Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm lính thời bình có khi còn "khó" hơn thời chiến

10:08, 26/08/2016

Trung tướng Lê Thái Bê rất tâm huyết với việc đào tạo sĩ quan trẻ, đặc biệt chú ý đến việc góp phần kiến tạo nên một đội ngũ những người "lính thời bình" tinh nhuệ và giỏi giang về năng lực, trên cơ sở vững vàng về mục tiêu lý tưởng sống và cống hiến cho Tổ quốc.

Trung tướng Lê Thái Bê nhập ngũ từ năm 17 tuổi, tham gia tiếp quản Sài Gòn ngay sau đại thắng mùa xuân năm 1975. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân từ năm 1979 lúc mới 22 tuổi, từng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, làm chuyên gia tại Campuchia và trải qua nhiều cương vị công tác tại Quân khu 7, Quân đoàn 4; về công tác tại Trường đại học Nguyễn Huệ từ năm 2010, hiện là Chính ủy của trường.

Trung tướng Lê Thái Bê rất tâm huyết với việc đào tạo sĩ quan trẻ, đặc biệt chú ý đến việc góp phần kiến tạo nên một đội ngũ những người “lính thời bình” tinh nhuệ và giỏi giang về năng lực, trên cơ sở vững vàng về mục tiêu lý tưởng sống và cống hiến cho Tổ quốc. Vì nếu không có phẩm chất tinh thần đó, sẽ không có phẩm chất “người lính Cụ Hồ”. Ông chia sẻ, ở cuộc sống bộn bề hiện tại có khi làm người lính thời bình còn nhiều điều “khó” hơn thời chiến.

* “Có gió mát, có cát bụi”

 Đã trải qua cuộc sống của một người lính thời bình lẫn thời chiến, theo ông có sự khác biệt nào không?

- Đã là đời lính thì thời nào cũng khó. Nhưng người lính thời chiến thì trước hết phải xung trận, phải xả thân hy sinh. Chính vì tính chất chiến đấu gay go, quyết liệt và gian khổ đặc biệt cao, sẽ bị đào thải nếu không thích nghi được. Còn người lính thời bình thì khó ở chỗ yêu cầu cao và đa dạng hơn, gói gọn trong mấy phương hướng xây dựng quân đội ta “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Quân đội thời bình yêu cầu phải cao như vậy để ứng phó thắng lợi với mọi tình huống. Tình huống đó có thể là xung đột vũ trang, có thể là “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ hoặc cao nhất là chiến tranh công nghệ cao… Chưa kể những “giằng xé” về đời sống tinh thần, cuộc sống đời thường... Do đó, ở một vài góc cạnh thì yêu cầu với người lính trong hòa bình của thời kỳ mới phải đầy đủ hơn.

 Yếu tố nào ông xem trọng nhất ở một người lính thời bình?

- Dĩ nhiên là lý tưởng cống hiến. Đó chính là yếu tố cách mạng, yếu tố “Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân”. Đó là yếu tố tiên quyết về phẩm chất của người lính dù ở thời bình hay thời chiến. Lớp trẻ bây giờ chịu nhiều tác động từ sự chống phá của các thế lực thù địch, tác động từ tiêu cực xã hội, sự thay đổi của kinh tế, văn hóa... Họ sinh ra và lớn lên ở những môi trường chịu sự tác động đan xen giữa cái xấu và cái tốt. Đó là một thực tế phải nhìn nhận.

Nói như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, thời bình mở cửa quan hệ quốc tế thì “vừa có gió mát, vừa có cát bụi”. Những tác động của đời sống xã hội đến tuổi trẻ là rất lớn. Chúng tôi thống nhất nhiều cách để giáo dục, rèn luyện cho học viên. Trong đó, cách hiệu quả nhất là chúng tôi - những người thầy, phải tự rèn mình trước, còn các phương pháp khác thì tùy vào nội dung, mục tiêu để lựa chọn cho phù hợp. Nhưng chúng tôi xác định, môi trường quân đội, nhà trường quân đội ta là môi trường đòi hỏi nêu gương mẫu mực nhất. Thầy có lý tưởng, tâm huyết và chuyên môn giỏi, có đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong gương mẫu ắt có nhiều trò giỏi. Đúng như truyền thống vẻ vang của nhà trường “Trung dũng, sáng tạo, đoàn kết, kỷ luật, dạy tốt, học giỏi”.

 Ông hài lòng khoảng bao nhiêu phần trăm với chất lượng đào tạo đội ngũ sĩ quan trẻ của Trường đại học Nguyễn Huệ hiện nay?

- Chúng tôi hài lòng ở mức độ khá tốt. Hàng năm, chất lượng GD-ĐT đều tiến bộ. Khoảng 5 năm trở lại đây, có khoảng 85-95% học viên tốt nghiệp ra trường đạt loại khá, giỏi. Trong 6 năm công tác tại đây, tôi nhận rõ chất lượng đào tạo của nhà trường đi lên từng bước và thực chất. Chúng tôi không nói về các con số hay thành tích thể hiện trên văn bản, bởi quan điểm của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường là “nói không với tiêu cực”, không chạy theo thành tích, phải “dạy thực chất, học thực chất, kiểm tra, đánh giá kết quả thực chất”.

Thật sự hài lòng hay không thì tôi xin nói thật là chưa, chúng tôi còn phải phấn đấu rất nhiều. Trăn trở thường xuyên của Đảng ủy, Ban giám hiệu cũng như toàn trường luôn là làm sao để có được những “sản phẩm” tốt hơn nữa, tiệm cận đến mục tiêu đào tạo từ môi trường sư phạm quân sự tốt đẹp của Trường đại học Nguyễn Huệ.

* “Người lính Cụ Hồ” phải kiên định mục tiêu lý tưởng

 Ở góc độ một người thầy, ông có gặp khó khăn nào khi “truyền lửa” cho lớp trẻ về lý tưởng và cống hiến của người lính Cụ Hồ, giữa xã hội đang rất bộn bề và thay đổi rất nhanh?

- Xây dựng lý tưởng, truyền lửa cho giới trẻ hiện nay phải thừa nhận không phải là một việc dễ dàng. Vẫn phải làm sao để anh em thấu hiểu được cái giá mà các thế hệ đi trước đã phải trả để có được hòa bình và độc lập như hiện tại. Nói thì có vẻ khá khuôn sáo, nhưng thực sự mọi lý tưởng cống hiến của người lính có thể bắt nguồn từ phẩm chất, nhân cách này.

Ví như tại Trường đại học Nguyễn Huệ, chúng tôi vừa kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống trong niềm phấn khởi, tự hào, lòng tri ân sâu sắc và sự thanh thản. Vì truyền thống xây dựng, chiến đấu và trưởng thành vẻ vang của nhà trường có những hy sinh mất mát to lớn, có chiến công và thành tích xuất sắc, ngày nay đáng được giữ vững và phát huy. Trường thành lập năm 1961 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đã phải 8 lần trường thay đổi địa điểm đóng quân để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trực tiếp tham gia nhiều trận chiến đấu, có những trận chiến ác liệt đến mức 4/5 đồng chí trong Ban giám hiệu đã anh dũng hy sinh. Cán bộ, học viên đồng thời cũng là chiến sĩ, tay bút tay súng; nhà trường đã có gần 200 liệt sĩ trong 55 xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Các thế hệ, nhất là lớp học viên ngày nay sẽ luôn phải nhớ điều này để tiếp tục truyền thống học tập, để trở thành những cán bộ trung kiên của quân đội ta.

 Giới trẻ hiện tại đứng trước nhiều lựa chọn cho cuộc sống. Theo ông, lựa chọn để trở thành người lính có thể bao hàm nhiều khó khăn và thiệt thòi không? Làm sao để cân bằng được việc này?

- Tất nhiên đó là sự hy sinh, là một yêu cầu từ giá trị “người lính Cụ Hồ”, cũng là một mâu thuẫn. Không thể đòi hỏi cuộc sống vàng son nhàn hạ khi chọn trở thành một người lính. Khi chọn trở thành người lính, tức là đã chọn con đường binh nghiệp đề cao sự hy sinh và cống hiến cho Đảng, cho Tổ quốc, cho nhân dân. Chúng ta thấy rằng, mỗi người có mục đích sống riêng và không phải chỉ vì vật chất hoàn toàn. Số rất đông có những mục đích sống cao cả. Trong số đó, có những người lựa chọn trở thành người lính, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng. Đó là một lựa chọn đẹp đẽ. Tuy nhiên, Đảng, Nhà nước, quân đội luôn chăm lo tới người lính. Nhà trường chúng tôi cũng luôn quan tâm đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lính, tạo điều kiện thuận lợi để học tập và phấn đấu cho anh em, chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Giá trị lớn nhất không vật chất nào sánh được, đó là sự đánh giá cao, sự yêu quý của Tổ quốc, của nhân dân đối với “Bộ đội Cụ Hồ”.

 Xin cảm ơn ông!

Tôi tin và đặt kỳ vọng vào lớp trẻ nhiều. Đây hoàn toàn không phải là một câu nói khuôn sáo. Tuổi trẻ thời nào có khó khăn của thời ấy, song thế mạnh của lớp trẻ ngày nay là họ giỏi, tiếp cận được với kiến thức sâu và rộng hơn, đó là một lợi thế lớn. Tôi còn tin vào một điều lớn lao hơn, là ngọn lửa truyền thống vẻ vang của dân tộc, dòng chảy nhiệt huyết và khát khao đóng góp cho dân tộc sẽ luôn chảy trong huyết quản mỗi người Việt Nam, trong mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam dù bất cứ ở hoàn cảnh hoặc thời điểm nào của đất nước”.

 

 

Kim Ngân (thực hiện)

 

Tin xem nhiều