Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11, ông Viên Hồng Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh có buổi trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai .
“Ngày 27-7, Bộ Tư pháp có văn bản số 2496/BTP-PBGDPL hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt Ngày Pháp luật Việt Nam) năm 2016. Theo đó, chủ đề trên phạm vi cả nước năm nay là “Nâng cao năng lực xây dựng, thực thi pháp luật; giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh; phát huy dân chủ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” - ông Viên Hồng Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, cho biết như thế trong buổi trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai nhân Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11. Ông cho biết:
Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến chủ trì hội nghị triển khai đề án “Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 đến toàn ngành tư pháp. |
- Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Bộ Tư pháp về việc tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật bằng những hoạt động, việc làm cụ thể, thường xuyên nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện và bền vững trong ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành hiến pháp và pháp luật với một chuỗi các hoạt động hưởng ứng. Các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, các địa phương đều có kế hoạch cụ thể.
Vậy mọi người dân, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị nên hiểu, triển khai và hành động như thế nào mới đúng ý nghĩa, mục đích của Ngày Pháp luật Việt Nam, thưa ông?
- Việc triển khai các nội dung hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam đã cung cấp cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân những thông tin pháp luật quan trọng, thông qua đó giáo dục tinh thần sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của Ngày Pháp luật của người dân, ý thức chấp hành, thượng tôn pháp luật và tầm quan trọng của pháp luật trong đời sống xã hội.
Đối với Đồng Nai, việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật trong thời gian qua mang đến những hiệu quả quan trọng, như: đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng với tinh thần tích cực của hầu hết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật thực sự coi Ngày Pháp luật như là một ngày để tôn vinh nghề nghiệp của mình; góp phần hình thành ý thức tự nghiên cứu, học tập, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cũng như phục vụ thiết thực cho công tác chuyên môn, đáp ứng triển khai các nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương.
Hiện còn nhiều người chưa hiểu như thế nào là Ngày Pháp luật và Ngày Pháp luật Việt Nam, xin ông nói rõ hơn vấn đề này?
- Một điểm đáng quan tâm đó là phân biệt giữa sinh hoạt Ngày Pháp luật và Ngày Pháp luật Việt Nam. Điều 8, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 có quy định ngày 9-11 hàng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam. Theo quy định của pháp luật thì chỉ có một Ngày Pháp luật là ngày 9-11 mà thôi. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay cần được tổ chức trong cả năm bảo đảm tính thường xuyên, liên tục và tập trung trong 2 tháng, bắt đầu từ ngày 1-10 đến hết ngày 30-11; cao điểm trong tuần lễ từ ngày 7-11 đến ngày 12-11.
Đối với sinh hoạt Ngày Pháp luật, đây là một loại hình sinh hoạt chính trị - pháp lý có thể được tổ chức dưới nhiều hình thức, như: tổ chức học tập, quán triệt văn bản pháp luật; sưu tầm tài liệu pháp luật để tự nghiên cứu; tổ chức tọa đàm, giao lưu, trao đổi, thảo luận về các nội dung pháp luật. Thời gian tổ chức sinh hoạt ngày pháp luật theo định kỳ mỗi tháng một lần.
Ông gửi thông điệp gì trong Ngày Pháp luật Việt Nam?
- Tôi tin rằng, việc tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng, trên phạm vi cả nước nói chung sẽ góp phần làm cho tinh thần thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hoạt động của mỗi người dân, mọi tổ chức và toàn xã hội. Khi đó, lối sống thực hành theo pháp luật trở thành thói quen ứng xử của mỗi người ở mọi lúc, mọi nơi.
Xin cảm ơn ông!
Đoàn Phú (thực hiện)