Là Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, song bác sĩ Nguyễn Văn Phúc lại là người khá nổi tiếng trong giới sưu tầm tài liệu, dịch sách, sưu tầm ảnh về lịch sử Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng và nhiều vùng miền trên cả nước nói chung
Là Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, song bác sĩ Nguyễn Văn Phúc lại là người khá nổi tiếng trong giới sưu tầm tài liệu, dịch sách, sưu tầm ảnh về lịch sử Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng và nhiều vùng miền trên cả nước nói chung. Đam mê lịch sử, dày công tìm tư liệu, dịch sách, thực hiện nhiều cuộc khảo sát, cung cấp tư liệu cho nhiều cuộc triển lãm, hỗ trợ cho các sinh viên làm đề tài nghiên cứu... là điều mà người bác sĩ này thường xuyên làm sau những giờ làm việc tại bệnh viện.
Cuốn sách Địa chí tỉnh Biên Hòa từng gây tiếng vang vào năm 2014 do Anh hùng lao động, kỹ sư Lê Tùng Hiếu và bác sĩ Nguyễn Văn Phúc dịch từ bản tiếng Pháp Monographie de la province de Bien Hoa của tác giả M. Robert, biên soạn năm 1924. Hiện ông cũng đang tất bật hiệu chỉnh những bước cuối cùng cho cuốn sách mới về bộ ảnh lịch sử Huế dịch từ những tư liệu tiếng Pháp. Vẫn gọi việc tìm hiểu lịch sử là một thú đam mê riêng, bác sĩ Phúc còn chia sẻ sự tìm về cội nguồn, thân phận một vùng đất hay những con người cho ông cảm giác được “chạm” vào lịch sử, để thấy mỗi đời người ngắn ngủi và nhỏ bé, và sống nhẹ nhàng hơn.
* Mê lịch sử một cách tình cờ
Vì sao ông chọn trở thành người nghiên cứu lịch sử các vùng đất xưa? Cuốn sách Địa chí tỉnh Biên Hòa mất bao lâu để hoàn thành?
- Cách đây 8 năm, tôi tình cờ đọc một quyển sách về Biên Hòa xưa, đó là cuốn Biên Hòa sử lược toàn biên của ông Lương Văn Lựu với tất cả những địa danh lớn nhỏ, rồi thấy tò mò và đam mê nên cùng bạn bè tìm đến tận nơi những địa danh ghi chép trong cuốn sách. Chúng tôi tự lập nhóm khảo sát dọc sông Đồng Nai từ hạ nguồn lên thượng nguồn, vừa đi vừa hỏi người dân, tìm hiểu các đình, chùa, miếu mạo… rồi so sánh với các nguồn tài liệu.
Tôi tranh thủ đi vào cuối tuần, sau những ngày làm việc tại bệnh viện. Việc sưu tầm tài liệu và dịch sách thì tôi làm hàng ngày vào ban đêm. Càng làm càng mê và đam mê đó dẫn dắt tôi đến hôm nay.
Cuốn sách Địa chí tỉnh Biên Hòa chúng tôi mất khoảng 2 năm để thực hiện. Công việc khá nhiều, bao gồm: truy tìm tư liệu hình ảnh, so sánh, dịch thuật, chỉnh sửa hình ảnh và nội dung. Thầy Lê Tùng Hiếu là người am hiểu và rất giỏi tiếng Pháp, nên chúng tôi cùng phân việc ra làm, song cũng phải mất vài năm mới xong. Chúng tôi cũng đang hoàn thiện cuốn sách mới về chủ đề lịch sử Địa chí tỉnh Gia Định vào năm 1902, dự tính sẽ ra mắt trong thời gian tới với rất nhiều hình ảnh tư liệu xưa. Sau đó nữa là vài cuốn sách hình ảnh về Huế xưa theo từng chủ đề.
Ông được coi là nhà sưu tầm cá nhân có khối lượng ảnh tư liệu rất đồ sộ. Vì sao ông tiếp cận được chúng?
- Tôi sưu tầm khoảng 25 ngàn tấm hình xưa về các vùng đất, lịch sử, không chỉ về Biên Hòa mà còn ở các vùng khác, như: Thủ Dầu Một, Gia Định, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng… Nhờ biết chút tiếng Pháp nên tôi đăng ký thành viên của những thư viện và bảo tàng của Pháp và một vài nước khác. Tra cứu, thẩm định dựa trên hiểu biết của mình rồi sưu tầm lại theo từng chủ đề và thời điểm riêng. Đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh xưa và nay, cùng với chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh cũng giúp tôi được ít nhiều trong việc đọc và xác định các hình ảnh xưa: Bộ sưu tầm của ai? Hiệu ảnh nào? Chụp lúc nào? Phong cách nào? Kỹ thuật rửa ảnh phù hợp với thời điểm nào? Trong nước hay ngoài nước?... Tôi luôn sẵn sàng chia sẻ hình ảnh, tư liệu cho các địa phương nào cần và không quan tâm đến lợi nhuận.
Khó khăn lớn nhất của ông trong quá trình thu thập tư liệu và hình ảnh lịch sử là gì?
- Tôi chỉ là người nghiên cứu nhỏ, mang tính cá nhân. Thầy Hiếu và tôi cũng dành thời gian lang thang đi khắp nơi, tiếp xúc với người dân… rồi củng cố, dịch thuật từ nguồn tư liệu, so sánh với những nguồn tư liệu chính thống nên cũng không gặp điều gì quá khó khăn. Quan trọng là sắp xếp thời gian để không ảnh hưởng đến công việc và sức khỏe.
Kho sách tư liệu rất đồ sộ. Tôi đã lưu lại được gần 2 ngàn cuốn sách bằng tiếng Pháp dạng sách điện tử (PDF) chưa qua xử lý. Đó là một kho tư liệu khổng lồ rất quý giá mà tôi mong có thời gian để xử lý.
* Tìm được ý nghĩa cho riêng mình
Thế nào gọi là một di tích có sức sống? Ông nghĩ thế nào về việc trùng tu, tôn tạo, quản lý di tích của Đồng Nai?
- Khi đi khảo sát, thực sự tôi khá buồn vì nhiều đình, chùa, lăng không còn giữ được cái hồn xưa, nguyên bản. Qua nhiều lần trùng tu, nhiều nơi chỉ còn giữ được hình thức mà không giữ lại được nội dung, mặc dù có đồ sộ thật. Theo đánh giá của tôi, Biên Hòa thực hiện công tác bảo tồn khá tốt, song cũng có nhiều nơi không còn giữ được cái hồn xưa.
Biên Hòa có hệ thống chùa, đình xưa rất giá trị ở các phường, như: Bửu Hòa, Tân Vạn, Bửu Long, xã Hiệp Hòa (cù lao Phố)… và theo tôi nên tôn tạo và giữ lại những giá trị xa xưa. Còn vấn đề bảo tồn, trùng tu di tích thuộc về quản lý Nhà nước, tôi không dám lạm bàn. Tuy nhiên, theo tôi một di tích có sức sống là một di tích tồn tại được giữa lòng người dân, được người dân quan tâm, duy trì, chăm sóc, khởi xướng và tham gia các hoạt động liên quan đến di tích đó. Cái khó là làm sao vừa trùng tu, bảo dưỡng, quản lý được di tích, vừa giữ được vị trí của nó trong lòng đời sống nhân dân địa phương. Nếu mất đi sự quan tâm thật sự đó thì di tích đó cũng mất đi sức sống thực sự.
Luôn có mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển ở nhiều địa phương, không riêng Đồng Nai. Suy nghĩ của ông về điều này?
- Đây là điều chúng ta phải cân nhắc rất nhiều, điều gì đáng giữ lại và điều gì không. Tôi nghĩ cần có những hiểu biết sâu sắc về mỗi công trình, mỗi di tích lịch sử và có sự so sánh trong bối cảnh chung để ra những quyết định hợp lý. Đôi khi đó là sự lựa chọn và đánh đổi. Lý lẽ thì muôn vàn, nhưng trong từng hoàn cảnh cụ thể ta sẽ có giải pháp. Dĩ nhiên với những người say mê lịch sử thì tôi muốn giữ lại nhiều hơn là phá bỏ, song tôi cũng hiểu có những thứ không thể tồn tại mãi dù chúng ta có yêu quý đến thế nào.
Với quan điểm tôn tạo các di tích, tôi nghĩ điều quan trọng là tôn tạo cho đúng nội dung, đúng linh hồn của công trình đó thông qua sự tìm hiểu kỹ lưỡng về kiến trúc, tôn giáo, hoàn cảnh lịch sử… của từng di tích một. Nếu không, dễ dàng làm mất đi cái hồn của chính công trình đó, mặc dù ý định ban đầu là tôn tạo để bảo tồn chúng.
Tìm hiểu, yêu thích lịch sử và thường “ăn, ngủ, sống” với những gì đã xảy ra trong quá khứ, liệu có cho ông chút ít ý nghĩa nào về cuộc sống hiện tại không?
- Chúng ta không bao giờ có thể phủ nhận quá khứ, dù tương lai có quyến rũ đến mức nào. Ở một độ tuổi nào đó, hiểu về quá khứ là cách để người ta tồn tại vững vàng hơn. Đằng sau mỗi bức ảnh là một câu chuyện, một giai đoạn, một phận người, hoặc nhiều hơn thế nữa... Thú vị ở chỗ khi có nghiên cứu, có hiểu biết thì người ta mới thật sự đồng cảm và hiểu chút gì đó về những gì đã qua. Với riêng tôi, những gì tôi hiểu biết, cảm nhận về quá khứ, về lịch sử vùng đất với hàng vạn phận người đã sống và đã chết đi, tôi nghĩ về mình và thấy cuộc sống mỗi con người cũng nhỏ bé và ngắn ngủi thôi. Vậy nên cứ sống nhẹ nhàng và đừng quá tham vọng, vì tất cả rồi cũng sẽ trở thành quá khứ và ta không thể kiểm soát được những điều thế hệ sau đánh giá về ta.
Xin cảm ơn ông!
Có những di tích của Biên Hòa ngày nay không còn nữa và với những gì còn lại, tôi mong mỏi chúng được bảo tồn tốt. Ví dụ, nhà cổ ở Đồng Nai không còn nhiều nữa, kiến trúc một thời của vùng đất này cũng theo đó mai một dần đi. Tôi bị nhiều người chỉ trích là dành nhiều thời gian để làm những việc “vô bổ”, nhưng tôi chỉ cười. Tôi không quan tâm đến lợi nhuận, và cũng không nghĩ mình quá quan trọng. Thật ra tôi không làm thì cũng không sao, mọi việc vẫn thế. Song điều quan trọng là tôi tìm được ý nghĩa cho cuộc sống của chính mình, bên ngoài công việc và những điều khác. |
Kim Ngân (thực hiện)