Báo Đồng Nai điện tử
En

Thành quả từ nông nghiệp không dễ thấy trong một sớm một chiều

10:02, 17/02/2017

Gia đình ông Nguyễn Ngọc Luân đi kinh tế mới tại huyện Cẩm Mỹ từ sau ngày đất nước thống nhất. Ông tốt nghiệp đại học nông lâm ngành nông học, sau đó cùng gia đình định cư ở Đức và "rẽ lối" vào một ngành khác: lọc dầu, nhưng dường như thôi thúc làm nông nghiệp chưa bao giờ "tắt" trong ông.

ông Nguyễn Ngọc Luân.
Ông Nguyễn Ngọc Luân.

Gia đình ông Nguyễn Ngọc Luân đi kinh tế mới tại huyện Cẩm Mỹ từ sau ngày đất nước thống nhất. Ông tốt nghiệp đại học nông lâm ngành nông học, sau đó cùng gia đình định cư ở Đức và “rẽ lối” vào một ngành khác: lọc dầu, nhưng dường như thôi thúc làm nông nghiệp chưa bao giờ “tắt” trong ông.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành lọc dầu ở Cộng hòa liên bang Đức, năm 2005 ông quyết định ngưng một số công việc đang làm tại một số tổ chức quốc tế để về quê ở xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), chính thức bắt tay vào làm nông nghiệp sạch với mong mỏi đem nông sản Đồng Nai xuất ngoại. Ngoài ra, ông còn làm cho một công ty tư vấn về nông nghiệp và năng lượng ở các nước ASEAN. Ông chọn hồ tiêu - loại nông sản đang rất có giá tại Việt Nam, song hầu như chưa có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới, đầu ra vẫn rất bấp bênh. Sau nhiều nỗ lực, những container hồ tiêu đạt chuẩn của Cẩm Mỹ đã có mặt tại thị trường châu Âu.

* Phải thuyết phục nông dân

Trong năm khởi đầu chương trình tiêu an toàn (2014-2015) HTX hồ tiêu Lâm San đã cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu được 100 tấn hồ tiêu an toàn sang Âu châu. Trong năm 2016, HTX liên kết với khoảng 150 nông hộ sản xuất khoảng 200 tấn hồ tiêu an toàn và xuất khẩu sang Đức. Sang năm 2017, HTX sẽ mở rộng dự án liên kết với trên 1 ngàn nông hộ và sản xuất khoảng 1.500 tấn hồ tiêu an toàn.

 Vì sao từ một tiến sĩ hóa dầu, ông lại chọn làm tiêu sạch?

- Cho đến nay, tôi vẫn làm việc tốt theo chuyên môn mà tôi được đào tạo ở Việt Nam và ở Đức. Trước khi du học ở Đức, tôi đã là kỹ sư nông học và là nông dân ở Lâm San. Cả nông nghiệp và công nghiệp đều cần những người có chuyên môn. Ở Việt Nam hiện nay, tôi tìm thấy cơ hội làm việc trong ngành nông nghiệp và năng lượng tái tạo, thay vì làm bên hóa dầu.

Ngay khi theo gia đình hồi hương về nước năm 1992, tôi đã dành thời gian quan sát cách làm của bà con nông dân. Điều dễ nhận thấy là họ chịu khó và cũng hào hứng với cách làm khác, hào hứng với việc xây dựng thương hiệu hồ tiêu sạch cho lâu dài, nhưng bên cạnh đó, cách làm và tư duy vẫn khá hời hợt. Tôi nghĩ đến việc thành lập hợp tác xã (HTX) và đứng ra vận động 30 hộ trồng tiêu ở địa phương thành lập HTX nông nghiệp Lâm San, với diện tích canh tác khoảng 50 hécta.

 Ông nhìn nhận trở ngại nào là lớn nhất trong chất lượng hồ tiêu Việt Nam nói chung?

- Một trong những trở ngại lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam khi xuất đi các thị trường khó tính vẫn là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá chuẩn cho phép. Song, giải quyết chuyện đó đòi hỏi thay đổi cả tập quán sản xuất lâu năm của nông dân. Tôi mong muốn ngành tiêu Việt Nam cạnh tranh được trên thị trường thế giới về chất lượng chứ không phải về số lượng như hiện nay. Chất lượng bao gồm nhiều mặt. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề số một là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu Việt Nam vượt ngưỡng cho phép về mặt an toàn thực phẩm quy định ở châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.

Tôi khuyến khích xã viên trồng tiêu theo phương pháp mới là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng phân hóa học mà chỉ sử dụng phân vi sinh để chăm sóc cây với yêu cầu tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc để giữ cho chất lượng hồ tiêu sạch theo chuẩn quốc tế. Thực tế, nông dân làm được khi họ nhìn thấy lợi ích thu nhập gia  tăng và được hướng dẫn kỹ thuật tốt. Nông dân phải được hướng dẫn trước hết những căn bản nông học về đất, nước và cây trồng để thực hành canh tác tốt (GAP), nhưng không nhất thiết phải cần chứng nhận GlobalGAP, VietGAP. Họ được hướng dẫn biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM). Trồng tiêu sạch thì phải hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nhưng vẫn được phép sử dụng khi cần thiết.

 Làm sao kiểm soát được chất lượng tiêu trên hàng chục mảnh vườn để có một lượng tiêu sạch lớn cho xuất khẩu?

- Thực tế, kiểm soát mọi thứ trên chính mảnh vườn của mình thì dễ, song làm điều đó với vườn người khác lại là điều khó. Tôi làm việc, kết nối giữa nông dân và chính quyền thường xuyên, rồi thuyết phục những doanh nghiệp nước ngoài về chất lượng, quy trình, nguồn gốc sản phẩm… Về nhận thức của nông dân, thú thật thì một số người hiểu ngay vấn đề, một số thì phải thuyết phục từ từ bởi lâu nay họ chú ý nhiều đến lợi ích kinh tế, hiệu quả thấy ngay hơn là xây dựng một tư duy làm việc khoa học để có lợi lâu dài. Điều này thuộc về thói quen và là khó khăn chung của cả nền nông nghiệp Việt Nam chứ không riêng gì các hộ trồng tiêu ở Cẩm Mỹ. Chúng tôi chọn cách thuyết phục từ từ, đi kèm với kiểm soát quy trình kỹ thuật - chất lượng, đồng thời nỗ lực tìm đầu ra hiệu quả để nông dân tin tưởng hơn.

 Chữ tín của nông dân có phải là một trong những trở ngại lớn khi làm việc trên một quy mô lớn hơn mảnh vườn của họ?

- Có những thứ phải ràng buộc bằng hợp đồng để giữ chữ tín với nhau trong vấn đề chất lượng sản phẩm. Hiện tại, nhu cầu nhập tiêu của đối tác là khá lớn, song có đủ sản lượng đáp ứng hay không lại là chuyện khác. Thị trường châu Âu đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn gấp đôi so với các thị trường khác, bù lại giá cao hơn và câu đố chúng tôi phải giải là làm sao để họ thay đổi cách làm và kiên nhẫn với sự thay đổi đó, dù nó khó khăn hơn về trước mắt. Nguyên tắc chung là không bao giờ được lạm dụng chất này hay chất kia dù nó có hiệu quả trước mắt. Tôi làm việc với từng nông dân, nghe họ nói và cố gắng chỉnh lại những chỗ chưa ổn, thuyết phục họ rằng hiệu quả đến từ nông nghiệp sạch không thể đến một sớm một chiều.

 Cá nhân ông thấy khó hay dễ trong việc thuyết phục nông dân làm sản phẩm sạch?

- Thật ra để thuyết phục nông dân thì vừa khó vừa dễ. Họ “cứng đầu một cách thông minh”, nếu nói mình là nhà khoa học và yêu cầu đủ thứ một cách cứng nhắc, họ sẽ không nghe. Thay vào đó, phải làm cho họ thấy và ý thức được rằng nông dân là những người có rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế. Muốn vậy, nhà khoa học phải hiểu rất rõ việc mình đang làm.

* Góc nhìn khác về thương hiệu

 Cho đến lúc này, HTX hồ tiêu Lâm San đã làm việc với phía châu Âu thế nào trong việc nhập khẩu tiêu sạch Lâm San?

- Thị trường châu Âu là thị trường mà tiêu Việt Nam rất khó vô. Thực tế, doanh nghiệp xuất khẩu tiêu Việt Nam cũng ít khi tiếp cận trực tiếp với những thị trường này, trực tiếp tham khảo các yêu cầu của họ để sửa đổi chính mình và tìm cách nâng giá trị gia tăng của sản phẩm. Từ “sức ì” của nông dân và cả chính quyền, doanh nghiệp nên thực sự cho đến nay, bài toán chưa giải được là tính an toàn của sản phẩm tiêu xuất khẩu. Điều đặc biệt chúng tôi làm được là hồ tiêu Lâm San chỉ xuất đi châu Âu và rất ít doanh nghiệp làm được. Chúng tôi mới làm được ít thôi, chừng 300 tấn và sẽ tiếp tục phát triển. Dự kiến năm tới nhu cầu khoảng 800 tấn, và nếu có hơn số đó, họ vẫn sẵn sàng nhập khẩu, song tôi chưa nói trước được vì sản lượng vẫn chưa đủ.

 Suy nghĩ thực sự của ông về việc đầu tư cho nông nghiệp sạch? Phải bắt đầu những thay đổi từ đâu, từ nông dân hay từ chính sách?

- Tôi chỉ là nhà khoa học đơn thuần khi bước vào sản xuất nông nghiệp, dù có học nông học và sinh ra trong một gia đình nông dân. Nhưng tôi nghĩ mọi việc nên bắt đầu từ dưới lên, nghĩa là từ cách sản xuất của nông dân chứ không phải việc buôn bán thế nào. Tôi nghĩ phải làm ra sản phẩm tốt đã. Điều may mắn là trong những năm sống ở châu Âu, tôi cũng có vài mối quan hệ và qua đó tìm hiểu được nhu cầu và yêu cầu của họ. Đối tác yêu cầu chúng tôi chỉ bán tiêu của những vườn tiêu mà chúng tôi kiểm soát, và đó cũng là một trong những thách thức lớn vì nhận thức của nông dân không dễ thay đổi một sớm một chiều dù cơ hội đã mở ra.

 Cũng như những mặt hàng khác, hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu hầu như chưa có thương hiệu riêng đủ mạnh. Ông có quan tâm tới điều này?

- Chúng tôi từng đón những công ty gia vị vào loại lớn nhất châu Âu đến tham quan và xem nguồn hàng của HTX. Cũng là “duyên” khi trước đó tôi hoàn toàn không biết họ, chỉ gặp gỡ đôi lần tại các hội nghị và tôi trao đổi khá kỹ về cách làm của HTX Lâm San.

Nói về việc xuất khẩu tiêu sạch với thương hiệu riêng của mình thì là một câu chuyện dài. Tôi đã xây dựng thương hiệu tiêu Lâm San và xuất khẩu với thương hiệu đó, chứ không phải chỉ xuất khẩu hàng thuần túy. Nhưng tôi nghĩ câu chuyện này còn tùy hoàn cảnh, nếu tiêu Việt Nam chất lượng chung còn quá kém thì xuất khẩu đi khắp nơi với thương hiệu tiêu “made in Vietnam” thì còn bất lợi hơn. Vậy nên, tôi nghĩ xây dựng thương hiệu chỉ thực sự hiệu quả khi sản phẩm đã xây dựng được nội lực riêng của chúng.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

Tin xem nhiều