Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành nhiều nội dung quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước, trong đó có những vấn đề khó, phức tạp và nhạy cảm. Để tìm hiểu cụ thể về những nội dung của Hội nghị Trung ương 7, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương.
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành nhiều nội dung quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước, trong đó có những vấn đề khó, phức tạp và nhạy cảm. Để tìm hiểu cụ thể về những nội dung của Hội nghị Trung ương 7, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết:
- Lần này, Trung ương hoàn thiện nhiều quan điểm và những định hướng lớn trong công tác lãnh đạo của Đảng, trong đó có Nghị quyết 25 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Nghị quyết tiếp tục khẳng định “cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân”, đồng thời bổ sung thêm “nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ” để nhấn mạnh thêm vị trí, vai trò to lớn của nhân dân đối với đất nước. Bên cạnh đó, nghị quyết bổ sung, làm rõ nội dung “chú trọng lợi ích trực tiếp của nhân dân, huy động sức dân phải đi đôi bồi dưỡng sức dân, những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Nghị quyết còn nêu rõ: “công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”, đồng thời đề cao công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước, bởi cán bộ, đảng viên có gương mẫu, có giải quyết kịp thời hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân thì nhân dân mới tin tưởng, noi theo.
Kết luận về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”, quan điểm của Đảng là, việc đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở phải đạt mục tiêu xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, đồng bộ, có tính ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao và có tiền lương, thu nhập ổn định cuộc sống. |
Hội nghị Trung ương 7 cũng đã ban hành Nghị quyết 24 về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Trước đây, mỗi nội dung này được đề cập riêng thành từng nghị quyết. Tuy nhiên, thời gian qua việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn lúng túng, bị động, thiên tai còn gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản; tài nguyên chưa được khai thác sử dụng hợp lý, một số loại bị khai thác quá mức nên cạn kiệt; ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng, có nơi nghiêm trọng; đa dạng sinh học suy giảm, nguy cơ mất cân bằng sinh thái trên diện rộng... Lần này, tất cả những vấn đề trên được đề cập trong một nghị quyết, có mối quan hệ chặt chẽ, nêu được những quan điểm chung nhưng có chỉ đạo cụ thể từng vấn đề, rất thiết thực đối với các vấn đề đang tác động trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của nhân dân ta, đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong khi đó, đối với vấn đề về tiền lương, trước đây mỗi khi bàn đến vấn đề này, chúng ta lại lúng túng, bế tắc cho câu hỏi lấy nguồn lực ở đâu để giải quyết vấn đề tiền lương. Nay Hội nghị Trung ương 7 đã gợi mở 4 vấn đề cho giải quyết tiền lương, trong đó đẩy mạnh hơn nữa cho cải cách hành chính, thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế. Trước mắt, từ nay đến năm 2016 không tăng biên chế; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương gắn với kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công; cơ cấu lại chi ngân sách; lương sẽ được điều chỉnh trên cơ sở khả năng ngân sách Nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nếu địa phương nào thu vượt ngân sách thì 50% thu vượt phải dành cho chi cải cách tiền lương. Đồng thời, để tạo nguồn cho chính sách tiền lương, phải kiên quyết chống lãng phí, giảm dần một số chế độ phụ cấp, bồi dưỡng, hội thảo, hội họp... Từ đó khẩn trương thực hiện được việc lương là thu nhập chính và duy nhất của người lao động.
Các cán bộ chủ chốt của tỉnh dự hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) tại hội trường Công an tỉnh. |
Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 có hiệu quả, theo đồng chí, Đồng Nai cần tập trung vào những vấn đề gì?
- Có thể nói những vấn đề được Hội nghị Trung ương 7 bàn và cho ý kiến lần này là những vấn đề rất hệ trọng đối với đất nước và rất thiết thực. Trong đó có những nội dung đã được Trung ương chắt lọc từ nghiên cứu thực tiễn. Vấn đề còn lại là các cấp ủy, địa phương phải tổ chức học tập quán triệt nghị quyết cho tốt để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu cho đúng từng nội dung để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả. Khi xây dựng chương trình hành động, phải chọn những vấn đề sát tình hình thực tiễn địa phương để tổ chức thực hiện.
Qua theo dõi, tôi thấy Đồng Nai tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết rất nghiêm túc và luôn triển khai thực hiện nghị quyết một cách sáng tạo. Do vậy, Đồng Nai thường đi trước và có những cách làm hay trong triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Điều này đã đem đến cho Đồng Nai những kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Đáng kể nhất là trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn những khó khăn, bất ổn thì Đồng Nai vẫn đạt những kết quả khá toàn diện, trong đó 6 tháng đầu năm 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai đạt 10,7%, cao gấp hơn 2 lần cả nước; thu ngân sách có những tỉnh chỉ đạt 20-30% kế hoạch năm thì Đồng Nai đạt hơn 50% kế hoạch năm...Điều này khẳng định, việc thực hiện nghị quyết ở Đồng Nai rất nghiêm túc và sáng tạo.
Xin cảm ơn đồng chí!
Phương Hằng - Công Nghĩa (thực hiện)