Trong khi có người rất mong muốn thực hiện hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A để phá hoại hàng trăm hécta rừng nguyên sinh và môi trường sống của nhiều loài thực vật, động vật quý giá, thì Phùng Mỹ Trung (ảnh) vẫn đi đi, về về, từ Fansipan đến mũi Cà Mau, khám phá những loài sinh vật mới, ghi lại vẻ đẹp của tự nhiên.
Ảnh: X.Phú |
Trong khi có người rất mong muốn thực hiện hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A để phá hoại hàng trăm hécta rừng nguyên sinh và môi trường sống của nhiều loài thực vật, động vật quý giá, thì Phùng Mỹ Trung (ảnh) vẫn đi đi, về về, từ Fansipan đến mũi Cà Mau, khám phá những loài sinh vật mới, ghi lại vẻ đẹp của tự nhiên. Một cách thầm lặng nhưng liên tục, hơn 20 năm qua, anh đang cố gắng truyền đi tình yêu thiên nhiên, yêu môi trường đến cộng đồng.
* Trang web Sinh vật rừng Việt Nam do anh sáng lập hiện đã trở thành một kho tư liệu miễn phí cho các sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên, nhân viên kiểm lâm… Dù nổi tiếng, song nó không đem đến một đồng lợi nhuận nào, thậm chí đôi lúc bị gièm pha. Anh có chán nản không?
- Năm 2000, CD-Rom “Sinh vật rừng Việt Nam” của tôi cùng một đồng sự được trao giải thưởng “Trí tuệ Việt Nam” và từ đó đến nay, trang web là một kho tư liệu miễn phí dành cho những ai quan tâm. Tôi không đặt vấn đề lợi nhuận, cũng như chưa từng nghĩ mình sẽ bán hình ảnh, tư liệu của trang web. Tôi không chán nản, vì tất cả những việc tôi làm để giúp ích cho cộng đồng, dù nhỏ nhoi. Tôi muốn truyền đi xa nhất có thể niềm say mê của mình với sinh vật, với thiên nhiên và kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường. Tôi thực sự say mê và thấy những điều mình làm là có ý nghĩa. Tôi hạnh phúc.
* Có phải do thừa hưởng dòng máu 3 đời kiểm lâm của gia đình mà anh yêu rừng không? Rừng đem đến cho anh điều gì?
Phùng Mỹ Trung sinh năm 1967, tốt nghiệp Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh. Đã đoạt các giải thưởng khoa học: giải nhất “Trí tuệ Việt Nam 2000” (cùng với Võ Sỹ Nam), giải thưởng Vifotex 2005, giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn 2006, sáng lập trang web Sinh vật rừng Việt Nam - là trang web đầu tiên ở Việt Nam cho phép tìm kiếm, tra cứu các loài động thực vật, côn trùng rừng Việt Nam. |
- Tôi yêu rừng từ nhỏ, có lẽ cũng một phần do ông ngoại và cha đều làm ngành kiểm lâm nên tôi tiếp xúc với rừng sớm. Còn vì sao yêu ư? Mỗi gốc cây, mỗi ngọn cỏ hay một con thú đối với tôi đều có câu chuyện riêng của chúng. Càng tìm hiểu, càng có kiến thức về chúng thì càng thấy rõ, tự nhiên vô cùng đẹp đẽ, và mỗi một sự tồn tại đều có ý nghĩa, có lý do riêng. Nếu đủ hiểu biết, người ta sẽ thấy thiên nhiên là hoàn mỹ, vẻ đẹp đó giúp chúng tồn tại. Và với tôi, thiên nhiên luôn là bài học lớn mà tôi học mãi vẫn thấy mới mẻ, vẫn chỉ như một cậu học trò.
* Là một trong số ít người Việt Nam có nhiều bài đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế và có được điểm khoa học - điều cũng rất hiếm. Anh nghĩ gì về điều kiện của những người nghiên cứu độc lập tại Việt Nam? Điều thiệt thòi nhất là gì?
- Tôi bước chân vào lĩnh vực này không phải để vinh thân, vì cho đến giờ, chưa một tổ chức nào của Việt Nam tài trợ cho tôi để chi tiêu cho những chuyến đi rừng hay khám phá sinh vật. Thậm chí, khi công bố một loài mới, tôi hoặc tự bỏ tiền túi, hoặc nhờ sự giúp đỡ của các đồng sự để trả phí đăng bài cho các tạp chí khoa học quốc tế. Trong khi đó, ở nhiều nước, không cần đến việc anh có làm khoa học chính danh hay không, chỉ cần có một bài đăng trên những tạp chí khoa học quốc tế uy tín là chính phủ đã chi ngay cả chục ngàn USD.
Việt Nam theo tôi biết cũng có các quỹ dành cho nghiên cứu khoa học, song chỉ tài trợ cho các nhà khoa học làm việc cho một số tổ chức, chưa quan tâm đến những người nghiên cứu độc lập. Nhưng đó không phải là điều thiệt thòi nhất của chúng tôi.
Tôi thấy hoảng hốt trước sự tàn nhẫn hủy diệt thiên nhiên của chính con người mà hai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là những minh chứng có thể thấy được ngay trước mắt, nảy sinh từ lòng tham và sự thiếu giáo dục của con người. |
* Anh đã cùng cộng sự khám phá ra bao nhiêu loài mới tại Việt Nam? Điều đó khó khăn ra sao? Và nó có ý nghĩa gì với bản thân anh?
- Cho đến thời điểm này, chúng tôi đã công bố 7 loài mới trên các tạp chí khoa học quốc tế. Các nhà khoa học của nước ngoài kinh phí dồi dào hơn nên họ thường bám trụ ở các vườn quốc gia ở Việt Nam với điều kiện sinh hoạt và trang thiết bị tốt hơn. Còn những người như chúng tôi tài lực yếu nên chủ yếu “đánh bắt xa bờ”: Hòn Khoai (cực Đông), Fansipan, Phú Yên… với những điều kiện tối thiểu nhất.
Mới đây, nhóm chúng tôi đã công bố một giống cóc núi mới, đăng tải trên tạp chí khoa học chuyên ngành của Hoa Kỳ, Copeia, số 2 vào tháng 6-2013. Loài cóc núi này được phát hiện trên đỉnh Fansipan. Chúng tôi mất một ngày đi bộ mệt mỏi từ độ cao 1.900m (Trạm Tôn) đến điểm nghỉ giữa có độ cao 2.800m trong cái lạnh cắt da, lả đi vì những con dốc dài. Rất muốn nghỉ ngơi, nhưng đây là cơ hội hiếm hoi để chụp những tấm ảnh đẹp cho trang web nên tôi cùng một người dẫn đường H’Mông tiếp tục leo lên đỉnh cao nhất (3.143m), giữa rêu phong, sương mù tôi phát hiện một cặp cóc núi đang tình tự. Sự nhạy cảm cho tôi biết đây có thể là một loài mới. Và đúng như thế. Sau hơn 1 năm tìm kiếm, thử DNA, thu thập tư liệu… tôi và đồng sự đã đủ bằng chứng để công bố trên tạp chí Copeia. Còn ý nghĩa của nó đối với bản thân tôi? Thật khó có thể diễn tả được cảm xúc hạnh phúc đến nghẹn ngào đó, khi bạn biết mình đã gặp được một loài sinh vật mới. Với tôi chỉ riêng điều này đã quá đủ.
* Làm việc nhà nước, nhưng cứ lễ, tết, cuối tuần là tắt điện thoại, vác máy ảnh đi săn hình sinh vật và khám phá loài mới - một việc chỉ tốn tiền chứ không mang lại tiền. Đã có ai từng nói anh là… khùng?
- Tôi hiện đang phụ trách một mảng công nghệ thông tin cho Cục Hải quan Đồng Nai. Những chuyến đi rừng của tôi là những ngày nghỉ phép, lễ, tết… khi tôi thu xếp được thời gian và kinh phí. Tôi may mắn có lãnh đạo thông cảm. Tôi thích dùng thời gian rảnh của mình để đọc tài liệu, đi rừng chụp ảnh. Có người từng nói tôi “khùng” vì đi rừng không ra tiền, đếm vảy cóc, nhái cũng không có tiền, thậm chí công bố loài mới khó khăn đến thế cũng… không có tiền. Nhưng tôi biết mình không khùng, tôi nghĩ họ chưa hiểu tôi.
* Cảm nhận của anh về thực trạng môi trường đang bị tàn phá từng ngày?
- Đau đớn. Bằng nhiều cách, người ta đang tàn phá môi trường hàng ngày, hàng giờ: bằng các công trình thủy điện, bằng khai thác gỗ, săn bắt thú rừng. Tôi không thể hiểu và lý giải vì sao người ta thích ăn thịt thú rừng? Đó là một tội ác. Hiện tại, người ta có thể ăn thú nuôi thoải mái, mà vẫn ăn thịt thú rừng. Nhiều khi tôi thấy hoảng hốt trước sự tàn nhẫn hủy diệt thiên nhiên của chính con người mà hai thủy điện 6 và 6A là những minh chứng có thể thấy được ngay trước mắt, nảy sinh từ lòng tham và sự thiếu giáo dục của con người. Thiếu gì cách để làm thủy điện? Tại sao phải phá rừng?
* Điều anh trăn trở nhất hiện tại là gì?
- Bằng sức lực nhỏ nhoi, tôi muốn truyền đi tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường đến anh em, bạn bè, đến cộng đồng. Tự nhiên có quy luật của chúng, và tôi tin vào nhân - quả của thiên nhiên. Anh cứ phá rừng, cứ chặt cây đi, nhưng con cháu anh sẽ gánh chịu hậu quả. Hàng chục ngàn người đã chết, đã mất tích vì lũ quét, bệnh tật vì hiệu ứng nhà kính, vì hóa chất…
Kim Ngân (thực hiện)