Ông Nguyễn Háo Thoại là người Biên Hòa gốc, cũng là cựu sinh viên của Trường cao đẳng mỹ thuật Gia Định (nay là Trường đại học mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh)
Ông Nguyễn Háo Thoại là người Biên Hòa gốc, cũng là cựu sinh viên của Trường cao đẳng mỹ thuật Gia Định (nay là Trường đại học mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh). Năm 1974, ông về giảng dạy mỹ thuật tại Trường kỹ thuật Biên Hòa (tên gọi của Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai giai đoạn 1964-1976). Tiếp tục làm việc tại đó sau năm 1975, ông từng giữ vị trí Phó hiệu trưởng trong một thời gian dài. Ông nói mình là người thích sự yên lặng, kín đáo và không thích xuất hiện nhiều, song ông lại được biết đến như một người am hiểu về gốm Biên Hòa.
Gốm Biên Hòa vang danh một thời, tuy nhiên hiện không còn giữ được những nét lộng lẫy, vàng son như trước. Những sản phẩm tinh xảo nhất của cả một thời hoàng kim cũng không còn giữ được bao nhiêu, mà theo nhiều người, phần lớn chúng nằm ở trong những bộ sưu tập hiếm hoi và đắt giá ở châu Âu, thông qua những cuộc đấu xảo và triển lãm của người Pháp từ những thập niên 30-40 của thế kỷ trước.
Từ màu men xanh đồng trổ bông…
Thưa ông, vì sao người Pháp ngày xưa lại chú ý đặc biệt đến gốm Biên Hòa? Vì sao họ chọn gốm Biên Hòa và giúp cho nó nổi bật hẳn lên, mà không phải là Thủ Dầu Một hay Sài Gòn?
- Bỏ qua vấn đề về bối cảnh chính trị, tôi nghĩ rằng người Pháp thời bấy giờ đã có những nghiên cứu rất kỹ lưỡng về vùng đất Nam bộ. Riêng về gốm, Thủ Dầu Một cũng có nghề làm gốm, song là dòng gốm gia dụng: chén, dĩa, bình bông... Nhưng nếu là dòng gốm có tính mỹ thuật cao thì họ tìm đến gốm Biên Hòa. Đó là những dòng gốm dùng để trang trí và trưng bày làm đẹp trong nhà. Thứ nữa, Biên Hòa có những điều kiện thuận lợi về việc khai thác nguồn nguyên liệu đất, khoáng chất địa phương và các vùng lân cận để chế biến màu men, trình độ của nghệ nhân… Chính vì vậy, người Pháp mở trường dạy nghề trong đó có ngành gốm tại Biên Hòa, bao gồm: nghiên cứu, dạy nghề, sản xuất, và họ đã quảng bá sản phẩm gốm đến nhiều nước ở Âu châu… Do đó, vào thời Pháp, Biên Hòa là một trong những trung tâm gốm của phía Nam.
Gốm Biên Hòa được biết đến bởi màu men và những kỹ thuật đặc biệt nào so với gốm từ các vùng khác của Việt Nam, thưa ông?
- Nghệ thuật gốm Việt Nam nhìn chung chịu ảnh hưởng từ gốm sứ Trung Hoa, và thường thể hiện ở màu men xanh dương trên nền trắng (men lam). Với kỹ thuật này, dựa trên họa tiết, người thợ sẽ khắc thành nhiều rãnh nhỏ để tạo những mảng độc lập, mỗi mảng không gian sẽ là màu men khác nhau phối hợp thành tổng thể hài hòa. Nhờ vậy, người ta đã tạo ra nhiều màu men độc đáo như men nâu, men da lươn, men lam
cô-ban (cobalt oxide), men ngà...
Nổi bật thì phải kể đến màu men xanh ngọc Biên Hòa, rất giống men celadon có xuất xứ từ đời Tống bên Tàu mà người Pháp rất ưa chuộng. Vì vậy, họ đã trân trọng gọi nó là “Vert de Bien Hoa” (men xanh ngọc của Biên Hòa). Sau giải phóng gọi là màu men xanh đồng trổ bông do những tinh thể đặc biệt của chúng xuất hiện thành những đốm nhỏ qua quá trình nhiệt hóa. Với những người am hiểu, đặt trước mặt những sản phẩm thuộc nhiều dòng gốm khác nhau, họ sẽ nhìn ra ngay đâu là gốm Biên Hòa nhờ vào độ trong, độ bóng mờ và tính chất đậm đà (dense)…
Những sản phẩm gốm Biên Hòa tinh xảo nhất ngày xưa, nay có còn lưu giữ được nhiều không?
- Những năm 1923-1930 là giai đoạn có những cuộc đấu xảo, triển lãm gốm Biên Hòa ở châu Âu. Và được biết sau mỗi cuộc đấu xảo hay triển lãm, trường không đem được bất kỳ sản phẩm gốm nào về cả, bởi chúng đã được các nhà sưu tầm châu Âu mua sạch. Thậm chí, chính phủ Pháp còn phải “tranh” mua với tư nhân. Vậy nên những món đồ gốm Biên Hòa đẹp và tinh xảo nhất, giờ này có lẽ đang nằm trong những bộ sưu tập ở châu Âu hoặc các nước khác. Đến giai đoạn người Mỹ hiện diện, khách du lịch nước ngoài phần lớn người Mỹ đã mua rất nhiều. Tôi biết nhiều gia đình vẫn còn gìn giữ các sản phẩm gốm Biên Hòa một cách trân trọng. Ở Biên Hòa, ngoài một số nhà sưu tập tư nhân thì Bảo tàng Đồng Nai và Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai cũng lưu giữ được một số sản phẩm gốm Biên Hòa.
… đến gốm “art de Bien Hoa”
Thành công của gốm Biên Hòa không phải chỉ do các nghệ nhân gốm, mà còn do sự đánh giá, xây dựng và phát triển chúng một cách bài bản từ người Pháp?
- Đặc điểm của gốm Biên Hòa trong thời hoàng kim, theo tôi biết là phải nung đến gần 1.3000C. Do đó, đối với những sản phẩm sau này dù giống về màu men, song nếu không đúng kỹ thuật pha chế, không đạt đến nhiệt độ nhất định thì không thể có chất lượng như trước đó. Người Pháp kỹ lưỡng và tinh tế nên rất nghiêm khắc với việc nung gốm trong lò. Những học trò thời ấy thường kể lại là trong một mẻ nung gốm, nhà trường chỉ chọn duy nhất sản phẩm loại A, bất kể chi phí, thời gian, công sức. Khi gốm từ lò đưa ra nếu không đủ chất lượng, họ đập bỏ ngay để không đưa ra thị trường những sản phẩm chưa đạt chuẩn. Có lẽ một phần nhờ vậy mà gốm Biên Hòa một thời có những sản phẩm đạt đến độ tinh xảo rất cao. Các sản phẩm gốm thời kỳ này nếu dưới đáy có in chữ “Art de Bien Hoa” (mỹ nghệ Biên Hòa) thì mới được chứng nhận là có giá trị, bởi có xuất xứ từ Trường bá nghệ Biên Hòa.
Theo quan sát của ông, gốm Biên Hòa hiện nay khác gì so với ngày xưa?
- Sự phát triển của dòng gốm Biên Hòa có thể tạm chia thành 3 thời kỳ quan trọng: thời Pháp (thập niên 40 trở về trước); thời Mỹ (thập niên 60 và những năm đầu thập niên 70) và sau năm 1975. Trong các giai đoạn đó, phải nói rằng thời “hoàng kim” là thời kỳ người Pháp phát triển gốm Biên Hòa đạt đến đỉnh cao nhất.
Sang thời kỳ thứ hai, do hàng hóa Mỹ ồ ạt đổ vào, kinh tế miền Nam có nhiều thay đổi, gốm Biên Hòa chuyển sang giai đoạn mới. Công nghệ sản xuất cũng thay đổi, sản phẩm gốm được sản xuất đại trà hơn, thời gian nung lò rút ngắn lại. Hầu hết nguyên liệu pha chế men đều mua từ nguồn hóa chất bán trên thị trường, không sử dụng nguyên liệu khai thác nội địa và tất nhiên chất lượng, màu men cũng khác.
Sau năm 1975 do hoàn cảnh đất nước, trong một thời gian dài gốm Biên Hòa hoạt động cầm chừng cho đến thời kỳ đổi mới thì mới bắt đầu khởi sắc và hoạt động mạnh mẽ. Đây cũng là giai đoạn hàng gốm Biên Hòa xuất khẩu ồ ạt. Nhớ lại thời kỳ này, trong những dịp ra nước ngoài tôi được mấy người bạn dắt đi xem cửa hàng bán đồ gốm. Khi nhìn thấy bình, chậu gốm đất nung của Biên Hòa đặt trên kệ, bên cạnh là sản phẩm của Nhật, Ý, Indonesia, tôi thấy trào lên lòng tự hào dân tộc. Tuy nhiên sau đó do thiếu chiến lược lâu dài, không có định hướng rõ ràng, gốm Biên Hòa bị tụt hậu, mất cơ hội trở thành đối tác xuất khẩu quan trọng trong lĩnh vực gốm. Thật đáng tiếc!
Vai trò của những lò gốm tư nhân, và vai trò của chính sách Nhà nước trong việc giữ gìn và phát triển gốm Biên Hòa, theo ông bên nào “nặng” hơn?
- Theo suy nghĩ của tôi, khi nhìn sang các nước đã phát triển, sự phát triển kinh tế sẽ tự điều chỉnh các lĩnh vực khác dựa trên nhu cầu xã hội. Những ngành truyền thống thường rơi vào vị thế bất lợi so với ngành mũi nhọn. Do đó, trước tiên Nhà nước cần phải có chính sách đúng đắn, chiến lược cụ thể và đôi lúc buộc phải bảo trợ để nuôi sống và giúp nghề truyền thống phát triển. Tiếp đến là vai trò không thể thiếu của nhà trường - nơi đào tạo nhân sự đầu tàu cho cơ sở sản xuất.
Biên Hòa vẫn có nhiều nghệ nhân gốm giỏi, nhiều gia đình sống bao năm với nghề còn gìn giữ những kỹ thuật tinh xảo, độc đáo của nghề gốm; chưa kể nhiều thế hệ trẻ hơn, có kiến thức và yêu nghề mà tôi có dịp tiếp xúc. Vấn đề là lãnh đạo địa phương cần có hành động cụ thể như xây dựng hướng bảo tồn và phát triển gốm như thế nào cho hợp lý, mời gọi sự tham gia góp ý của mọi giới làm gốm, tìm hiểu những khó khăn của nghề gốm để tạo điều kiện hỗ trợ, sau đó từng bước triển khai và kiểm tra đôn đốc sự vận hành cho trôi chảy... Hãy nhớ quyết định di dời làng gốm trong quá khứ đã đẩy gốm Biên Hòa gần đến chỗ mai một.
Xin cảm ơn ông!
Về quy hoạch và di dời làng gốm ra xa khu vực dân cư, theo tôi là chính đáng bởi vấn đề ô nhiễm môi trường. Nhưng khi di dời cần tính toán hỗ trợ trước những vấn đề khó khăn mà người sản xuất gốm phải đối mặt khi chuyển đến chỗ ở mới. |
Kim Ngân (thực hiện)