Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, thì trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết và sắp ký kết đều có nội dung quy định về quyền sở hữu trí tuệ.
Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, thì trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết và sắp ký kết đều có nội dung quy định về quyền sở hữu trí tuệ. Việt Nam hiện đã vào hội nhập sâu, các cá nhân, doanh nghiệp Đồng Nai và cả nước không chú ý đến đăng ký sở hữu trí tuệ với sản phẩm của mình ở thị trường trong nước và nước ngoài rất dễ bị đánh cắp.
Đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: bản quyền, sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh. Tại Việt Nam, các vấn đề về bản quyền do Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - thông tin) xem xét giải quyết. Các quyền còn lại thuộc phạm vi quản lý của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - công nghệ).
* Vi phạm rất nhiều
Ông đánh giá sao về tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra khá nhiều tại Việt Nam?
- Việc vi phạm bản quyền và vi phạm về sở hữu trí tuệ diễn ra khá nhiều tại Việt Nam hiện nay, chủ yếu là do lợi nhuận; cũng như việc buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng cấm, dù biết làm việc này khi bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị xử lý rất nặng, nhưng vì lợi nhuận nhiều người vẫn làm. Bên cạnh đó, Việt Nam đang sống ngay bên cạnh một “công xưởng lớn” về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nên những sản phẩm vi phạm về sở hữu trí tuệ tràn vào trong nước theo đường tiểu ngạch rất khó ngăn chặn. Đồng thời còn do yếu tố đời sống của số đông người dân còn khó khăn nên thường tập trung mua hàng giá rẻ và thường thích hàng giá rẻ có thương hiệu.
Tôi nghĩ không có cái gì ngay lập tức có được. Vì thế, việc ngăn chặn tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phải làm từ từ. Bắt đầu từ việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân không dùng hàng gian, hàng giả, và Chính phủ phải có các giải pháp nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Khi kinh tế phát triển ổn định, thu nhập cao người dân sẽ đủ điều kiện sử dụng những hàng có thương hiệu và nói không với hàng giả vì hàng giả thường có chất lượng kém.
Trong bối cảnh hội nhập sâu, Việt Nam cần phải thay đổi thói quen dùng “chùa” các sản phẩm trí tuệ như thế nào?
- Thói quen dùng các sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ đang diễn ra khá nhiều. Việc này không chỉ ở Việt Nam mà ngay những nước có nền kinh tế phát triển mạnh cũng có và hàng năm họ vẫn phải tốn một khoản kinh phí lớn để kiểm soát xử lý hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Tại Việt Nam, để thay đổi thói quen dùng “chùa” sản phẩm trí tuệ, phải đưa giáo dục về quyền sở hữu trí tuệ vào các trường học. Để từ nhỏ các em đã biết và phân biệt được hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và dần dần tạo cho các em ý thức, thói quen không dùng những sản phẩm vi phạm về sở hữu trí tuệ.
Việt Nam đã vào hội nhập sâu, các FTA đã và bắt đầu có hiệu lực nên đây là thời điểm doanh nghiệp Việt thay đổi không dùng những sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Vì theo quy định mới, vi phạm trên lĩnh vực này ở mức nghiêm trọng ngoài phạt tiền tỷ còn có thể bị truy tố hình sự, phạt tù đến 3 năm. Vì vậy, Cục rất mong các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền về quyền sở hữu trí tuệ để cá nhân, doanh nghiệp hiểu rõ và tránh vi phạm. Đơn cử là các cá nhân, doanh nghiệp nên dùng các phần mềm máy tính có bản quyền, vì nếu vi phạm tới đây bị phát hiện sẽ xử phạt rất nặng.
Thưa ông, việc nâng cao quyền sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ có kích thích sáng tạo trong nước?
- Sáng tạo là nội tại của cá nhân con người, nó không có giới hạn và được coi là trí tuệ. Nâng cao và thực thi quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp những người sáng tạo có công cụ bảo vệ những thành quả sáng tạo của mình tốt hơn. Theo tôi, thực thi quyền sở hữu trí tuệ là nhằm ngăn chặn, xử lý các đối tượng chỉ nhăm nhăm trục lợi từ việc đánh cắp sở hữu trí tuệ của người khác chứ nó không kích thích sáng tạo.
* Không nêntiếp tục thờ ơ
Ông đánh giá sao về tư duy bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như các sáng chế của doanh nghiệp hiện nay?
- Tôi có thể nói doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, lượng đơn của các cá nhân, doanh nghiệp trong nước đăng ký bản quyền, sáng chế, thương hiệu, nhãn hiệu...tại Việt Nam ít hơn nhiều so với doanh nghiệp nước ngoài, trong khi tiềm năng về sáng tạo, sáng chế của nước ta được đánh giá cao và là quốc gia có năng lực thông minh.
Một thực tế đáng buồn là cho dù có nhiều sáng chế, sáng tạo hữu hiệu nhưng việc áp dụng các sáng chế, sáng tạo này vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả chưa cao. Hiện sự phát triển về khoa học - công nghệ của nước ta chưa cao. Đây là một điều rất đáng tiếc và tôi mong các sáng tạo, sáng chế được đánh giá cao có thể đưa vào giảng dạy trong các trường cao đẳng, đại học, áp dụng trong các doanh nghiệp để nâng cao nền khoa học - công nghệ của nước nhà và tạo ra những sản phẩm tốt có tính cạnh tranh cao. Đồng thời, tôi cũng lưu ý các cá nhân, doanh nghiệp khi sáng chế, sáng tạo ra một sản phẩm phải chú ý đăng ký sở hữu trí tuệ ngay để bảo vệ quyền lợi của mình, tránh trường hợp bị đánh cắp và khi phát hiện ra thì đã muộn, khó có thể cứu vãn.
Ông nghĩ sao khi các thương hiệu nổi tiếng gắn với Việt Nam, như: nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, cà phê Trung Nguyên, cà phê Buôn Mê Thuột, kẹo dừa Bến Tre... về tay doanh nghiệp nước ngoài?
- Việc những thương hiệu, nhãn hiệu Việt Nam nổi tiếng bị doanh nghiệp nước ngoài đánh cắp không còn là mới mẻ. Trong hơn 5 năm qua, có nhiều thương hiệu, nhãn hiệu Việt bị doanh nghiệp nước ngoài nhanh tay đăng ký quyền sở hữu trí tuệ ở những nước các doanh nghiệp có thương hiệu đang xuất khẩu hoặc dự định sẽ xuất khẩu.
Theo tôi, thương hiệu, nhãn hiệu là tài sản riêng của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phải có ý thức bảo vệ bằng cách đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường nội địa và những thị trường mình đang xuất khẩu, hoặc dự kiến xuất khẩu để tránh bị đánh cắp. Nếu không thì việc bị đánh cắp thương hiệu, nhãn hiệu rất dễ xảy ra như một số thương hiệu Việt đã từng gặp phải là kẹo dừa Bến Tre tại thị trường Trung Quốc, nước mắm Phú Quốc tại Mỹ và Phở Việt Nam tại Thái Lan... Đây là bài học đắt giá cho những doanh nghiệp Việt có sản phẩm tốt nhưng chưa chú ý đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ để bảo hộ cho sản phẩm.
Vậy ông có nhắn nhủ gì cho các doanh nghiệp Đồng Nai cũng như cả nước trong thời gian tới?
- Việt Nam đã chính thức bước vào hội nhập sâu, nếu doanh nghiệp còn đủng đỉnh trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ với sản phẩm của mình thì chúng ta rất dễ bị thua đau. Cùng với việc đăng ký sở hữu trí tuệ thì doanh nghiệp phải chú ý sử dụng các sản phẩm không vi phạm bản quyền, vì khi bị phát hiện có thể bị xử phạt rất nặng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến danh tiếng. Tôi cũng lưu ý thêm là Cộng đồng kinh tế ASEAN đã chính thức, một số nước trong khối hiện vẫn chưa có khung pháp lý hoàn thiện, như: Campuchia, Lào, Myanmar... doanh nghiệp nên thực hiện thêm biện pháp thương mại là tăng cường quảng bá, mở rộng các kênh phân phối để người tiêu dùng các nước trên có điều kiện, cơ hội sử dụng được hàng thật, có cơ sở so sánh lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, hiệp hội doanh nghiệp nên rà soát lại và sớm đăng ký bảo hộ thương hiệu của sản phẩm gắn với chỉ dẫn địa lý tại thị trường ASEAN và những nước hàng của ASEAN xuất khẩu đến. Vì chỉ dẫn địa lý, tự cá nhân hay doanh nghiệp không có quyền đăng ký sở hữu trí tuệ. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở những thị trường có xuất khẩu thì khi bị làm giả, làm nhái doanh nghiệp mới có cơ sở pháp lý để khởi kiện.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)