Báo Đồng Nai điện tử
En

Dân chủ trong lấy phiếu tín nhiệm

08:07, 09/07/2013

Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 12-7. Lần đầu tiên HĐND tỉnh sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu. Trả lời phỏng vấn của  phóng viên Báo Đồng Nai, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Nga cho biết:

Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 12-7. Lần đầu tiên HĐND tỉnh sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu. Trả lời phỏng vấn của  phóng viên Báo Đồng Nai, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Nga cho biết:

- Kỳ họp này HĐND sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 15 người giữ chức vụ do HĐND bầu. Cụ thể, về phía HĐND tỉnh gồm: chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thường trực, các trưởng ban của HĐND tỉnh. Về phía UBND tỉnh gồm có: chủ tịch, 4 phó chủ tịch, 5 ủy viên (gồm giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch - đầu tư, Nội vụ, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh).  

* Đây là lần đầu tiên việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện, vậy công tác chuẩn bị đã được tiến hành ra sao, thưa bà?

- Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu lần này rất hệ trọng và có ý nghĩa trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về đổi mới hoạt động của các cơ quan dân cử. Dựa trên cơ sở các quy định, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh do HĐND bầu, đồng thời quán triệt sâu sắc đến các đại biểu HĐND tỉnh đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung, trình tự, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm. Sự chuẩn bị này nhằm đảm bảo việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đạt kết quả tốt nhất, không mang tính hình thức, thể hiện sự tín nhiệm của các đại biểu HĐND đối với người giữ chức danh do HĐND bầu đúng thực chất.

* Hiện nay cử tri rất quan tâm đến việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện như thế nào để đảm bảo dân chủ, phản ánh đúng kết quả thực chất. Xin bà nói rõ hơn về quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp HĐND lần này?

“Người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 tổng số đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp”; hoặc người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” trong 2 năm liên tiếp, Thường trực HĐND sẽ trình HĐND xem xét, đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm”.

- Thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm, Thường trực HĐND tỉnh đã gửi văn bản kèm danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm đến Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã triển khai thực hiện và kết quả là không có ý kiến cử tri liên quan đến 15 người được lấy phiếu tín nhiệm lần này.

Sau khi có đầy đủ thông tin của Ủy ban MTTQ tỉnh, 15 người được lấy phiếu tín nhiệm đã xây dựng báo cáo gửi về Thường trực HĐND tỉnh để gửi đến đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu trước kỳ họp. Nội dung của báo cáo này là đánh giá kết quả hoạt động theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao, về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống từ ngày nhận nhiệm vụ do HĐND bầu cho đến nay. Theo đúng quy trình, đại biểu sau khi nghiên cứu báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm có quyền yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ vấn đề có liên quan, nhưng đến nay không có đại biểu nào có yêu cầu này.

HĐND tỉnh sẽ lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín, trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Ban Kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu đối với những người được lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó, HĐND tỉnh xem xét, thông qua nghị quyết.

HĐND tỉnh giám sát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu
HĐND tỉnh giám sát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu

* Trường hợp có phiếu tín nhiệm thấp thì hướng xử lý sẽ như thế nào, thưa bà?

- Trường hợp có phiếu tín nhiệm thấp sẽ xử lý theo quy định của Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21-11-2012 của Quốc hội khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.Người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 tổng số đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp”; hoặc người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” trong 2 năm liên tiếp, Thường trực HĐND sẽ trình HĐND xem xét, đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

Nếu người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp“ thì có thể xin từ chức.

Trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được HĐND tỉnh tín nhiệm.

* Xin cảm ơn bà!

Ngọc Thư (thực hiện)

 

Tin xem nhiều