Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn: Tôi trưởng thành từ mong muốn hát cho nguồn cội, cho hòa bình

10:12, 16/12/2016

Tự nhận mình không phải là một nhạc sĩ được học hành bài bản ngay từ đầu vì hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc, song nhạc sĩ Trần Long Ẩn luôn là một cái tên được nhắc đến đầy trân trọng trong giới nhạc sĩ với những tác phẩm vượt thời gian: Một đời người, một rừng cây, Đêm thành phố đầy sao, Xin làm người hát rong, Tình đất đỏ miền Đông...

Tự nhận mình không phải là một nhạc sĩ được học hành bài bản ngay từ đầu vì hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc, song nhạc sĩ Trần Long Ẩn luôn là một cái tên được nhắc đến đầy trân trọng trong giới nhạc sĩ với những tác phẩm vượt thời gian: Một đời người, một rừng cây, Đêm thành phố đầy sao, Xin làm người hát rong, Tình đất đỏ miền Đông... Sinh năm 1944 tại Bình Định, những gì truyền cảm hứng âm nhạc ban đầu cho ông đơn giản chỉ là chiếc radio 4 băng mẹ ông tặng nhân dịp ông tốt nghiệp tú tài cùng những bài học nhạc lý đơn giản ở gần nhà. Chỉ từ sau năm 1974, ông mới được ra Hà Nội, học tại Trường âm nhạc Việt Nam và sau này tu nghiệp sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Ông chia sẻ, mình là một trong những nhạc sĩ may mắn xét về góc độ nghề nghiệp, bởi được lớn lên trong phong trào sinh viên Việt Nam những năm trước giải phóng ở Sài Gòn, như: phong trào Du ca Việt Nam, phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe. Những bài hát của ông thời kỳ đó, như: Người mẹ Bàn Cờ, Người cha bến tàu, Đi về mới có hoa lục bình, Chim gọi đàn chim tung cánh trắng... đã được sinh viên Sài Gòn hát khắp các diễn đàn. Cho đến nay đã ngoài 70 tuổi, ông vẫn miệt mài giảng dạy, sáng tác và giữ cương vị Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ở ông dường như ngọn lửa ngày nào ở một chàng nhạc sĩ trẻ trưởng thành từ các phong trào sinh viên chưa bao giờ tắt.

* Sáng tác bằng trái tim máu lửa

 Những ngày hừng hực lửa, sục sôi xuống đường đấu tranh và sáng tác trong các phong trào sinh viên, học sinh có những tác động gì đến ông và những sáng tác của ông?

- Sức trẻ trung hay chất lửa cho đến ngày nay, nếu còn tồn tại trong tôi, thì tôi nghĩ một phần cũng nhờ tuổi trẻ hào hùng của một thời sinh viên đấu tranh cho hòa bình và độc lập mà thế hệ chúng tôi từng trải qua. Những năm 1960 - 1970, phong trào sinh viên đấu tranh cho giải phóng khắp miền Nam rất phong phú với nhiều hình thức, được nhiều người tham gia. Đó là thời điểm tôi học Đại học Văn khoa Sài Gòn, và không chỉ riêng tôi mà rất, rất nhiều sinh viên, học sinh miền Nam cũng sục sôi xuống đường đấu tranh. Là một sinh viên thời chiến, thực ra anh em chúng tôi chỉ có chút đỉnh năng khiếu âm nhạc vì chưa được học hành bài bản về sáng tác. Nhưng nhờ chất lửa từ các phong trào đấu tranh của anh em bè bạn, chúng tôi nuôi dưỡng được những ý tưởng sáng tác và các tác phẩm ra đời, tự nhiên như hơi thở.

 Ông tự nhận mình không phải nhà nhạc sĩ được học hành bài bản từ đầu. Vậy nhìn lại những sáng tác ban đầu của mình, ông cảm nhận thế nào?

- Khi đã có sáng tác trong phong trào, anh chị em hát, khen ngợi rồi động viên chúng tôi tiếp tục. Như có ngọn lửa cháy trong tim, thời đó không chỉ riêng tôi mà các anh chị em nhạc sĩ khác sống trong các phong trào sinh viên cũng nhận được nguồn động viên to lớn đó, nhờ vậy mà các sáng tác ra đời khá nhiều trong thời gian này. Với tôi, đó là những bài hát dù sau này nhìn nhận lại có đôi chút chưa hài lòng về ca từ hay tiết tấu, thì vẫn là những tác phẩm đặc biệt không bao giờ mờ phai trong tâm trí tôi.

 Nói vậy, ông thuộc lớp nhạc sĩ “may mắn” hơn nhờ sống trong một môi trường có tính thúc đẩy lớn để cho ra những sáng tác đi vào lòng người, hơn hẳn những nhạc sĩ thời nay?

- Đúng là riêng với lớp chúng tôi, “sống là chiến đấu”, chúng tôi không biết ngày nào, giờ nào mình sẽ hy sinh nên bao nhiêu chất lửa, chất trẻ đều dồn hết cho học hành, sáng tác, đấu tranh… Chúng tôi cũng không có thời gian tự vấn mình quá nhiều, chỉ tự nhủ phải “sống” trước đã.

Với tôi, mỗi thời đều có những thuận lợi và thách thức khác nhau; với người nghệ sĩ, có thể tác động của thời thế sẽ cho ra những tác phẩm khác nhau. Thời chúng tôi, các phong trào đấu tranh máu lửa đã thôi thúc chúng tôi không ít để có những tác phẩm cách mạng có sức sống. Nhưng những thiệt thòi cũng có, ví như dù rất mong muốn được học hành bài bản về sáng tác, nhưng điều kiện khó khăn nên mãi sau này tôi mới được các anh, các chú cử ra Hà Nội học thêm, bồi dưỡng sáng tác âm nhạc cùng với các anh, như: Lê Duy Hạnh, Trương Quốc Khánh, Tôn Thất Lập... và một số các anh chị nữa. Lúc đó, chúng tôi mới chính thức được học hành bài bản về sáng tác. Nhìn lại, tôi vẫn thấy tự hào.

 Ngày nay, ông nhìn nhận thế nào về sự đón nhận giới trẻ với âm nhạc cách mạng?

- Lớp trẻ cũng được phân thành nhiều dạng. Những em, cháu có điều kiện học hành bài bản ở nhạc viện chẳng hạn, thì sẽ hiểu và tiếp thu được âm nhạc chính thống nhiều hơn, hoặc các em lớn lên trong một môi trường có chất cách mạng thì sẽ dễ tiếp thu âm nhạc cách mạng hơn, yêu thích và trân trọng hơn đối với nhạc cách mạng. Còn các em tiếp xúc với nhạc ngoại, nhạc trẻ… nhiều hơn thì sẽ có cách thưởng thức riêng khác. Tuy nhiên, với những ca khúc đã chạm vào trái tim người nghe, chạm được những giá trị cốt lõi, như: lòng hướng thiện, tình yêu thương, trách nhiệm làm người… thì tôi tin chúng sẽ dễ dàng được yêu mến và cảm nhận.

* Tôi tin vào lớp trẻ

 Trong mắt ông, năng lực sáng tác của lớp nhạc sĩ trẻ ngày nay ra sao?

- Âm nhạc hiện tại cũng có nhiều dạng. Thời chúng tôi, điều kiện học hành khó khăn và để được học, chúng tôi phải phấn đấu rất nhiều. Các em ngày nay hơn thế hệ chúng tôi chỗ này, bởi các em chỉ cần muốn học là đã có rất nhiều nơi để học với trường lớp, giáo viên đàng hoàng. Vậy nên tôi thấy nhiều nhạc sĩ trẻ hiện nay rất giỏi, giỏi lắm so với thời chúng tôi bập bõm vào nghề sáng tác. Nhiều em tiếp thu được ngôn ngữ, xu hướng âm nhạc của thời đại, thế giới, cộng với ngôn ngữ và văn hóa dân tộc nên đã có những sáng tác được đánh giá rất cao. Còn những sáng tác chưa tốt, còn non nớt, ngây ngô hoặc chỉ đáp ứng được thị hiếu nhất thời của một nhóm thính giả nào đó nhất định cũng có, nhưng tôi thấy không phải là tất cả, do đó không thể đánh đồng.

 Mặc dù vậy, âm nhạc thiên về giải trí, âm nhạc thị trường như cách gọi của nhiều người cũng đang khiến những người am hiểu âm nhạc lo lắng. Theo ông, khán thính giả hay nghệ sĩ có lỗi ở điều này?

- Cũng có nhiều dạng công chúng: công chúng hưởng thụ âm nhạc dân tộc hay âm nhạc hiện đại, công chúng am tường âm nhạc và công chúng chỉ nghe để giải trí... Vậy nên công chúng dạng nào thì có những nghệ sĩ đáp ứng cho họ theo cách đó. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hiện tại âm nhạc chỉ thiên về giải trí nhất thời đang khá phổ biến, khán thính giả đi “xem” nhạc nhiều hơn là “nghe” nhạc, “coi” ca sĩ nhiều hơn là nghe ca sĩ. Điều này tạo thành thói quen và lỗi nằm ở xã hội. Chúng ta không đổ lỗi cho cá nhân hay tập thể nào cụ thể được. Về góc độ nào đó, phải chấp nhận điều này. Còn việc đào tạo thẩm mỹ cho công chúng, tôi nghĩ điều này không thuộc trách nhiệm của riêng ai cả. Nó là một hệ thống từ nhỏ đến lớn, từ nhà trường đến xã hội và phải được điều chỉnh bằng những chính sách có tầm nhìn lâu dài mà những người làm công tác quản lý phải suy nghĩ.

 Ở cương vị Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông có kỳ vọng vào lớp nhạc sĩ trẻ sau này?

- Tôi kỳ vọng nhiều. Cũng như tuổi trẻ của chúng tôi may mắn được trưởng thành từ các phong trào sinh viên, hát cho Tổ quốc, cho hòa bình, cho nguồn cội và cũng trưởng thành từ đó. Tôi không nghĩ lớp trẻ sau này không yêu nước, mà chỉ là do hoàn cảnh đất nước thay đổi, tình yêu đó không sục sôi trước mắt, mà nhẹ nhàng, tinh tế, kín đáo hơn và vẫn có thể trở thành chất liệu sáng tác cho người nghệ sĩ. Đừng đòi hỏi thời này phải như thời trước với những mục đích và tiêu chí giống nhau, vì nhiệm vụ mỗi thời mỗi khác. Cần tôn trọng tự do hưởng thụ nghệ thuật, tự do sáng tác của công chúng và nghệ sĩ, song cũng cần có những đào tạo và định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Cân bằng điều này không dễ với bất kỳ ai, cả nghệ sĩ lẫn nhà quản lý, và đó cũng là một trong những thách thức của nghệ thuật thời nay, không riêng gì âm nhạc.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 

Tin xem nhiều