Bốn công trình điện cao thế 500kV đi qua Đồng Nai đã bị trễ tiến độ so với yêu cầu của Chính phủ do việc giải phóng mặt bằng chậm chạp.
Bốn công trình điện cao thế 500kV đi qua Đồng Nai đã bị trễ tiến độ so với yêu cầu của Chính phủ do việc giải phóng mặt bằng chậm chạp. Mới đây, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cùng các địa phương có công trình đi qua để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tập trung một lượng lớn nhà máy sản xuất nên lượng điện tiêu thụ không nhỏ. Trong ảnh: Sản xuất nồi ở Công ty Happy Cook tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2. |
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái yêu cầu, cứ 10 ngày các địa phương phải báo cáo một lần về tiến độ cho UBND tỉnh để kịp thời xử lý. Lý do vì đây là những công trình quyết định đến việc thiếu - đủ điện cho khu vực phía Nam trong năm 2014. Dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã phỏng vấn ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Phóng viên: Xin ông cho biết tiến độ dự án của các đường dây 500kV qua địa phận tỉnh Đồng Nai hiện nay?
- Ông Dương Quang Thành: Các dự án lưới điện 500 kV đi qua tỉnh Đồng Nai hiện nay, gồm: đường dây Vĩnh Tân - Sông Mây; Phú Mỹ - Sông Mây; Sông Mây - Tân Định và Trạm biến áp 500kV Sông Mây. Theo quyết định của Chính phủ, 4 dự án 500kV này đều thuộc diện cấp bách để cấp điện cho miền Nam từ cuối năm 2013 trở đi.
Đường dây Vĩnh Tân - Sông Mây lấy nguồn điện từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (tỉnh Bình Thuận) cung cấp cho miền Nam thông qua Trạm 500kV Sông Mây. Theo dự kiến, cuối năm 2013 tổ máy số 1 của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 sẽ phát điện hòa vào lưới điện quốc gia thông qua đường dây này. Đường dây 500kV Vĩnh Tân - Sông Mây rất quan trọng, bởi nó cung cấp điện cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đường dây thứ 2 là từ Phú Mỹ - Sông Mây, là đường dây cung cấp điện từ các Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) kết nối với đường dây 500kV Sông Mây - Tân Định để cung cấp cho các tỉnh, thành phía Nam. 4 dự án này ngoài vai trò cấp điện cho miền Nam vào cuối năm nay, còn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mùa khô năm 2014, vì sẽ kết nối với dự án đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông. EVN dự kiến đưa dự án này vào vận hành từ đầu năm 2014.
Theo ông Dương Quang Thành, trong tháng 9 tới, EVN dự kiến cắt điện đường dây Đắk Nông - Phú Lâm và Tân Định - Phú Lâm trong vòng 40 ngày để cải tạo. Như vậy sẽ không có nguồn điện từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Nếu 3 đường dây Vĩnh Tân - Sông Mây, Phú Mỹ - Sông Mây, Sông Mây - Tân Định không đi vào vận hành sẽ rất khó khăn trong việc cung cấp điện cho phía Nam. |
Đến nay các dự án này đã trễ tiến độ khoảng 1 tháng, như vậy có ảnh hưởng nhiều đến tiến độ chung không?
- Tiến độ hiện nay đã chậm hơn so với chỉ đạo của Chính phủ, tuy nhiên nếu nỗ lực phấn đấu để trong tháng 7 này hoàn tất việc giải phóng mặt bằng đường dây Sông Mây - Tân Định; trước ngày 15 - 8-2013 xong toàn bộ mặt bằng đường dây Phú Mỹ - Sông Mây và trước ngày 30-8-2013 hoàn thành giải phóng mặt bằng đường dây Vĩnh Tân - Sông Mây thì sẽ không ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện cho khu vực miền Nam.
Thưa ông, tình hình cung cấp điện ở những năm tới có gì đáng lo ngại không?
- Điện cung ứng cho miền Nam trong năm 2013 thì đảm bảo. Tuy vậy, trong mùa khô năm 2014, chúng tôi đánh giá là rất khó khăn. Khu vực phía Nam năm 2014 không có nhà máy mới nào đưa vào vận hành, trừ tổ máy số 1 của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thông qua đường dây Vĩnh Tân - Sông Mây. Như vậy, các đường dây này nhất thiết phải được đưa vào vận hành để đảm bảo sự điều tiết nguồn điện điện trên toàn hệ thống.
Xin cảm ơn ông!
Khắc Giới (thực hiện)