Thông tin Trung Quốc đang bùng phát dịch cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm và lây lan gây chết người. Để rõ hơn về cúm A/H7N9 trên gia cầm, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai.
Thông tin Trung Quốc đang bùng phát dịch cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm và lây lan gây chết người làm người chăn nuôi, tiêu dùng Việt Nam lo lắng dịch cúm có thể “đổ bộ” vào thông qua nhập khẩu gà tiểu ngạch. Để rõ hơn về cúm A/H7N9 trên gia cầm, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai.
Thưa ông, ở Trung Quốc đang bùng phát dịch cúm A/H7N9 trên gia cầm và có nguy cơ lây nhiễm sang Việt Nam rất cao khiến nhiều người dân lo lắng. Đồng Nai có đàn gia cầm rất lớn, vậy người chăn nuôi phải phòng bệnh ra sao?
- Tình hình dịch cúm gia cầm từ cuối năm 2016 đến nay diễn biến rất phức tạp, khu vực châu Á có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện dịch cúm gia cầm, như: Hàn Quốc, Đài Loan, Campuchia… Đặc biệt, ở Trung Quốc tình hình cúm A/H7N9 xuất hiện và lây lan trên diện rộng, gây chết nhiều người.
Ở nước ta, từ đầu năm đến nay dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở một số địa phương nhưng chủ yếu là cúm A/H5N1, A/H5N6, chưa phát hiện cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm và người. Tuy nhiên, Đồng Nai là tỉnh có đàn gia cầm chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp chiếm trên 80% với tổng đàn gần 20 triệu con nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn. Để chủ động trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, nhiều năm qua tỉnh đã hỗ trợ tiêm phòng 2 đợt/năm vào tháng 4-5 và tháng 11-12 cho những hộ chăn nuôi có đàn gia cầm nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, ngành thú y cũng định kỳ lấy mẫu giám sát việc lưu hành của virus và chủ động đề xuất các biện pháp phòng chống. Ban chỉ đạo phòng chống dịch hại vật nuôi, cây trồng các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa cũng chủ động phối hợp thực hiện công tác tiêm phòng, sát trùng, tiêu độc làm sạch môi trường nên đã góp phần kiểm soát dịch bệnh. Nhưng do đàn gia cầm có thời gian nuôi ngắn, nhiều hộ tái đàn không nằm trong đợt tiêm phòng nên nếu không chủ động thực hiện việc tiêm phòng để tạo kháng thể chống bệnh thì khi môi trường có mầm bệnh, điều kiện ngoại cảnh bất lợi, virus có thể xâm nhập, nhân lên và gây dịch. Vì thế, tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia cầm, áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn thì dịch bệnh khó phát sinh.
Từ trước đến nay, ở Việt Nam đã phát hiện ra cúm A/H7N9 trên gia cầm chưa?
- Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9 đang xảy ra tại Trung Quốc, ngoài phối hợp với hải quan siết chặt cửa khẩu để hạn chế gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam, Cục Thú y đã tổ chức các đoàn thường xuyên lấy mẫu để giám sát sự lưu hành của virus và các biến chủng, nhưng cho đến nay chưa có thông báo về việc xuất hiện chủng virus cúm A/H7N9 tại Việt Nam. Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam chưa xuất hiện cúm A/H7N9 nên người chăn nuôi và tiêu dùng không nên quá hoang mang. Đồng thời, người dân có thể yên tâm sử dụng các loại thịt gia cầm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng trên thị trường.
Cúm A/H7N9 nếu xuất hiện trên gia cầm có những biểu hiện gì?
- Theo ghi nhận của các nhà chuyên môn thì chủng cúm A/H7N9 có độc lực tương đối cao và thường ít có biểu hiện lâm sàng trên đàn gà. Khi đàn gà bị nhiễm virus A/H7N9 thường không có triệu chứng bệnh rõ ràng nên rất khó phát hiện. Cách tốt nhất để phòng cúm là người chăn nuôi thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch, như: chọn mua giống chăn nuôi từ đàn cha mẹ đã được tiêm phòng còn kháng thể đã qua kiểm dịch của ngành thú y. Khi tới thời gian tiêm phòng phải chủ động thực hiện việc phòng bệnh bằng các loại vaccine; vệ sinh sát trùng chuồng trại thường xuyên; khu vực chăn nuôi hạn chế người, phương tiện ra vào; có biện pháp kiểm soát chim chóc vào trong khu vực chuồng nuôi và nuôi dưỡng, chăm sóc đàn gà đúng quy định theo từng giai đoạn sinh trưởng.
Loại cúm gia cầm A/H7N9 có dễ dàng lây lan qua người không? Và thường lây qua hình thức nào?
- Virus cúm A/H7N9 là một chủng mới, có nguồn gốc gen từ virus cúm gia cầm và một số loài chim, có khả năng lây nhiễm cho người. Việc lây lan cúm A/H7N9 chủ yếu là qua tiếp xúc trực tiếp, qua đường hô hấp, ăn thịt gà bệnh, gà chết. Người nhiễm loại cúm này thường dẫn đến viêm phổi nặng tiến triển nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Hiện ngành y tế chưa phát hiện cúm A/H7N9 lây truyền từ người sang người.
* Xin cảm ơn ông!
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh cúm A/H7N9 ở người là bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng, do vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm lây sang. Bệnh tiến triển nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh cúm A/H7N9 có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tiến triển nhanh với các triệu chứng: sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để phòng, chống bệnh cúm A/H7N9 ở người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: thường xuyên rửa tay với xà phòng, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện có gia cầm chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Nếu có các biểu hiện cúm sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. |
Hương Giang (thực hiện)