Cây xanh trong TP.Biên Hòa hiện được xem là đạt mức thấp và thiếu trầm trọng. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai - người đã nghiên cứu về giải pháp tăng cường mật độ cây xanh ở các trục đường chính trung tâm TP.Biên Hòa.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng. Ảnh: V.Nam |
Cây xanh trong TP.Biên Hòa hiện được xem là đạt mức thấp và thiếu trầm trọng. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai - người đã nghiên cứu về giải pháp tăng cường mật độ cây xanh ở các trục đường chính trung tâm TP.Biên Hòa.
* Ông đánh giá thế nào về tình trạng cây xanh trên các tuyến đường ở TP.Biên Hòa hiện nay?
- Ở TP.Biên Hòa hiện nay tạm chia ra 3 kiểu đường phố. Thứ nhất là các tuyến đường đã hình thành trục cảnh quan cây xanh đúng chuẩn, tạo được bộ mặt đô thị phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả, như: đường Huỳnh Văn Nghệ, Phan Trung (đường 5 cũ) và Trần Quốc Toản. Thứ hai, những tuyến đường đã được xây dựng trục cảnh quan cây xanh đúng chuẩn, nhưng chưa tạo được không gian sống đô thị phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả, như: đường Nguyễn Ái Quốc (trồng các cây cọ và cây bụi thấp ở dải phân cách; đường có lộ giới tới 55m, các loại cây này hoàn toàn không mang chức năng tạo bóng mát và cảnh quan cho trục đường). Tuyến đường Đồng Khởi cũng vậy, đường được trồng cây dầu và cây bụi thấp, cần thời gian khá lâu mới tạo được độ che phủ như mong muốn. Thứ ba là những tuyến đường có lộ giới hẹp không thể trồng cây to che bóng mát, điển hình là đường Phạm Văn Thuận, với chiều dài hơn 5km, mặt đường hơn 10m nhưng lề đường có chỗ chỉ đạt 1m. Đường 30-4 (đoạn từ Công viên Biên Hùng đến đường Cách mạng tháng Tám) và đường Hồ Văn Đại đều là những tuyến đường không thể trồng cây to.
Hàng cây xanh ở khu vực công viên Nguyễn Văn Trị |
* Vậy theo ông, với những tuyến đường có lề hẹp không thể trồng cây lớn thì có phương án nào khác để tạo bóng mát không?
- Với những tuyến đường này phải sử dụng khung thép tạo thành vòm bắc qua đường rồi trồng cây dây leo. Phương án này đã được nhiều nơi trên thế giới áp dụng khá hiệu quả. Tùy theo vị trí cụ thể để bố trí từ 1 đến 2 khung liên tiếp để thay đổi không gian, làm phong phú thêm cho cảnh quan của trục đường. Ngoài ra, để bổ sung thêm cây xanh cho đô thị thì cần có thêm các bức tường cây xanh hay còn gọi là vườn thẳng đứng ở các nơi, như: cổng chào, dải phân cách, các điểm bán xăng… sẽ làm dịu bớt căng thẳng và về mặt mỹ quan cũng sinh động hơn.
* Kinh phí cho việc phát triển cây xanh đô thị là khá tốn kém, những phương án tăng cường cây xanh như ông đề xuất liệu việc thực hiện có quá khó khăn?
- Hiện nay nguồn lực phát triển cây xanh đô thị chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước, thiếu những chính sách để khuyến khích người dân cũng như các thành phần kinh tế tham gia. Ví dụ, khi cấp phép xây dựng ở một số căn nhà cần phải có quy định về chỉ tiêu cây xanh, các kiến trúc sư phải đưa những chỉ tiêu đó vào bản vẽ của mình. Tôi thấy nhiều người dân vẫn tự đi mua cây về trồng ở trước nhà mình, nếu được vận động tốt chắc chắn nhiều người dân sẽ tham gia trong việc trồng và chăm sóc cây xanh mà không cần đến tiền ngân sách. Quan trọng là người dân phải được hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây và được giải thích về lợi ích cũng như chủ trương phát triển cây xanh trong đô thị của thành phố. Tương tự vậy, các vòm cây trên các tuyến đường hoặc tường cây cũng có thể thực hiện xã hội hóa.
* Xin cảm ơn ông!
Vân Nam (thực hiện)