hết 428 nhóm trẻ để kiểm tra. Chủ yếu hoạt động của các nhóm trẻ ngoài công lập do phường xã quản lý. Tuy nhiên, cán bộ phường xã lại không có nghiệp vụ nên nhiều bất cập đã xảy ra. Chúng tôi hy vọng thời gian tới các phường, xã sẽ quyết liệt hơn trong việc xử lý, rút giấy phép hoạt động với các cơ sở nuôi giữ trẻ ngoài công lập không đủ điều kiện. Với các bậc phụ huynh, chúng tôi mong phụ huynh lựa chọn kỹ lưỡng những nhóm trẻ ngoài công lập đảm bảo sự an toàn cho trẻ.
Bích Hường (thực hiện)