Báo Đồng Nai điện tử
En

Phải minh bạch trong kinh doanh để người dân có lòng tin

10:08, 12/08/2016

Theo ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học - công nghệ), thì Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu cả nước về việc kiểm soát tạo ra môi trường minh bạch trong kinh doanh xăng dầu, vàng thủ công mỹ nghệ.

Theo ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học - công nghệ), thì Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu cả nước về việc kiểm soát tạo ra môi trường minh bạch trong kinh doanh xăng dầu, vàng thủ công mỹ nghệ. Sau Đồng Nai, một số tỉnh, thành khác cũng chú ý đến việc quản lý chặt trong kinh doanh xăng dầu, vàng.

Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiểu chuân đo lường chất lượng.
Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Ảnh: H.Giang.

Trên thị trường vàng Việt Nam hiện nay có khoảng 3-8% lượng vàng không đủ tuổi, không đảm bảo chất lượng. Điều này chứng tỏ sự thiếu minh bạch trong công bố hàm lượng, chất lượng vàng gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

* Đồng Nai có nhiều đột phá trong quản lý

 Theo công bố, có khoảng 3-8% lượng vàng trên thị trường hiện nay là không đủ tuổi, không đảm bảo chất lượng. Nhưng nhiều người tiêu dùng nghi ngờ lượng vàng không đủ tuổi trôi nổi trên thị trường có thể gấp nhiều lần con số trên. Ông đánh giá sao về vấn đề này?

- Qua những đợt kiểm tra các tiệm vàng ở một số tỉnh, thành trong cả nước gần đây, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng ước lượng có khoảng 3-6% lượng vàng trang sức, mỹ nghệ đang lưu thông ngoài thị trường không đủ tuổi (hàm lượng). Kết quả cho thấy, các loại vàng trang sức, mỹ nghệ thường có hàm lượng thấp hơn so với công bố trên nhãn khá cao. Như vậy là người tiêu dùng đang chịu thiệt thòi vì phải bỏ tiền ra mua vàng không đủ tuổi. Căn cứ vào Nghị định 24 ngày 3-4-2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Thông tư 22 của Bộ Khoa học - công nghệ, tổng cục đã yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường trong công tác kiểm tra quản lý kinh doanh vàng. Đồng Nai là tỉnh được chọn làm điểm trong công tác kiểm tra tiêu chuẩn đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

Còn về việc nhiều người tiêu dùng nghi ngờ vàng không đủ tuổi trên thị trường có thể gấp 2-3 lần con số tổng cục đã công bố cũng dễ hiểu, vì trước đây trong nước không có đơn vị chuyên môn nào có chức năng quản lý về hàm lượng, chất lượng vàng, dẫn đến tình trạng tuổi vàng không được quản lý.

 Nhiều người dân vẫn có thói quen tích lũy tài sản bằng cách mua vàng. Mỗi lần mua vàng lại phải đem đi kiểm tra sẽ mất rất nhiều thời gian, chưa kể có những nơi ở xa các trung tâm kiểm định thì việc này khó mà thực hiện được?

- Điều này Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã biết nên sau khi Thông tư 22 được ban hành, tổng cục đã chọn Đồng Nai làm điểm trong việc kiểm soát và quản lý chặt chất lượng, hàm lượng vàng. Khi thành công thì nhân rộng ra các tỉnh, thành khác trong cả nước nhằm tạo ra thị trường vàng minh bạch, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng cả nước. Theo quy định của Chính phủ thì ngành khoa học - công nghệ quản lý hàm lượng, chất lượng vàng, còn Ngân hàng Nhà nước kiểm soát việc sản xuất. Tuy nhiên, trong kiểm tra hai bên sẽ phối hợp để đạt kết quả tốt nhất và mục đích cuối cùng là làm cho thị trường vàng trong sạch, có lợi cho người tiêu dùng. Mục tiêu của Chính phủ là kiểm soát chặt ngay từ khâu sản xuất đến kinh doanh, còn việc người tiêu dùng đi kiểm tra hàm lượng vàng mình đã mua chỉ là giải pháp tạm thời giải quyết những tồn dư của việc một thời gian dài buông lỏng trong quản lý chất lượng, hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ.

 Cả nước hiện nay có bao nhiều cơ sở được cấp phép kiểm định chất lượng, hàm lượng vàng?

- Cả nước hiện nay có 6 trung tâm được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp phép cho kiểm định vàng gồm: trung tâm kỹ thuật 1 ở Hà Nội, Trung tâm kỹ thuật 3 TP.Hồ Chí Minh, 3 doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc và Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học - công nghệ Đồng Nai).

Tính đến thời điểm này, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp phép kiểm tra xác định lượng vàng trang sức, mỹ nghệ bằng phương pháp huỳnh quang tia X. Có trung tâm kiểm định này, Đồng Nai sẽ dễ dàng trong việc kiểm tra, quản lý và kịp thời phát hiện những sản phẩm vàng không đảm bảo hàm lượng, chất lượng để xử lý.

* Từ vàng, sẽ kiểm soát các hàng hóa khác

 Tại sao Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng lại chọn Đồng Nai làm điểm cho cả nước trong việc lập lại trong sạch cho thị vàng mà không phải là TP.Hồ Chí Minh, nơi tập trung nhiều “chành” vàng cung cấp cho các tỉnh, thành phía Nam?

- Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chọn Đồng Nai làm điểm cho cả nước trong việc kiểm soát hàm  lượng, chất lượng vàng là vì năm 2015 tỉnh đã làm rất tốt việc lập lại sự minh bạch cho thị trường xăng dầu. Sau Đồng Nai, các tỉnh thành trong cả nước đồng loạt vào cuộc và thị trường xăng dầu hiện được kiểm soát rất chặt chẽ, xóa được các kẽ hở và giảm được tình trạng gian lận trong kinh doanh gây thiệt thòi cho người tiêu dùng. Hiện kinh doanh xăng dầu tại Đồng Nai được đánh giá là ổn định, đảm bảo cả về chất lượng lẫn hàm lượng nhất cả nước. Vì vậy, tôi tin Đồng Nai làm điểm trong quản lý chất lượng, hàm lượng vàng sẽ thành công.

Điều này được chứng minh là từ đầu năm 2016 đến nay, Sở Khoa học - công nghệ đã nhắc nhở, kiểm tra, phát hiện xử lý 35 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng trên địa bàn vi phạm về hàm lượng. Thông tin các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng vi phạm về hàm lượng bị phạt hơn 1 tỷ đồng được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ trong hơn 1 tháng sau đó đã có 200 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trong tỉnh đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Đồng Nai đề nghị đo lại các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ. Việc này chứng tỏ thị trường vàng Đồng Nai đang dần trở nên minh bạch.

 Nhiều người tiêu dùng cho rằng việc kiểm tra hàm lượng, chất lượng vàng nên bắt đầu từ các “chành” - là nơi sản xuất cung ứng cho các doanh nghiệp kinh doanh. Như vậy, thời gian tới Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng có dự tính siết chặt quản lý từ các chành?

- Phía Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra hàm lượng, chất lượng vàng trên phạm vi cả nước. Do đã có một thời gian dài thông báo, tập huấn và nhắc nhở nên lần này nếu phát hiện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng vi phạm sẽ xử phạt rất nặng. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ đề nghị phía Ngân hàng Nhà nước rút giấy phép sản xuất, kinh doanh.

Theo tôi, phải làm thật mạnh tay mới tạo lập được thị trường vàng minh bạch, công bằng cho người tiêu dùng. Đã có một thời gian dài, người tiêu dùng trong nước luôn bị “móc túi” khi mua vàng trang sức, mỹ nghệ do hàm lượng thực luôn thấp hơn hàm lượng công bố trên sản phẩm. Điều này không thể tồn tại trên thị trường Việt Nam tiếp được, vì người tiêu dùng bỏ tiền ra mua hàng phải nhận được sản phẩm đúng như nhà sản xuất công bố và niêm yết.

 Sau xăng dầu và vàng, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng sẽ tiếp tục thiết lập lại sự minh bạch cho những mặt hàng nào?

- Việt Nam đã tham gia vào hội nhập sâu nên đòi hỏi tất cả những mặt hàng khi đưa ra thị trường phải đảm bảo về chất lượng, hàm lượng đúng như quy định, niêm yết. Vì vậy, tổng cục sẽ lần lượt kiểm soát và lập lại minh bạch cho tất cả những mặt hàng. Trong đó, ưu tiên làm trước những mặt hàng ảnh hưởng lớn đến nhiều người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi của họ.

 Xin cảm ơn ông!

Đến năm 2013, Bộ Khoa học - công nghệ ban hành Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, thì công tác này mới được chú trọng. Do đó, vàng trang sức, mỹ nghệ sản xuất từ năm 2014 trở về trước hầu hết hàm lượng thực thấp hơn so với công bố. Tuy nhiên để biết chắc sản phẩm mình mua có đảm bảo chất lượng, hàm lượng như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng công bố hay không, người tiêu dùng phải lấy hóa đơn và có thể mang đi kiểm tra tại các trung tâm. Nếu phát hiện vàng không đủ hàm lượng có thể yêu cầu bên bán phải bồi thường.

Hương Giang (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều