GS.TS Mai Quốc Liên hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc học và là Tổng biên tập Tạp chí Hồn Việt. Năm 2013, với hàng chục năm nghiên cứu sâu về Hán - Nôm, ông được trao giải thưởng Balaban "Vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa Hán - Nôm".
GS.TS Mai Quốc Liên hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc học và là Tổng biên tập Tạp chí Hồn Việt. Năm 2013, với hàng chục năm nghiên cứu sâu về Hán - Nôm, ông được trao giải thưởng Balaban “Vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa Hán - Nôm”. Giải thưởng Balaban là giải thưởng thường niên nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của các cá nhân, tập thể trong công cuộc bảo tồn và truyền bá di sản văn hóa chữ Nôm, được trao bởi Hội Bảo tồn di sản Nôm.
GS.TS Mai Quốc Liên từng nói những gì ông làm được cho việc nghiên cứu và bảo tồn Hán - Nôm chỉ là đóng góp nhỏ so với công sức của cả tập thể gồm nhiều vị lão thành như cụ Vũ Tuân Sán, cụ Vũ Khiêu, cụ Hữu Ngọc, cụ Nguyễn Quảng Tuân... cùng nhiều người khác. Những người đã dành trọn tâm huyết vào lòng yêu tiếng Việt, chữ Nôm, chữ Hán Việt và đã làm nên hàng trăm công trình nghiên cứu văn hóa trên tất cả các bộ môn cổ học với một mục đích duy nhất là góp phần gìn giữ gia tài vốn cổ của ông cha.
* Vốn cổ của dân tộc là một kho tàng
GS.TS Mai Quốc Liên từng được tặng 2 giải thưởng Nhà nước về khoa học - công nghệ (cụm công trình Ngô Thì Nhậm) và về văn học nghệ thuật (lý luận - phê bình) với nhiều công trình do GS.TS trực tiếp thực hiện hoặc viết bài nghiên cứu chung, dịch thơ, phiên âm Nôm... Mới đây (2016) Đề tài khoa học cấp quốc gia của Hội đồng Lý luận - phê bình văn học nghệ thuật Trung ương: “Tư tưởng lý luận văn nghệ Việt Nam thời trung đại - cận đại (thế kỷ 10 - thế kỷ 19)” do GS.TS là chủ nhiệm đã được Hội đồng Nghiệm thu của Bộ Khoa học - công nghệ đánh giá xuất sắc. |
Vì sao giáo sư chọn nghiên cứu Hán - Nôm? Đối với ông, lĩnh vực này có gì đặc biệt?
- Nói cho chính xác, chuyên ngành nghiên cứu của tôi là văn học Việt Nam, chủ yếu là văn học Việt Nam cổ. Lĩnh vực nghiên cứu này nhất thiết cần biết Hán - Nôm (cũng nên lưu ý là tuy gọi chung là Hán Nôm, chữ Hán, chữ Nôm là khác biệt). Hán học, Trung Quốc học cổ cũng là một ngành lớn mà người nghiên cứu văn học Việt Nam nhất thiết phải biết, vì 2 nền văn học này dính líu nhau.
Nói cho ngay, khi mới tốt nghiệp Khoa Văn Trường đại học tổng hợp Hà Nội, tôi về Viện Văn học, thì như bao nhiêu người thời đó, ước vọng chúng tôi là được đến Nga, học tiếng Nga, học lý luận văn học ở một đất nước có nền nghiên cứu với các bậc thầy lớn. Nhưng rồi các giáo sư Đặng Thai Mai, Hoàng Trinh... chọn tôi và các anh chị khác vào học lớp Đại học Hán học do viện mở. Tôi rất nản! Lúc đó tôi đã viết được một số bài phê bình văn học hiện đại và rất say mê. Đi vào học một môn “chi hồ giả dã” rất xa lạ, nó có vẻ “hủ” quá đi! Thế nhưng rồi đi vào, đi vào, mới thấy cái hay, cái lớn, cái uyên bác và cả tính nhân văn sâu sắc của nó. Lúc đó, thì nói như GS Nghiêm Toản ở Đại học văn khoa Sài Gòn mà tôi có được gặp: “Mê như điếu đổ”, “Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”!
Có điều gì trong đó mà mê như vậy, thưa giáo sư?
- Xin thưa, có Trần Nhân Tông (1258-1308), vị vua 2 lần chỉ huy thắng quân Nguyên Mông xâm lược, nhà đại trí thức, nhà văn hóa lớn, Phật hoàng - ở thế kỷ 13 cả thế giới không có ai như vậy để so; có Nguyễn Trãi cũng vậy. Và Nguyễn Du, thiên tài rạng ngời, “thiên thu tuyệt diệu từ”, có thể so với bất cứ thiên tài nào của nhân loại... Có và có rất nhiều của hơn 2 ngàn năm văn hiến, đó là những giọt máu mà chúng ta rơi vãi trên đường đi tới như Chế Lan Viên nói… Và cả một chân trời văn học Trung Hoa cổ với biết bao nhà văn lớn mà chúng tôi đã học với các bậc thầy khoa bảng, các giáo sư lừng danh như Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Nam Trân, Hoa Bằng... Phải biết rằng hơn 2 ngàn năm ấy là lớn lắm, là nhiều giá trị lớn mà chúng ta phải kế thừa và phát huy - một nhiệm vụ mà chúng ta chưa làm tốt, chúng ta còn có lỗi với tổ tiên.
Với một ngành nghiên cứu tương đối khó như Hán-Nôm, liệu có bao nhiêu người trẻ mong muốn được theo đuổi công việc nghiên cứu? Giáo sư có tìm thấy những người trẻ quan tâm và dành công sức cho việc nghiên cứu, bảo tồn?
- Ngành nghiên cứu nào cũng khó, cũng cần lao động nhiều mới có kết quả. Nhưng nghiên cứu cổ học thì mất nhiều thời gian và phải kiên trì hơn, thế thôi.
Bây giờ nhiều bạn trẻ học rất giỏi, họ không những rành Hán Nôm, mà tiếng Anh, tiếng Nhật... họ cũng giỏi, họ đi khắp thế giới để học... Thế hệ chúng tôi cũng đã ráng hết sức mình trong điều kiện gian khổ của chiến tranh. Chỉ có cái là niềm say mê học, nghiên cứu... thì chúng tôi tập trung hơn các anh chị bây giờ. Với đồng lương ít ỏi, chúng tôi học, làm việc mải miết, hầu như không còn quan tâm đến việc khác. May mắn là thế hệ trẻ, thế hệ học trò có đam mê nghiên cứu Hán - Nôm mà tôi được tiếp cận rất giỏi giang. Họ thông minh, có nhiều phương tiện để tiếp cận với tư liệu, kể cả nguồn tư liệu ở nước ngoài. Họ cũng có điều kiện đi đây đi đó, tiếp xúc nhiều hơn hẳn thế hệ chúng tôi. Tôi cũng không đặt nặng vấn đề là phải “đại chúng hóa” Hán - Nôm bởi đó là việc khó. Nghiên cứu ngôn ngữ nói chung và Hán-Nôm nói riêng đòi hỏi rất nhiều tâm huyết, hiểu biết, thời gian…nên không thể làm theo cách đại trà, phổ cập ai làm cũng được. Tôi chỉ mong muốn những người đã đi vào lĩnh vực nghiên cứu này thì sẽ đủ đam mê và tâm huyết để theo đuổi lâu dài.
* Cần sự nâng đỡ từ Nhà nước
Có khả năng nào trong việc đại chúng hóa những bộ môn nghệ thuật cổ để chúng tự “sống” hay không, thưa giáo sư? Hay chúng ta vẫn cần đến bàn tay “bà đỡ” là Nhà nước để giữ cho chúng không mai một?
- Vấn đề chung của việc bảo tồn các di sản văn hóa nghệ thuật nói riêng và Hán - Nôm nói chung là chúng không thể “tự bảo tồn” nếu không có sự tham gia giúp sức từ phía Nhà nước thông qua các chính sách đặc thù để gìn giữ và phát triển. Tôi biết điều này không dễ vì ở góc độ nhà quản lý, có quá nhiều việc phải quan tâm.
Nhưng tôi nghĩ, quan trọng là nhận thức của chúng ta, nếu không có ý thức bảo tồn thì cái giá phải trả là di sản đó sẽ bị xóa sổ nay mai, rất khó phục hồi. Đến khi có tiền trong tay rất nhiều cũng khó làm được. Chẳng hạn, một trong những day dứt của người làm nghiên cứu như tôi là sự mai một của nghệ thuật tuồng cổ. Người nước ngoài từng nói, họ thấy “một Shakespeare trên sân khấu tuồng cổ Việt Nam”, chứng tỏ tuồng cổ rất hay, rất nghệ thuật. Nhưng tuồng cổ vẫn mai một, vẫn “chết” vì chúng ta không muốn hoặc không kịp bảo tồn xứng đáng.
Nhưng theo giáo sư, cụ thể cần phải nhìn nhận sự hỗ trợ này như thế nào?
- Đảng, Nhà nước trong hoàn cảnh khó khăn như thời chiến tranh chống Mỹ mà còn mở lớp đào tạo đám hậu sinh chúng tôi kế tục các vị túc Nho, đủ biết các vị có cái nhìn rất xa. Chúng tôi học trong lớp học như một cái hầm trú ẩn ở vùng quê Hà Bắc, mà các vị khách quốc tế, như: Charles Fourniau người Pháp, Ay-dơ-lin người Nga... ghé thăm, đều thán phục Việt Nam.
Ngày nay, chính phủ đã chi rất nhiều, chăm lo rất nhiều cho việc bảo tồn, khai thác vốn cổ của cha ông. Cụ thể, Trung tâm Nghiên cứu quốc học chúng tôi hàng năm được cấp kinh phí nghiên cứu qua các dự án... rồi Viện Hán - Nôm, Viện Văn học, Viện Sử học, các đại học... Nhưng vì nhiều lý do, việc nghiên cứu hình như chưa đáp ứng yêu cầu.
Ngoài Nhà nước thì có thể huy động nguồn lực nào khác không? Rất khó, nhưng muốn duy trì một di sản như hát bội (nó thuộc văn hóa cổ) thì phải nhờ đến nhà trường, đến người xem... Mỗi người góp một chút để nuôi sống nó. Các xí nghiệp, doanh nghiệp sau này lớn lên, có nên lập một quỹ bảo trợ... Ở các nước, họ làm việc này từ lâu... nhưng phải nói là họ giàu, rất giàu, và có người thuận hiến cả gia tài cho việc này.
Sau hàng chục năm gắn bó và nghiên cứu Hán - Nôm, giáo sư tìm thấy được ý nghĩa gì cho bản thân mình thông qua công việc này?
- Khi tôi đi sâu hơn vào nghiên cứu với các thầy, các bạn văn chương, tôi dần phát hiện ra những vẻ đẹp của Hán - Nôm, của các tác phẩm văn học cổ Việt Nam, rồi từ từ say mê. Những nhà văn, nhà thơ mà tôi khá thân thiết như: Chế Lan Viên, Xuân Diệu... đều khuyến khích tôi đi sâu vào nghiên cứu. Văn học của cha ông rất nhân văn, sâu sắc mà trong vài lời không thể nói hết được, nó làm nên sự phong phú của tâm hồn và làm đời sống tôi đầy đủ, trọn vẹn hơn.
Xin cảm ơn ông!
Chúng ta chỉ mới có 2-3 thế kỷ sử dụng chữ Quốc ngữ, nhưng chúng ta có khoảng thời gian sử dụng chữ Hán - Nôm lâu hơn thế nhiều. Khi tìm hiểu và khi có một hiểu biết nhất định, ta sẽ thấy những điều đẹp đẽ của ngôn ngữ Hán - Nôm. Khi đọc Chinh phụ ngâm, Bình Ngô đại cáo hay Truyện Kiều bằng chính ngôn ngữ đã viết ra chúng, mới thấy hay và đẹp đến thế nào. Bản dịch dù có hay ra sao, khi đọc cũng thấy như “người khách lạ” đến thăm thú một chút, không thể thấm thía một cách sâu sắc như khi được tiếp cận và hiểu nguyên tác. |
Kim Ngân (thực hiện)