Ông Phạm Văn Đẩu bắt đầu bén duyên với cây điều từ năm 1983 và được coi là một trong những chuyên gia chuyên nghiên cứu giống điều kỳ cựu nhất của Việt Nam
Ông Phạm Văn Đẩu bắt đầu bén duyên với cây điều từ năm 1983 và được coi là một trong những chuyên gia chuyên nghiên cứu giống điều kỳ cựu nhất của Việt Nam. Ông cũng là người thường xuyên phản biện đối với những giống điều mới trước khi được đưa cho nông dân gieo trồng rộng rãi. Dành hơn 30 năm “lùng sục” từng vườn điều, từ Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai... đến Thái Lan, Campuchia, Australia, Indonesia... hiện nay dù đã vào tuổi thất thập song hễ có thông tin gì về giống mới, nghiên cứu mới trên cây điều là ông tìm đến. Thường xuyên tham dự và phản biện giống mới cho Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn..., tên tuổi của ông trở nên quen thuộc với ngành điều từ hàng chục năm nay.
Ông nói mình không có tham vọng gì lớn, đơn giản chỉ là trách nhiệm của một người có kinh nghiệm thực tiễn trong nghiên cứu. Và vì thế ông phải lên tiếng, thà lãng phí kinh phí nghiên cứu ban đầu còn hơn khi giống điều không tốt mà lại triển khai rộng rãi cho nông dân, làm cho sự lãng phí đó tăng gấp hàng trăm lần, chưa kể còn phải trả giá bằng nước mắt của nông dân.
Bén duyên với điều
Vì sao ông chọn nghiên cứu chuyên sâu về giống điều?
- Đó là một chút duyên ban đầu. Song về sau, tôi thực sự yêu thích việc nghiên cứu giống điều và gắn bó hàng chục năm nay. Năm 1983, tôi công tác tại Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam và được cử vào phụ trách Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp đóng ở huyện Trảng Bom. Thời điểm đó, thỉnh thoảng tôi đi thăm các vườn điều ở Bình Phước, Đồng Nai... và bắt đầu thấy thích. Năm 1988, Việt Nam nhận được tài trợ của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) cho dự án nghiên cứu, phát triển cây điều. Tôi được cử làm phó giám đốc phụ trách mảng đào tạo cho dự án và bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu, chọn tạo nhiều giống điều tốt.
Năm 1989-1990, tôi trực tiếp đi tuyển chọn giống điều ở nhiều vùng do các chuyên gia FAO hướng dẫn. Thời điểm đó, nhiều cuộc khảo nghiệm giống diễn ra liên tục để chọn được các giống điều tốt phù hợp với thổ nhưỡng địa phương.
Sau đó, những giống đều đạt yêu cầu được dự án mang trồng tại TX.Phước Long (tỉnh Bình Phước). Đến nay nhiều giống đang phát huy hiệu quả tại “thủ phủ” điều Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai. Nhiều giống điều do tôi chọn đã được trồng đại trà tại nhiều khu vực Đông Nam bộ. Bén duyên và yêu thích cây điều, ngay cả khi dự án kết thúc, tôi vẫn đeo đuổi nghiên cứu giống cho đến ngày nay.
Nông dân trồng điều biết đến ông như một “nhà khoa học không bằng cấp”, ông cũng bỏ qua nhiều dịp để lấy bằng tiến sĩ. Vậy quan điểm của ông về nghiên cứu như thế nào?
- Tôi xuất thân từ nông dân. Tôi nghĩ rằng mình hiểu phần nào đó nỗi khổ của nhà nông, cũng hiểu những điểm yếu lẫn điểm mạnh của nhà nông. Gọi tôi là “nhà khoa học” thì hơi quá vì những gì tôi làm được trong công việc của mình cũng bình thường. Suy nghĩ của tôi về công việc nghiên cứu là mọi nghiên cứu, khảo nghiệm, chứng cứ... phải bắt nguồn từ những vườn cây của nông dân. Chúng tôi theo dõi hàng ngày, xem xét hàng ngày khi thực hiện các nghiên cứu về giống điều. Có khi thất bại, có khi thành công, song phải làm hết trách nhiệm của mình.
Tôi quan niệm khoa học phải thực dụng, tất cả mọi thứ khi công bố phải dựa trên những bằng chứng thuyết phục từ thực tế. Nếu không, dù có lời hay ý đẹp đến mức nào cũng chẳng mấy hiệu quả. Nếu thiếu trách nhiệm trong việc nghiên cứu và phản biện giống, hậu quả sẽ rất lớn. Đã từng có giống điều chưa được nghiên cứu kỹ trên thổ nhưỡng địa phương đã được nhập về đại trà, phổ biến cho nông dân, nhanh chóng lan rộng ra hàng trăm rồi hàng ngàn hécta ở khắp các tỉnh, thành. Nông dân chăm bón vườn điều, bỏ biết bao công sức, song kết quả năng suất thấp, mùi vị dở, thương lái không mua... và hàng chục ngàn hộ dân khốn đốn.
Không phải là người có bằng cấp ấn tượng, song ông được nông dân tin yêu, người trong nghề nể trọng mặc dù tính cách rất thẳng thắn, không ngại phản biện, đấu tranh. Theo ông vì sao?
- Nếu đặt một chút tâm của mình vào công việc thì ở bất kỳ việc gì, tôi nghĩ rồi sẽ được ghi nhận. Tôi không chủ tâm phản biện khắp nơi để chứng tỏ mình, tôi chỉ phản biện dựa trên những kinh nghiệm thực tế của mình trong từng giống điều cụ thể. Trong các buổi hội thảo, dù trước những hội đồng giàu kinh nghiệm lẫn bằng cấp, tôi vẫn thẳng thắn nêu lên những suy nghĩ và kiến nghị của mình. Thậm chí, nhiều lần tôi viết thư cho Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, trao đổi riêng với lãnh đạo các tỉnh, kiến nghị lên bộ trưởng... để nêu rõ những thắc mắc và kết quả nghiên cứu của mình về các giống điều mà tôi cho là “có vấn đề”; hoặc chưa được khảo nghiệm kỹ với mong muốn các cơ quan liên quan nêu cao trách nhiệm hơn nữa trước khi phổ biến cho nông dân trồng đại trà.
Người nghiên cứu phải có tâm
Giống cây trồng tại Việt Nam hiện tại phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nhập khẩu, song nhiều loại giống khi phổ biến lại mang về kết quả kém. Cần hiểu và ứng xử với thực tế này ra sao, thưa ông?
- Có một cách làm khá “dễ dàng” trong việc phổ biến giống điều nói riêng và nhiều loại giống cây trồng khác nói chung, nôm na là xin kinh phí - nhập giống - nghiên cứu sơ - công bố - phổ biến. Trong suy nghĩ của tôi, cần phải làm một cách có trách nhiệm hơn. Có những loại cây trồng mà nguồn giống ở bản địa cho ra thành phẩm rất tốt, mùi vị rất ngon như điều chẳng hạn, thì nên xem xét kỹ khi nhập khẩu giống. Tôi đã đi nhiều nước, từ Australia, Thái Lan đến Campuchia..., song tôi khẳng định Việt Nam có những giống điều ngon vào bậc nhất, chỉ cần nâng niu, khảo nghiệm, nghiên cứu, cải tiến cho nông dân gieo trồng, vừa rẻ vừa tốt.
Thực tế, khi nhập một giống cây trồng nào đó về nước, tiến hành các khảo nghiệm, nghiên cứu, công bố... thì luôn tốn một khoản ngân sách nào đó. Tuy nhiên, khi làm khảo nghiệm kỹ mà vẫn thấy chưa đạt thì nên ngừng lại, dù có tốn hàng tỷ đồng. Vì sao? Vì thà bỏ qua khoản ngân sách đó, chấp nhận mất tiền ít còn hơn là tiếc công, tiếc của mà phổ biến cho nông dân trồng rộng rãi. Hàng chục ngàn hécta có thể được nhân lên dựa trên công bố đó, song thất bại sẽ đổ lên đầu nông dân, họ thua lỗ, hoang mang và mất lòng tin vào những người làm công tác chọn giống. Sự lãng phí đó lớn hơn rất nhiều lần.
Mặc dù góp công rất lớn trong việc phổ biến nhiều giống điều chất lượng tại Việt Nam, nhưng ông chưa từng là một người giàu về bằng cấp hoặc của cải. Ông có bao giờ thấy chạnh lòng không?
- Không, tôi từng bỏ qua nhiều cơ hội lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng luôn nhận lời hướng dẫn các luận án nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực của mình. Những năm thuộc thập niên 80-90 thế kỷ trước, khi vợ tôi một mình xoay xở với 4 đứa con, cả một thời gian dài đồng lương của tôi đổ vào việc nghiên cứu giống, chúng tôi vẫn vượt qua nên tôi không thấy có gì phải chạnh lòng cả.
Nếu có gì đó trăn trở thì đó là những lứa chuyên gia lớn tuổi như chúng tôi rồi sẽ không còn làm việc lâu được nữa, nhưng lớp trẻ theo đuổi nghiên cứu thì chưa nhiều. Thực tế cuộc sống đặt ra cho các em nhiều lựa chọn, trong khi về làm tại các viện nghiên cứu giống ăn lương Nhà nước thì khó đủ sống, chưa kể công việc vất vả và đòi hỏi tập trung cao. Tôi mong muốn hoặc Nhà nước, hoặc doanh nghiệp có nhiều cách xoay xở để đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu giống, không chỉ giống điều mà ở nhiều loại cây trồng khác, vì đây là khâu then chốt trong nâng cao năng suất và cạnh tranh. Riêng tôi, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, phản biện, góp ý… cho ngành điều Việt Nam đến khi sức khỏe không kham nổi nữa, bởi đây là công việc giàu ý nghĩa mà tôi yêu thích cả đời.
Xin cảm ơn ông!
Năm 2015, ông đi liên tục 20 điểm thực hiện chuyển giao kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng trong chương trình của Vinacas nhằm giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng vườn điều. Ông phát hiện ra vườn điều ghép cải tạo hiệu quả tại Bù Gia Mập (Bình Phước) và nhận thấy đây sẽ là mô hình cần nhân rộng cho nông dân. Vinacas đã xây dựng các điểm trình diễn và tổ chức hội nghị tại các địa phương phổ biến kỹ thuật này và quyết định đầu tư hàng chục mô hình ghép cải tạo vườn điều ở Bình Phước và Đồng Nai. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Cao Đức Phát lúc đó cũng tới tận vườn ghép của các hộ nông dân này và đánh giá cao phương pháp ghép của Vinacas. Hiện tại, nhiều vườn điều sau khi ghép đã cho tỷ lệ sống lên đến 80-90%, được nông dân trồng rộng rãi ở Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Lâm Đồng… |
Kim Ngân (thực hiện)