Ông Lâm Quang Trí (xã Lộc An, huyện Long Thành) thuộc lớp nông dân đầu tiên nuôi bò sữa và cũng là chủ trại có đàn bò sữa lớn nhất ở Đồng Nai.
Ông Lâm Quang Trí (xã Lộc An, huyện Long Thành) thuộc lớp nông dân đầu tiên nuôi bò sữa và cũng là chủ trại có đàn bò sữa lớn nhất ở Đồng Nai. Ông đã kiên trì giữ nghề nuôi và chế biến sữa bò tươi thủ công theo cách truyền thống hơn 35 năm qua. Ở tuổi 74, lão nông vẫn ngày ngày có mặt tại trang trại, theo sát mọi hoạt động từ khâu chăm sóc, việc vắt sữa đến chế biến...
Ông Lâm Quang Trí |
Theo ông Trí, ông đã chọn một trong những nghề vất vả nhất vì mọi khâu, mọi việc luôn đòi hỏi sự chăm chút cẩn thận, tỉ mỉ. Nhưng khi tiếp xúc, với giọng nói nhỏ nhẹ, nụ cười vui vẻ, lão nông này cho mọi người cảm nhận về hình ảnh một con người thong dong, thân thiện như cách làm nông nghiệp thuận theo tự nhiên mà ông đã chọn gắn bó cả đời.
* Giữ sự thuần chất cho giọt sữa tươi
Ông có thể chia sẻ cơ duyên ông chọn gắn bó với con bò sữa vào cái thời con bò sữa vẫn là “hàng ngoại”?
- Tôi là dân gốc TP.Hồ Chí Minh, sau giải phóng tôi mới về xã Lộc An. Tôi vừa làm y sĩ cho trạm xá tại địa phương, vừa nuôi thêm con heo, con gà, trồng thêm rau, đậu để tăng thu nhập nuôi gia đình. Mua được 1 mẫu đất, tôi thấy cây cỏ thiên nhiên rất tốt để chăn nuôi nhưng đầu vụ, cuối vụ lúc nào mình cũng mất nhiều công để cắt bỏ. Năm 1980, tôi quyết định mua 4 con bò lai Sind. Khi lứa bò đầu tiên sinh sản, tôi thấy con bò mẹ có nguồn sữa rất tốt nên quyết định cho lai với giống bò sữa. Lứa đầu tôi được 3 con bò sữa giống F1, từ đó tôi cho ra các thế hệ giống F2, F3... Những lứa đầu, mỗi con bò chỉ cho 12 lít sữa/ngày. Từ các thế hệ F2 thì năng suất sữa mới tăng lên từ 18-20 lít/ngày. Nuôi bò thịt ít nhất 2 năm mới có sản phẩm để bán, trong khi nuôi con bò sữa có sản phẩm bán hàng ngày, về mặt kinh tế cho thu nhập ổn định và cao hơn hẳn.
Ông mất bao lâu để gầy dựng và trở thành nông dân có trang trại bò lớn nhất ở Đồng Nai?
- Tôi mất 10 năm gầy dựng để có đàn bò với quy mô lớn. Và khi mở rộng chăn nuôi, tôi nghĩ đến việc xây dựng theo quy trình khép kín, trồng cỏ để có nguồn thức ăn tươi cho bò; nguồn phân chuồng, chất thải lại được tận dụng trở lại chăm đồng cỏ và các loại cây trồng khác. Khi đàn bò được nhân rộng thì nhu cầu đất trồng cỏ cho bò cũng tăng theo. Lúc đó, bán 5 con bò giống tôi mua được 1 hécta đất. Thời điểm tổng đàn lớn nhất tôi có 180 con bò sữa với cả chục hécta đất trồng cỏ. Cơ ngơi gia đình tôi có được đều nhờ con bò sữa.
Thời điểm nào ông quyết định đầu tư chế biến sữa tươi?
- Chăn nuôi được vài năm, quy mô đàn bò tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ sữa gặp khó khăn. Nông dân lại phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp thu mua nên tôi tìm hiểu cách chế biến sữa tươi. Tôi học quy trình nấu sữa theo cách thủ công mà các nước châu Âu thường làm vào thế kỷ 19. Tôi vẽ kiểu của các dụng cụ chế biến rồi đem ra cơ sở cơ khí đặt làm. Chế biến theo quy trình này, sản phẩm sữa không mất đi chất bổ dưỡng mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ sữa tươi, tôi làm thêm một số sản phẩm từ sữa tươi, như: sữa chua, bánh flan...
Sản phẩm sữa tươi chế biến thủ công của ông được thị trường đón nhận như thế nào vào những ngày đầu ra thị trường, và trong giai đoạn thịnh hành của công nghiệp chế biến hiện đại với nhiều thương hiệu lớn đang chiếm lĩnh thị trường như hiện nay?
- Thời đầu, mọi người còn khá xa lạ với sản phẩm sữa tươi. Sản phẩm do cơ sở nhỏ chế biến họ càng e ngại. Tôi đem sữa đến biếu các cụ già ốm đau, cho các cháu nhỏ trong vùng uống thử, trẻ em thấy ngon đòi cha mẹ mua cho. Dần dần mới có khách tìm đến cửa hàng mua sữa. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm sữa bò của trang trại ông Năm Trí ngày càng được nhiều người biết tiếng, khách từ TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu cũng tìm đến đặt hàng.
Ngày nay, những khách hàng chọn dòng thực phẩm chế biến thủ công thường khó tính hơn và luôn đòi hỏi sản phẩm phải thuần chất tự nhiên. Vì vậy, suốt 35 năm qua tôi vẫn giữ nguyên từ cách chăn nuôi đến quy trình chế biến sữa thủ công để giữ chân họ.
* Sản xuất “chậm” thuận theo tự nhiên
Giữ hướng sản xuất truyền thống, ông có lo mình bị lạc hậu trong thời đại công nghệ hiện nay?
- Tôi vừa cho lai tạo được thêm lứa bò sữa mới với giống Brahman sinh trưởng phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới tại địa phương và nhất là cho chất lượng sữa ngon. Tôi học ngành y nên có sẵn kiến thức nền khi chuyển sang lĩnh vực thú y, chăn nuôi. Con bò bị bệnh hay gặp những ca sinh ngược, đẻ khó tôi đều xử lý được. Nhưng từ khi bắt đầu nuôi những lứa bò đầu tiên cho đến bây giờ, tôi luôn học hỏi và cập nhật những kiến thức mới về lĩnh vực chăn nuôi này. Vừa học lỏm từ những nông dân giỏi hơn mình, vừa học từ các nguồn chính thức qua sách vở và những người bạn là bác sĩ thú y, các chuyên gia của các trường đại học...
Những nét đặc sắc nhất của dòng sản phẩm thủ công truyền thống của trang trại ông là gì?
- Tuy ứng dụng một số kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi nhưng tôi vẫn chọn để đàn bò được phát triển thuận theo tự nhiên. Dù ngày nay, sản xuất nông nghiệp luôn đề cao siêu năng suất, siêu lợi nhuận, nhưng suốt mấy chục năm nay, các lứa bò của tôi vẫn giữ ổn định sản lượng sữa ở mức bình quân từ 18-20 lít/con/ngày để có chất lượng sữa tốt nhất. Tôi có những cánh đồng cỏ được chăm sóc tốt, con bò luôn được ăn cỏ tươi non vừa được cắt ngoài đồng vào chứ tôi không chọn cách ủ và xử lý như cách nuôi công nghiệp hiện nay. Vì bò được ăn cỏ tươi, nguồn sữa cũng thơm ngon, đậm đà hơn. Sữa vừa được vắt từ trại đang còn nóng hổi được đưa đi chưng cất luôn. Sản phẩm chế biến hàng ngày, tiêu thụ hàng ngày nên không sử dụng chất bảo quản. Không chỉ sữa tươi mà các sản phẩm khác thơm ngon cũng đều nhờ nguồn sữa tươi chất lượng.
Hiện gia đình tôi có 3 cửa hàng bán sữa tươi và các sản phẩm chế biến từ sữa. Từ khi ra thị trường đến nay, tôi không làm nhãn hàng hay đăng ký thương hiệu riêng. Sản phẩm chế biến ra luôn được bán tại cửa hàng của gia đình và người mua tìm đến vì tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Có đợt tôi hết hàng, họ sẵn sàng chờ chứ không mua ở bên ngoài. Tôi có không ít khách quen gắn bó suốt vài chục năm qua.
Theo ông, sản phẩm thủ công có phải là sản phẩm số lượng ít, đắt đỏ như mọi người vẫn nghĩ?
- Tốc độ đô thị hóa đang lan nhanh, tôi cho thu hẹp bớt quy mô sản xuất của trang trại, chỉ còn diện tích 5 hécta với đàn bò khoảng 60 con. Hai người con tôi cũng có trang trại nuôi bò riêng, nhưng đều giữ ở quy mô trang trại nhỏ vừa với sức sản xuất của gia đình. Tuy sản xuất thủ công tỉ mỉ thì không thể ra sản phẩm đại trà với sản lượng lớn được, nhưng tôi luôn giữ quan điểm sản phẩm của mình phải ổn định ở mức giá phổ thông để mọi người đều có thể sử dụng.
Những ngày đầu, sản phẩm của tôi làm ra chủ yếu tiêu thụ tại địa phương. Người tiêu dùng của tôi ở nông thôn nên để họ mua được sản phẩm thì không thể là hàng giá cao được. Khi các đoàn khách du lịch biết tiếng ghé mua, tôi vẫn bán với giá như cho người địa phương vì tôi muốn sản phẩm của trang trại được nhiều người biết tiếng và gắn bó bằng lòng tin tưởng. Tôi tăng lợi nhuận ở việc đầu tư quy trình khép kín từ chăn nuôi đến chế biến, tiêu thụ; trong cải tiến quy trình sản xuất để có chi phí đầu vào rẻ nhất.
Ông quan niệm như thế nào là người nông dân giỏi trong thời kỳ hội nhập?
- Theo tôi, làm nông dân thời kỳ hội nhập này khó hơn xưa rất nhiều. Họ không thể làm theo tập quán cũ mà phải học rất nhiều để có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực của mình. Ngoài ra, nông dân cũng phải có kiến thức về quản lý, về thị trường. Họ phải nghĩ rằng con cá, con gà mình nuôi bây giờ không chỉ bán tại chỗ mà sẽ được đưa đi các nước. Và muốn cạnh tranh được, sản phẩm không chỉ đạt yêu cầu về chất lượng, mẫu mã mà yếu tố giá thành cũng mang tính quyết định.
Xin cảm ơn ông!
Với quan niệm còn sức là còn làm việc và đóng góp cho cộng đồng, ông Lâm Quang Trí luôn tích cực tham gia các phong trào khuyến học; hỗ trợ con giống bò sữa cho hộ nghèo; góp tiền xây dựng nông thôn mới... Ông đã vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có nhiều thành tích trong công cuộc góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; kỷ niệm chương của Bộ Khoa học - công nghệ vì sự nghiệp khoa học - công nghệ... |
Bình Nguyên (thực hiện)