Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Peter Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài: Kiên nhẫn sẽ giúp doanh nghiệp thành công

10:01, 20/01/2017

Năm 1977, ông Peter Hồng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam đã rời TP.Biên Hòa sang Úc định cư. Những năm tháng xa quê, ông luôn chăm chỉ học tập và làm việc với nỗi đau đáu trong lòng là sẽ có một ngày trở về quê hương làm cầu nối để các kiều bào đầu tư về nước.

Năm 1977, ông Peter Hồng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam đã rời TP.Biên Hòa sang Úc định cư. Những năm tháng xa quê, ông luôn chăm chỉ học tập và làm việc với nỗi đau đáu trong lòng là sẽ có một ngày trở về quê hương làm cầu nối để các kiều bào đầu tư về nước. Theo ông, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp doanh nghiệp (DN) thành công là tính kiên nhẫn và quyết tâm.

ông Peter Hồng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam. Ảnh: H.GIANG
ông Peter Hồng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam. Ảnh: H.GIANG

Theo Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, hiện Việt Nam có khoảng 4,5 triệu người dân đang sinh sống ở các quốc gia trên thế giới. Trong số đó, có những kiều bào đã thành lập DN sản xuất, kinh doanh tương đối tốt. Tính đến đầu năm 2017, đã có khoảng 7 ngàn DN Việt kiều ở 53 quốc gia, vùng lãnh thổ   trên thế giới.

Muốn về quê hương đầu tư

 Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài hiện có bao nhiêu DN tham gia và tập trung ở những quốc gia, vùng lãnh thổ nào?

- Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài được thành lập từ năm 2010, hiện có hơn 300 DN Việt Nam ở 53 quốc gia, vùng lãnh thổ  tham gia. Những quốc gia có nhiều kiều bào Việt Nam thành lập DN là: Hoa Kỳ, Úc, Canada và số đông hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp, tài chính ngân hàng, môi trường, công nghệ thông tin. Hiệp hội đã thành lập được khoảng 28 chi hội tại 28 quốc gia. Dự tính đến năm 2020, sẽ có 53 chi hội tại 53 quốc gia, vùng lãnh thổ có kiều bào Việt Nam thành lập DN và phát triển số hội viên của hiệp hội lên khoảng 1 ngàn DN.

 Gắn bó với hiệp hội ngay từ khi mới hình thành, ông có thể đánh giá sơ về hoạt động của DN Việt Nam ở nước ngoài có những thuận lợi, khó khăn gì?

- Mỗi quốc gia đều có những đặc thù riêng, nhưng nhiều người Việt sau khi sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài đã rất thành đạt. Điều đó được thể hiện qua con số hơn 7 ngàn DN Việt kiều được thành lập ở nhiều quốc gia và khá thành công. Thế nhưng con đường đi đến thành công của  DN Việt Nam ở nước ngoài cũng phải trải qua không ít chông gai, có những DN Việt phải vất vả nhiều năm mới gặt hái được quả ngọt. Tuy nhiên, DN Việt kiều ở nước ngoài cũng có thuận lợi là luật pháp của các nước quy định rất rõ ràng và luôn có trước nên mọi hoạt động đều căn cứ vào luật để làm. Việc thành lập DN ở nước ngoài nhanh, thủ tục đơn giản dễ dàng, tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi thấp. Tôi đã từng gặp gỡ, trao đổi với nhiều DN Việt kiều có tên tuổi ở những nước họ đang sinh sống và họ đều có chung một mong ước là sẽ mở rộng đầu tư về Việt Nam. Bởi quê hương, đất nước luôn là một điều rất thiêng liêng trong trái tim của các kiều bào.

 Cũng vì tiếng gọi của quê hương mà ông từng là một người thành đạt ở Úc đã trở về Việt Nam?

- Tôi cũng như kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài đều có mong ước mình sẽ làm được điều gì đó cho quê hương và đất nước. Do đó, năm 1992 tôi đã về Việt Nam tham gia các dự án của Chính phủ Úc đầu tư tại Việt Nam. Tuy gia đình nhỏ của tôi vẫn đang sinh sống tại Úc, nhưng mỗi năm tôi chỉ gần họ khoảng hơn 2 tháng, thời gian còn lại tôi về Việt Nam và đi các nước tham gia hoạt động của hiệp hội. Ngoài ra, tôi cũng thành lập một công ty tại Việt Nam hoạt động trên lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tham gia hiệp hội là vì tôi muốn sẽ cùng hiệp hội làm cầu nối hỗ trợ DN Việt kiều đầu tư về Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Hiện đã có hơn 1.200 DN kiều bào đầu tư về nước và những năm tới sẽ còn tăng cao.

 DN Việt kiều muốn đầu tư về nước trên những lĩnh vực nào?

- Có 5 lĩnh vực DN Việt kiều đang muốn đầu tư về nước là: công nghiệp công nghệ cao, các dự án bảo vệ môi trường, tài chính ngân hàng, nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin. Bà con kiều bào luôn hướng về quê hương và đang từng bước tham gia xây dựng đất nước. Năm 2016, kiều bào đã gửi khoảng 13 tỷ USD về nước để giúp đỡ người thân và đầu tư trên các lĩnh vực. Nguồn ngoại tệ của DN kiều bào còn đưa về Việt Nam nhiều hơn nếu Chính phủ tiếp tục có những chính sách giảm bớt thủ tục hành chính, loại bỏ giấy phép con để DN Việt kiều dễ tiếp cận đất đai, xây dựng nhà xưởng, văn phòng... sớm đi vào hoạt động.

Doanh nghiệp nên kiên nhẫn

 Theo ông, bí quyết để thành công của những DN mới thành lập là gì?

- DN mới thành lập có tiềm năng về tài chính, nhân lực tốt cũng cần phải có thêm tính kiên nhẫn và quyết tâm mới thành công được. Tôi từng biết một số DN Việt kiều đang hoạt động khá tốt ở nước ngoài nhưng khi đầu tư về Việt Nam phải mất 7-8 năm tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu mới bắt đầu làm ăn có lãi và được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn sản phẩm. Đơn cử như tôi có một người bạn Việt kiều về nước đầu tư chuỗi cửa hàng bán cà phê, dù có rất nhiều kinh nghiệm và đã thành công ở nước ngoài song khi về nước anh ấy mất 8 năm gầy dựng thương hiệu mới được đón nhận. Sau đó, doanh thu của DN bán cà phê này tại thị trường Việt Nam là 30 triệu USD/năm. Nếu trong khoảng thời gian ấy DN không có sự kiên nhẫn, quyết tâm thì đã thất bại.

 Gần đây, phong trào khởi nghiệp trong nước được nhắc đến nhiều. Ông đánh giá sao về phong trào này?

- Khởi nghiệp là ý tưởng tốt đẹp nhưng phải được sắp xếp đàng hoàng. Cụ thể, người khởi nghiệp phải có dự án bài bản, có người đủ năng lực, kinh nghiệm hướng dẫn để làm đến nơi đến chốn, đem lại kết quả thực sự. Theo tôi, khởi nghiệp không nên chỉ làm theo kiểu phong trào, chung chung như vậy sẽ chẳng khác gì như cái trống gõ vài cái tạo tiếng vang lớn rồi bỏ sẽ không mang lại hiệu quả. Ở nước ngoài, họ cũng có chương trình khởi nghiệp, nhưng các cá nhân phải có dự án trình lên và đến các công ty, tập đoàn lớn xin tài trợ để khởi nghiệp. Khởi nghiệp là việc không dễ dàng, có tập đoàn, công ty lớn đứng sau hỗ trợ sẽ thuận lợi hơn.

 Là người con của Đồng Nai, ông có những tâm nguyện gì muốn đóng góp cho tỉnh?

- Cũng như những kiều bào khác, trong tôi luôn đau đáu suy nghĩ sẽ góp sức để cùng xây dựng quê hương. Tôi mừng nhất là sau nhiều năm xa quê, khi trở về thấy Đồng Nai rất phát triển, luôn là tỉnh đứng trong tốp đầu của cả nước về kinh tế. Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành ở Việt Nam được DN Việt kiều và nước ngoài đánh giá cao về môi trường đầu tư năng động, thoáng và nhiều DN Việt kiều về tỉnh đầu tư đã rất thành công. Trong năm 2017, tôi sẽ cùng hiệp hội tổ chức các hội thảo chuyên ngành tại Đồng Nai để mời gọi kiều bào đầu tư về tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; đặc biệt là sẽ mời gọi những kiều bào trẻ trên lĩnh vực công nghệ thông tin về Đồng Nai đầu tư, làm việc.

 Theo ông, tỉnh Đồng Nai nên có những chính sách gì để mời gọi được nhiều kiều bào về đầu tư?

- Trong 13 tỷ USD kiều bào gửi về nước trong năm qua, thì Đồng Nai chỉ có 370 triệu USD, xếp thứ 12 trong các tỉnh, thành. Đồng Nai là nơi có môi trường đầu tư tốt, tài nguyên phong phú, còn nhiều tiềm năng để phát triển. Vì thế, tỉnh nên có kế hoạch cụ thể và bài bản trong mời gọi kiều bào đóng góp và đầu tư về tỉnh. Đồng Nai là cái nôi đầu tiên trong phát triển công nghiệp của Việt Nam, tôi nghĩ đã đến lúc tỉnh giảm dần công nghiệp gia công chuyển sang làm công nghiệp công nghệ cao để có giá trị gia tăng cao. DN Việt kiều tại nhiều nước đang làm công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh nên có những chính sách để mời gọi đầu tư và hiệp hội sẽ đứng ra làm cầu nối.

 Xin cảm ơn ông!

Thủ tục hành chính rườm rà, kéo dài sẽ khiến Việt Nam mất đi nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư của DN Việt kiều và DN nước ngoài. Ngoài đầu tư về nước, DN Việt kiều còn là những nhà ngoại giao có thể dẫn dắt thêm nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vì họ là những người am hiểu biết về văn hóa, thể chế của các nhà đầu tư.

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều