Nhiều năm làm trọng tài quốc tế, ông Vũ Xuân Phong, Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam(VIAC) từng tham gia giải quyết hàng trăm vụ tranh chấp trong mua bán quốc tế cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam và DN nước ngoài.
Nhiều năm làm trọng tài quốc tế, ông Vũ Xuân Phong, Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam(VIAC) từng tham gia giải quyết hàng trăm vụ tranh chấp trong mua bán quốc tế cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam và DN nước ngoài. Kinh nghiệm quan trọng nhất mà ông rút ra và muốn nhắn nhủ các DN là trong các hoạt động xuất, nhập khẩu phải luôn cẩn trọng từ khâu đàm phán, soạn hợp đồng đến ký kết. Những khâu trên nếu làm tốt sẽ tránh được nhiều rủi ro có thể gây thiệt hại lớn cho DN.
Theo ông Phong, với 12 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam được mở rộng. Tuy nhiên, nhiều DN vừa và nhỏ khi vươn ra biển lớn chưa có kinh nghiệm nên trong các hợp đồng mua, bán chưa kỹ càng. Đây là sơ hở khiến DN Việt dễ bị lừa hoặc xảy ra các tranh chấp không đáng có.
* CHUẨN BỊ TỐT, ÍT TRẮC TRỞ
Các hiệp định thương mại tự do được ký kết mở ra cơ hội cho các DN Việt Nam, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu DN không biết rõ các quy định trong hợp đồng ký kết. Theo ông, DN phải chuẩn bị những gì để tránh được những rủi ro?
- Trong quan hệ giao dịch thương mại rất cần sự bình đẳng giữa các bên muốn ký kết hợp đồng, điều này được thể hiện qua thiện chí của từng bên. Do đó, ngay từ khi đàm phán DN nên chú ý đến các điều khoản về giá, chất lượng, số lượng, dịch vụ, giao hàng trong các hợp đồng, những điều khoản trên làm kỹ, chi tiết sẽ ít gặp tranh chấp, rủi ro. Bên cạnh đó, trong hợp đồng các DN Việt Nam phải lưu ý đến lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng, để khi xảy ra tranh chấp chúng ta có thể dựa vào đó mà giải quyết.
Đồng thời, DN nên chủ động lựa chọn cơ quan tài phán, có nghĩa là sẽ đưa tranh chấp ra giải quyết bằng tòa án hoặc trọng tài và tòa án hay tổ chức trọng tài nào cũng phải thỏa thuận cho rõ, cụ thể. Muốn làm được việc này, DN phải nghiên cứu kỹ Luật Trọng tài thương mại, vì nếu không thỏa thuận rõ sẽ rất khó cho hội đồng trọng tài xác định đưa ra giải quyết tại đâu và có thể giải quyết trọng tài đó sẽ vô hiệu, không thực hiện được. Việt Nam đã có Luật Trọng tài thương mại năm 2010, trong đó có những điều kiện làm cho trọng tài vô hiệu, DN nên tránh để trọng tài có thể giải quyết được vụ việc. DN chú ý đưa các điều khoản chế tài vào hợp đồng. Những nội dung trên DN phải nghiên cứu trước khi đàm phán để đưa vào hợp đồng cho phù hợp.
Đồng Nai hiện có hàng ngàn DN tham gia mua bán quốc tế, việc tranh chấp, rủi ro cũng thường xảy ra. Theo ông, với những DN kinh nghiệm chưa nhiều có nên tự đàm phán hay chọn các tổ chức tư vấn để tránh tranh chấp, rủi ro cho hàng hóa?
- Tự đàm phán hay chọn tổ chức tư vấn là quyền của DN. Tuy nhiên, nếu DN chọn tổ chức tư vấn thì phải là những nơi am hiểu, có chuyên môn sâu về lĩnh vực thương mại. Về thương mại, DN nên hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những mục đích nhằm sinh lời. Vì thế thương mại có thể là đầu tư, chuyển giao khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ, lĩnh vực thương mại của sở hữu trí tuệ, dịch vụ, hợp đồng mua bán hàng hóa xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa bằng các phương thức khác nhau, như: đường bộ, đường hàng không, đường biển, đường sắt...
Hiện Việt Nam có nhiều tổ chức tư vấn nên DN có thể chọn các công ty luật sư, trung tâm trọng tài hoặc các chuyên gia. Chọn đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, DN sẽ chuẩn bị kỹ được nội dung trong đàm phán, ký kết hợp đồng sẽ tránh được tranh chấp gây thiệt hại lớn.
Trong xuất, nhập khẩu hàng hóa, DN Việt Nam thường xuyên bị kiện. Như vậy, DN nên làm gì để bớt bị kiện?
- Tôi nghĩ việc kiện cáo, giải quyết tranh chấp là chuyện rất bình thường trong thương mại. Không DN nào muốn xảy ra tranh chấp, nhưng khi phát sinh thì phải tìm cách để giải quyết. Thực tế, không chỉ DN Việt Nam có xuất, nhập khẩu bị đối tác nước ngoài kiện nhiều mà các DN Việt Nam đi kiện đối tác nước ngoài cũng rất nhiều. Tất nhiên, để hạn chế việc bị kiện và phải đi kiện, DN Việt Nam nên nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật trong giao dịch quốc tế để phòng tránh được các rủi ro và bớt được các tranh chấp. Trong nhiều vụ tranh chấp, tôi thấy DN Việt Nam đứng ở vai trò nguyên đơn cũng khá nhiều chứ không phải phần lớn là đứng ở vai trò bị đơn.
* NÊN CHỌN GIẢI QUYẾT Ở VIỆT NAM
Ông có ý kiến gì về việc khi bị kiện, không ít DN Việt Nam còn lúng túng trong việc lựa chọn đơn vị, nơi giải quyết các tranh chấp?
- Như tôi đã nói ở trên, trong đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại DN nên đưa các điều khoản giải quyết tranh chấp vào hợp đồng. DN hãy chọn giải quyết các tranh chấp ở Việt Nam tại trung tâm trọng tài hoặc tòa án, vì như vậy vụ việc sẽ được giải quyết nhanh, bớt chi phí. Nếu DN chọn luật sư, trọng tài nước ngoài và giải quyết vụ việc ở nước ngoài, chi phí sẽ rất cao vì các trọng tài quốc tế sẽ tính phí theo giờ, có thể lên đến cả ngàn USD/giờ. Ngoài ra, DN chọn luật sư từ tại Việt Nam qua sẽ tốn thêm chi phí đi lại, có những nước không chấp nhận luật sư Việt Nam đứng ra tranh tụng. Vì vậy, tôi xin lưu ý các DN Việt Nam là trong hợp đồng nên chọn giải quyết tranh chấp tại Việt Nam và chọn trung tâm trọng tài nào cũng phải ghi rõ vào trong hợp đồng.
Ngoài là một trọng tài quốc tế dày dạn kinh nghiệm, ông còn được nhiều DN biết đến với vai trò là một chuyên gia hiểu rõ từng “chân tơ kẽ tóc” của ngành logistics Việt Nam. Hiện chi phí logistics của Việt Nam cao gấp gần 2 lần so với một số nước trên thế giới, làm giảm sức cạnh tranh của DN. Vậy có giải pháp nào để giảm chi phí này?
- Từ trước đến nay, không ít người thường hiểu logistics là khâu vận tải, điều này chưa đúng. Khái niệm về logistics rất rộng, từ khâu mua bán nguyên vật liệu đưa vào sản xuất đến khi ra thành phẩm đem vào lưu kho và đưa ra phấn phối, có thể là bán lẻ, bán buôn. Tất cả những cái đó đều nằm trong chuỗi cung ứng và logistics bao trùm lên tất cả các khâu, không chỉ là vận tải và giao nhận hàng hóa. Chi phí logistics của Việt Nam hiện nay đang ở mức khá cao, và Chính phủ đã có nghị quyết là sẽ đưa chi phí này giảm xuống trong giai đoạn từ nay đến 2020 và tầm nhìn đến 2030. Đây là hướng phấn đấu, để làm được điều này đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách phù hợp, các bộ ngành liên quan cùng tham gia và có những đầu tư ngắn hạn, dài hạn cho cảng, đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường biển và tất cả DN dịch vụ logistics tại Việt Nam có kế hoạch lâu dài trong việc đầu tư phương tiện vận tải. Bên cạnh đó, còn liên quan đến vấn đề hải quan, kiểm tra chuyên ngành nếu kéo dài cũng làm cho chi phí logistics tăng lên. Do đó, muốn chi phí logistics giảm xuống cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành và cơ quan quản lý liên quan.
Xin cảm ơn ông!
Tôi thấy mình đã làm hết trách nhiệm trong cương vị là trọng tài quốc tế. Mỗi vụ kiện tôi nhận giải quyết đều cố gắng làm nhanh và đem lại công bằng cho cả hai phía, tránh được những tổn thất có thể dẫn đến phá sản của một số DN Việt Nam. Hiện nay, luật về trọng tài thương mại Việt Nam đã có, đây là khung pháp lý cho hoạt động trọng tài thương mại. Trong đó, những điều còn chưa hợp lý chúng tôi tiếp tục kiến nghị sửa đổi cho phù hợp nhằm tạo ra hành lang pháp lý an toàn để bảo vệ các DN trong mua bán quốc tế. Đồng thời, một lần nữa tôi muốn nhắn nhủ các DN Việt Nam là trong mua bán quốc tế ngày càng có những cạnh tranh gay gắt, song DN đừng vì áp lực đơn hàng mà vội vã trong đàm phán dẫn đến ký kết các hợp đồng không rõ ràng, cụ thể sẽ rất dễ bị lừa; hoặc khi xảy ra tranh chấp thì rất khó bảo vệ quyền lợi của mình. |
Hương Giang (thực hiện)