Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Ca Lê Hồng là con gái của nhà trí thức yêu nước nổi tiếng Ca Văn Thỉnh, người từng được mời giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Chính phủ kháng chiến vào năm 1946, rồi làm trong ngành ngoại giao với vai trò tổng lãnh sự, làm Viện trưởng Viện Sử học Nam bộ.
Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Ca Lê Hồng là con gái của nhà trí thức yêu nước nổi tiếng Ca Văn Thỉnh, người từng được mời giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Chính phủ kháng chiến vào năm 1946, rồi làm trong ngành ngoại giao với vai trò tổng lãnh sự, làm Viện trưởng Viện Sử học Nam bộ. Anh chị em của bà hầu như đều tham gia hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ và đều nổi danh, như: GS.TS - nhạc sĩ Ca Lê Thuần, nhà thơ - liệt sĩ Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), họa sĩ Ca Lê Thắng. Cả 4 anh em bà dù mỗi người một lĩnh vực, nhưng đều gắn bó với nghề giáo, giảng dạy tại nhiều nơi: Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh, Trường đại học tổng hợp Hà Nội, Trường đại học mỹ thuật Hà Nội…
Cách sống thanh bạch, mô phạm, giản dị trong gia đình từ khi bà còn nhỏ lại là yếu tố ảnh hưởng đến bà cùng các anh chị em nhiều nhất. Bà nói, sống, làm việc và cống hiến đối với các anh chị em trong gia đình là điều hoàn toàn bình thường. Có lẽ một phần là do được thừa hưởng từ người cha đặc biệt - người cha bằng chính cuộc đời mình, đã luôn dạy các con rằng sống “trước vì mọi người, sau mới vì mình” và rằng “dấn thân là chuyện hết sức tự nhiên, không có gì đặc biệt”.
* Học như ong mật tìm hoa
Bà sinh trưởng trong một gia đình khá đặc biệt. Vậy bà thừa hưởng điều gì quan trọng nhất từ người cha - một nhà trí thức yêu nước nổi tiếng của Nam bộ?
- Gia đình tôi chỉ có tôi và chị tôi là nữ, nên ban đầu ba tôi muốn tôi trở thành một nữ giáo viên. Nhưng rồi cuộc sống dẫn dắt tôi đi theo hướng khác. Năm 1954, tôi tập kết ra Bắc và trở thành diễn viên múa, nhưng rồi lại gắn bó với kịch nói và cải lương từ năm 1960. Năm 1967, tôi đi học ngành sân khấu ở Nga, sau đó về làm quản lý, rồi giảng dạy, đảm nhận thêm vai trò đạo diễn và diễn viên khi có dịp. Ba tôi có cái hay là không bao giờ áp đặt con cái, chỉ yêu cầu chúng tôi làm điều đúng đắn và phải đóng góp điều đúng đắn đó cho đời sống, cho đất nước. Có lẽ vì vậy mà các anh chị em tôi dù mỗi người một việc, nhưng vẫn cố gắng làm việc đến khi sức khỏe cho phép. Ca Lê Thắng vẫn vẽ tranh, anh Thuần vẫn sáng tác và giảng dạy đến khi ngã bệnh gần đây, anh Hiến thì hy sinh quá sớm khi tôi vẫn còn học ở Nga, và trong mắt tôi anh luôn là người đầy nhiệt huyết cống hiến. Ba tôi từng viết mấy câu thơ, đại loại: “Sống như anh Hiến, học như ong mật tìm hoa ngày ngày” để nhắc bản thân và con cái luôn chọn lẽ sống nghiêng về lao động và học tập.
Gắn bó gần 60 năm với sân khấu truyền thống trong nhiều vai trò, góc nhìn của bà thế nào về việc giữ gìn và phát triển các môn nghệ thuật sân khấu hiện nay?
- Sân khấu truyền thống đã bộc lộ nhiều khó khăn trong tồn tại và phát triển. Nếu so sánh giữa chèo (phía Bắc) với tuồng (miền Trung) và cải lương (miền Nam) thì tuồng là bộ môn khá thiệt thòi khi chỉ được bảo tồn ở chừng mực nhất định. Chèo và cải lương còn được đầu tư nhiều hơn một chút, TP.Hồ Chí Minh còn có nhà hát dành cho hát bội. Tuy nhiên, nhìn chung thì sân khấu truyền thống gặp nhiều khó khăn trong việc tồn tại, phát triển.
Về nguyên nhân thì nhiều, khách quan thì tôi nghĩ do khi xã hội phát triển, phương tiện và hình thức giải trí nhiều thêm, khán giả thích ở nhà coi ca nhạc, truyền hình thực tế, gameshow, phim… hơn là đến rạp hát. Về chủ quan, nghệ thuật truyền thống đang cũ mòn dần đi, thiếu đột phá và thiếu sinh động từ khâu kịch bản đến khâu diễn xuất.
Dựa trên những nhận xét đó, bà có nghĩ sân khấu truyền thống đang thiếu đất tồn tại?
- Tôi nghĩ khán giả vẫn đang mở ra cho sân khấu nhiều cơ hội mới mà trước đây chúng tôi không có được. Rạp hát tư nhân, các kênh truyền thông và mạng xã hội cũng kéo gần khán giả với người nghệ sĩ hơn, giúp chúng tôi nắm bắt nhu cầu và đánh giá của họ dễ dàng hơn. Thực tế nhiều sân khấu kịch, nhiều vở kịch được đầu tư công phu vẫn kéo khán giả đến xem kín rạp. Vậy nên về sâu xa tôi vẫn cho là sân khấu cần thay đổi, phát triển nội lực mạnh hơn nữa để thu hút người xem và có chỗ đứng trên thị trường.
Yếu tố nào cần “sửa” đầu tiên, xét trên yếu tố con người, để sân khấu phát triển mạnh hơn?
- Tư duy “mì ăn liền” trong hoạt động nghề nghiệp. Kinh nghiệm và những gì thu nhận được trong suốt 60 năm theo dõi, quan sát sân khấu cho tôi kết luận là khó có thứ gì nhanh chóng mà bền vững cả. Diễn viên, biên kịch hay đạo diễn không tự nhiên mà thành danh, giỏi giang, họ cần được đào tạo bài bản và không ngừng học tập trong nghề. Những người thành công trong lĩnh vực sân khấu luôn là những người chú tâm nhiều nhất vào chuyện rèn luyện bản thân. Gần đây lớp diễn viên trẻ, đạo diễn, biên kịch trẻ thường bị thu hút vào các chương trình giải trí truyền hình bởi sự nhanh, gọn, không tốn quá nhiều công sức, lại nổi tiếng nhanh. Tôi không phủ nhận sức hút đó vô cùng lớn, nhưng cái gì cũng có giá của chúng. Nếu muốn giỏi nghề, theo nghề lâu dài và có bản lĩnh vững vàng thì phải chọn một con đường nghiêm túc.
* Giữ sự thanh xuân trong nghệ thuật
Là một nhà giáo, bà suy nghĩ gì về lớp diễn viên, biên kịch, đạo diễn trẻ hiện nay - những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu?
- Những gì cần khen, tôi khen. Đó là sắc vóc, tài năng và điều kiện học hành của các em rất tốt. Nhưng tôi muốn các em tốt hơn nên chỉ muốn nhắc là nếu ngừng học, ngừng rèn luyện nghiêm túc thì sẽ rất chóng tàn. Tôi vẫn nhắc các em phải chịu khó đọc, chịu khó tìm hiểu và sửa mình mỗi ngày, để mình không bị cuốn vào vòng xoáy của sự nổi tiếng nhanh chóng, của sự xao nhãng nghề nghiệp khi đài nọ mời đóng phim, công ty kia mời tham gia gameshow, đóng quảng cáo… Các em có thể “lấy ngắn nuôi dài” vì ai cũng phải sống, nhưng nếu xa rời mục đích ban đầu thì coi như thất bại.
Nhưng không phải sự nổi tiếng sớm nào cũng mang ý nghĩa tiêu cực?
- Đúng. Có nhiều người nổi tiếng rất sớm vì tài năng thực thụ mà họ có, như Đặng Thái Sơn chẳng hạn. Nhưng sau sự nổi tiếng đó là gì? Chúng ta sẽ không có một tên tuổi Đặng Thái Sơn như hôm nay nếu sau khi nổi tiếng, ông ngừng mọi nỗ lực học tập. Đó mới là điều tôi muốn nói, nghề nào cũng cần có thời gian “chín”. Tôi mong các em giữ được đam mê, giữ được ngọn lửa học tập và rèn luyện ngay khi đã nổi tiếng, đã có tên tuổi.
Bà trăn trở điều gì nhất sau gần 60 năm hoạt động và giảng dạy về sân khấu?
- May mắn lớn nhất của tôi là cho đến tuổi này, tôi vẫn giữ được sự thanh xuân của ngày nào trong tư duy nghệ thuật. Tôi luôn nhắc mình từ bỏ tính bảo thủ, thụt lùi và tiếp nhận những cách làm mới, những giá trị mới. Cùng các em, tôi mong muốn tìm tòi những cách thể hiện mới cho sân khấu, hướng đến những giá trị cốt lõi và cơ bản nhất của một tác phẩm: lý tưởng, sự hướng thiện, lòng tự trọng, sự trung thực, tình yêu… chứ không phải làm nên một tác phẩm chỉ để khán giả đến cười một trận rồi thôi, mặc dù tiếng cười đó cũng không kém phần quan trọng.
Xin cảm ơn bà!
NSƯT Ca Lê Hồng sinh tại Bến Tre, tập kết ra Bắc vào năm 1954. Ban đầu, bà đến với nghệ thuật biểu diễn trong vai trò một ca sĩ và nghệ sĩ múa. Sau khi thành lập Đoàn cải lương Nam Bộ, bà đã được tăng cường về làm diễn viên ca kịch và đã từng xuất hiện trong một số vở cải lương của đoàn, như: Dệt gấm, Võ Thị Sáu, Tình ca mùa xuân... Sau đó, bà theo học đạo diễn tại Liên Xô. Tốt nghiệp xong, bà về công tác tại Trường đại học sân khấu Việt Nam tại Hà Nội. Sau năm 1975, bà trở về miền Nam làm hiệu phó, rồi hiệu trưởng Trường nghệ thuật sân khấu 2, tiền thân của Trường cao đẳng sân khấu - điện ảnh TP.Hồ Chí Minh. Hiện bà là Phó tổng thư ký Hội Sân khấu TP.Hồ Chí Minh. |
Kim Ngân (thực hiện)