Từ năm 2010 đến nay, nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu thường xuyên về thăm Chiến khu Đ. Đồng chí Lê Khả Phiêu nhận định Đồng Nai đã có những bước đi bảo tồn và phát huy rất tốt giá trị của Chiến khu Đ trong thời kỳ mới.
Từ năm 2010 đến nay, nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu thường xuyên về thăm Chiến khu Đ. Đồng chí Lê Khả Phiêu nhận định Đồng Nai đã có những bước đi bảo tồn và phát huy rất tốt giá trị của Chiến khu Đ trong thời kỳ mới.
Cũng theo nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu, chính nhờ vào việc bảo tồn và phát huy tốt giá trị văn hóa, lịch sử mà ngày nay Chiến khu Đ được cả nước biết đến, rất nhiều đoàn tìm đến tham quan, sinh hoạt về nguồn.
* Bài học lịch sử còn mãi
Đã có rất nhiều nhận định của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như tài liệu lịch sử nói về ý nghĩa lịch sử, tầm quan trọng của căn cứ cách mạng Chiến khu Đ trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đánh giá của cá nhân đồng chí ra sao?
- Theo tôi, việc lựa chọn Chiến khu Đ làm căn cứ chứng tỏ tầm nhìn của các vị lãnh đạo cách mạng trong thời điểm lúc bấy giờ là rất sáng suốt. Tại Chiến khu Đ, ta có đủ các điều kiện thuận lợi: dựa vào địa hình thiên nhiên để bố trí trận địa xen kẽ giữa ta với địch, xây dựng căn cứ vững chắc để phát triển lực lượng cách mạng ngày một lớn mạnh; bám dân để làm cách mạng lâu dài; có sự liên lạc thông suốt với những vùng căn cứ cách mạng lân cận... Điều này được thể hiện rất rõ qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Có phải chính vì biết kết hợp sức mạnh toàn dân, dựa vào địa hình thiên nhiên đã giúp Chiến khu Đ đứng vững và phát triển lớn mạnh, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam trước kẻ thù hùng mạnh hơn gấp nhiều lần không, thưa đồng chí?
- Có thể nói, chính vì biết kết hợp giữa địa hình thiên nhiên và lòng dân mà chúng ta với vũ khí thô sơ, quân ít hơn nhiều lần so với địch, nhất là khi Mỹ tăng cường đổ quân ồ ạt vào miền Nam năm 1965, nhưng ta vẫn đánh thắng kẻ thù. Từ đó, có thể thấy không phải lắm đạn nhiều súng, quân đông là thắng. Như quân Mỹ đã từng thừa nhận dù có trên 50 vạn quân cùng vũ khí trang bị tối tân nhưng vẫn không khuất phục được ta. Do đó, nếu ta biết kết hợp địa hình thiên nhiên theo như nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, xây dựng được thế trận lòng dân, toàn dân đánh giặc thì dù quân ít, vũ khí thô sơ ta đều có thể chủ động căng địch ra mà đánh và giành chiến thắng như lịch sử đã ghi nhận. Đây là bài học lịch sử lớn nhất mà Chiến khu Đ để lại cho các thế hệ.
* Giữ gìn cho thế hệ mai sau
Đồng chí đánh giá như thế nào về công tác bảo tồn di tích cách mạng Chiến khu Đ được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai thực hiện trong thời gian vừa qua?
- Sau năm 1975, Đồng Nai là số ít địa phương trong cả nước đã thực hiện nghiêm lệnh đóng cửa rừng từ rất sớm. Tôi đánh giá cao việc làm này của lãnh đạo tỉnh. Điều đó cho thấy tầm nhìn về bảo vệ môi trường, bảo vệ căn cứ cách mạng xưa của tỉnh Đồng Nai đã có từ rất sớm, và nhờ đó mà chúng ta mới giữ gìn được căn cứ cách mạng Chiến khu Đ như ngày hôm nay.
Không chỉ bảo tồn, giữ gìn nguyên vẹn căn cứ mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai còn tiến hành thực hiện xây dựng, trùng tu nhiều hạng mục khác nhau tại di tích cách mạng này; đặc biệt là đã hình thành, xây dựng được Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai - đơn vị trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động chăm sóc di tích.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trồng cây lưu niệm trong dịp về thăm Chiến khu Đ tháng 11-2016. |
Đã nhiều lần đến với căn cứ cách mạng Chiến khu Đ, đồng chí có lưu ý gì cho Đồng Nai trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích này?
- Trong kháng chiến dù gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng chúng ta vẫn giữ được Chiến khu Đ. Do vậy, trong hoàn cảnh có nhiều điều kiện thuận lợi như hiện nay, Đồng Nai cần tiếp tục giữ toàn vẹn, xây dựng và khai thác, phát huy giá trị di tích cách mạng này. Những đề án chúng ta đã và đang làm để bảo tồn, xây dựng phát triển được tỉnh thực hiện trong thời gian vừa qua, tôi cho rằng đang đem lại kết quả rất tốt. Trong mỗi chuyến thăm, tôi đã nhìn thấy vẫn còn đó rất nhiều thú rừng có giá trị, thực vật rừng còn bạt ngàn.
Nhưng giữ gìn tốt thôi chưa đủ. Chúng ta thấy chiến khu cách mạng đẹp thì không chỉ cứ ngồi đó mà khoe nơi này đẹp lắm, quan trọng lắm mà cần phải hiểu rõ được ý nghĩa về văn hóa, lịch sử... của Chiến khu Đ. Để từ đó tham gia tuyên truyền làm sao cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ hiểu được ý nghĩa của vùng đất này trong chiến tranh và tìm đến sinh hoạt tại nơi này.
Nếu giữ gìn và phát huy tốt thì lợi thế của Chiến khu Đ trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Vĩnh Cửu nói riêng, Đồng Nai nói chung là gì, thưa đồng chí?
- Huyện Vĩnh Cửu hiện nay còn nằm ở tốp sau về mức phát triển kinh tế - xã hội trong số những địa phương của Đồng Nai. Việc này tôi cũng đã có trao đổi với lãnh đạo địa phương. Tôi mong rằng với việc giữ gìn tốt, cộng với phát huy thế mạnh cơ ngơi hiện có (Chiến khu Đ) bên cạnh các điều kiện khác, huyện Vĩnh Cửu sẽ tận dụng tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời gian tới để vươn lên thành một trong những địa phương phát triển trong tốp đầu, góp phần đưa Đồng Nai tiếp tục đi lên.
Xin cảm ơn đồng chí!
Văn Truyên (thực hiện)