Thời gian gần đây, cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy chợ và trung tâm thương mại (TTTM) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, để lại hậu quả xấu cho xã hội. Riêng ở Đồng Nai, địa bàn có hệ thống chợ, siêu thị, TTTM đang phát triển mạnh mẽ, nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ vẫn còn rất lớn.
Thời gian gần đây, cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy chợ và trung tâm thương mại (TTTM) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, để lại hậu quả xấu cho xã hội. Riêng ở Đồng Nai, địa bàn có hệ thống chợ, siêu thị, TTTM đang phát triển mạnh mẽ, nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ vẫn còn rất lớn.
Nhân dịp kỷ niệm 52 năm Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy (4-10), phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Đại tá VÕ VĂN SÁNG, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (gọi tắt Sở Cảnh sát PCCC) xoay quanh vấn đề đảm bảo an toàn PCCC các chợ và TTTM trên địa bàn tỉnh.
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại Trung tâm thương mại Metro (TP.Biên Hòa). |
* Xin ông cho biết thực trạng công tác PCCC ở các chợ, TTTM ở Đồng Nai như thế nào?
- Trên địa bàn tỉnh hiện có 123 chợ, siêu thị, TTTM, trong đó có 72 chợ kiên cố và 39 chợ tạm, 8 siêu thị, 4 TTTM.
Qua kiểm tra cho thấy, hiện vẫn còn một số chợ tự phát do dân tự xây dựng, không có ban quản lý chợ, nên công tác PCCC không được quan tâm, không có đội PCCC cơ sở, không có hệ thống, thiết bị chữa cháy, hoặc có nhưng rất ít; hệ thống điện sử dụng đã xuống cấp, dây dẫn điện đã cũ, đường dây điện tại một số khu vực còn chưa gọn gàng... Bên cạnh đó, một số chợ tự ý cơi nới quầy sạp, làm mái che bằng vật liệu dễ cháy, làm tăng mức độ nguy hiểm cháy, gây cản trở lối đi lại, thoát nạn, lưu thông của xe chữa cháy, hạn chế khả năng tác chiến và hiệu quả chữa cháy của lực lượng PCCC chuyên nghiệp.
* Với tình hình như vậy, Sở Cảnh sát PCCC đã có những biện pháp gì để chấn chỉnh và phòng ngừa cháy, nổ xảy ra?
- Đầu năm 2013, Sở Cảnh sát PCCC đã có văn bản đề nghị Sở Công thương, UBND các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp PCCC đối với các chợ, siêu thị và TTTM trên địa bàn tỉnh. Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về PCCC; đồng thời chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiến hành kiểm tra tất cả các chợ, TTTM trên địa bàn quản lý. Qua kiểm tra, Sở yêu cầu người đứng đầu cơ sở khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC có thể gây cháy lan, cháy lớn; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực PCCC, hoặc cố tình không thực hiện các kiến nghị của cơ quan Cảnh sát PCCC tại tất cả các chợ, siêu thị, TTTM trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, đặc biệt là sắp đến Tết Nguyên đán 2014, lượng hàng hóa tập trung nhiều về các chợ, TTTM sẽ làm tăng nguy cơ cháy, nổ. Do vậy, Sở Cảnh sát PCCC đã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC để kịp thời phát hiện, yêu cầu người đứng đầu cơ sở khắc phục ngay những thiếu sót trong công tác PCCC; kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm về PCCC là nguyên nhân có thể dẫn đến cháy lan, cháy lớn; hướng dẫn các ban quản lý chợ tăng cường công tác tự kiểm tra, khắc phục vi phạm về an toàn PCCC trong phạm vi, trách nhiệm của mình; đồng thời tập trung tuyên truyền, khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC cho tiểu thương, hộ kinh doanh, cũng như hậu quả to lớn do cháy gây ra, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của mọi người trong công tác phòng, chống cháy, bảo vệ toàn tính mạng, tài sản của bản thân và xã hội.
* Trường hợp xảy ra cháy, nổ ở chợ, TTTM thì lực lượng cảnh sát PCCC sẽ ứng phó như thế nào để giảm sự thiệt hại, thưa ông?
Khi phát hiện cháy, người dân phải tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho cảnh sát PCCC theo số 114, hoặc chính quyền địa phương để huy động mọi người xung quanh đến cứu chữa, nhằm chống cháy lan sang nơi khác, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. |
- Xác định chợ, TTTM là nơi tập trung đông người, với số lượng hàng hóa lớn, đa dạng và có nhiều chất dễ cháy, nên khi xảy ra cháy, nổ ở các cơ sở trên, lực lượng cảnh sát PCCC trước tiên sẽ huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy nơi gần nhất (kể cả chuyên nghiệp và các lực lượng khác). Khi cần thiết thì chúng tôi huy động các lực lượng khác hỗ trợ, như: quân đội, các doanh nghiệp có xe chữa cháy... Song song với việc chữa cháy là cứu người và tài sản để giảm thiệt hại; phối hợp với các lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ cho việc chữa cháy an toàn, hiệu quả cũng như phục vụ công tác khám nghiệm điều tra về sau.
* Nhân ngày toàn dân PCCC năm nay, ông có lưu ý gì về công tác PCCC ở chợ, TTTM?
- Dịp cuối năm, thời tiết chuyển sang nắng nóng và lượng hàng hóa tập trung về các chợ, siêu thị, TTTM rất nhiều, nên đây là thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy, nổ cao. Để đảm bảo an toàn PCCC tại các chợ, TTTM đề nghị ban quản lý các chợ, các TTTM tăng cường tuyên truyền về an toàn PCCC cho các tiểu thương; tự tiến hành kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương trong kinh doanh phải thực hiện nghiêm các nội quy về PCCC; vận động các hộ tiểu thương tự trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ để xử lý kịp thời khi có cháy xảy ra. Củng cố, kiện toàn lực lượng PCCC cơ sở, đảm bảo số lượng và chất lượng; tổ chức tuần tra kiểm soát vào ban đêm, sẵn sàng xử lý kịp thời các sự cố cháy, nổ xảy ra.
Đức Việt (thực hiện)