Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhạc sĩ Trần Viết Bính: Nếu mình không làm những việc bao đồng thì ai làm?

10:02, 03/02/2017

Nhạc sĩ Trần Viết Bính là một "người quen" trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai. Công chúng cả nước biết ông rộng rãi với bài hát nổi tiếng Hạt gạo làng ta phổ từ thơ Trần Đăng Khoa cùng hàng trăm tác phẩm khác.

Nhạc sĩ Trần Viết Bính là một “người quen” trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai. Công chúng cả nước biết ông rộng rãi với bài hát nổi tiếng Hạt gạo làng ta phổ từ thơ Trần Đăng Khoa cùng hàng trăm tác phẩm khác.

Nhạc sĩ Trần Viết Bính. Ảnh: Lê Quyên
Nhạc sĩ Trần Viết Bính. Ảnh: Lê Quyên

Ngoài việc sáng tác ca khúc, khí nhạc, ca cảnh, ông là người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn các giai điệu, bài hát, di sản văn hóa... của các đồng bào dân tộc thiểu số tại Đồng Nai, như: Chơro, Mạ, S’tiêng... Suốt mấy chục năm dài, ông “lùng sục” khắp các vùng sâu, vùng xa để sưu tầm, ghi lại những giai điệu dân ca truyền thống và xuất bản được khá nhiều sách, nhạc, tư liệu về lĩnh vực này. Ở tuổi 83, ông vẫn hăng hái đi, sáng tác, sưu tầm dù cái tuổi đã “xưa nay hiếm” và lương hưu không hề dư dả. Hỏi, ông chỉ trả lời đơn giản là nếu mình không làm những chuyện “bao đồng” ấy thì những vốn quý đó sẽ cùng với các nghệ nhân đã cao tuổi  chết đi, sau này nếu muốn tìm cũng không bao giờ tìm được nữa.

* Cả đời chỉ biết làm nhạc, sáng tác

Nhạc sĩ Trần Viết Bính có gần 70 năm sáng tác ca khúc bởi ông sáng tác khi còn khá nhỏ (năm 1946) , đến nay đã có trên 300 tác phẩm. Sự nghiệp sưu tầm dân ca trong hơn 30 năm ở Đồng Nai cũng làm nên một gia tài với gần 200 bài dân ca.

Ông là người duy nhất trong tỉnh có 3 lần liên tiếp được tặng giải nhất về âm nhạc của Giải thưởng Trịnh Hoài Đức, nhiều giải thưởng lớn của Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Ông đang được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị Chính phủ tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016. 

 Ông bắt đầu “mối lương duyên với âm nhạc” như thế nào?

- Từ trước năm 1945, gia đình tôi có cửa hàng tạp hóa lớn ở TX.Thái Bình (tỉnh Thái Bình), trong đó có bán các loại đàn: banjo, mandoline, guitar... Tôi bắt đầu mày mò những nốt nhạc đầu tiên trên cây đàn banjo nên mặt da bị bẩn, ế không bán được. Cây đàn này mặc nhiên thành vật sở hữu của tôi và đấy là “mối lương duyên“ đầu đời của tôi đến với âm nhạc. Có được cây đàn, tôi gảy tưng tưng suốt ngày, mò mẫm tự học, đàn được rất nhiều bài hát mà mình thuộc dù không biết một nốt nhạc nào.

Năm 1946, tôi cùng với gia đình đi tản cư kháng chiến chống Pháp. Nơi gia đình đến ở có rất nhiều nhạc sĩ, như: Đoàn Chuẩn, Tô Vũ, Tạ Phước, Nguyễn Đình Thanh... Chúng tôi tự lập ra một ban nhạc nhí với lũ trẻ con biết đánh đàn. Thấy ban nhạc nhí hòa đàn cũng được, có lúc các ông cho phép chúng tôi được hòa cùng vào dàn nhạc, và dạy chúng tôi nhạc lý. Những nốt đồ, rê, mi bắt đầu đến với tôi. Chú tôi nhờ nhạc sĩ Phạm Ngữ dạy guitar và đó là thầy dạy nhạc đầu tiên của tôi. Sau này về Hà Nội có điều kiện, tôi học thêm piano.

 Ông nói mình mê nhạc như bị “ma làm”. Vậy ông chính thức bắt đầu sáng tác ra sao?

- Tôi nghĩ ra được bài hát đầu tiên vào năm 1946 (bài  hát Nhớ núi Voi), ư ử hát rồi thuộc lòng (sau này rành nhạc lý rồi mới biết ghi lại).

Năm 1955, tôi về Nam Định mở hiệu đàn và hoạt động âm nhạc, say mê và năm 1957 sáng tác bài hát Dòng sông, bài hát may mắn nổi tiếng, được phát trên sóng phát thanh và được  thu thành đĩa than. Đây là những chiếc đĩa đầu tiên của âm nhạc Việt Nam. Về sau này, đi cùng hoàn cảnh chiến tranh đất nước, rồi hòa bình, tôi hoạt động văn nghệ chuyên nghiệp, từ đánh đàn đến chỉ huy dàn nhạc, sáng tác nhạc múa, viết ca kịch... Đầu năm 1974, từ quyết định do nhạc sĩ Đỗ Nhuận ký, tôi chính thức trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Năm 1981, tôi chuyển vào Đồng Nai và gắn bó với sáng tác âm nhạc, sưu tầm dân ca đến tận ngày nay. Nhiều khi nghĩ lại cuộc đời mình, tôi cũng thấy lạ. Tôi say mê âm nhạc như bị “ma làm”, mê từ khi còn là chú bé 10 tuổi mày mò đánh đàn banjo, đến nay đã là ông lão đầu bạc 83 tuổi vẫn miệt mài với âm nhạc. Hơn 80 năm sống trên đời, tôi cũng chưa làm một nghề gì khác ngoài âm nhạc.

 Ông có thể kể vài kỷ niệm về bài hát nổi tiếng nhất của ông - bài Hạt gạo làng ta?

- Bài hát này đã có một đời sống trên nửa thế kỷ nay và kỷ niệm chung quanh bài hát này thì rất nhiều.

Tôi phổ nhạc bài Hạt gạo làng ta năm 1970, khi Trần Đăng Khoa mới 12 tuổi và bài hát nổi tiếng qua sóng phát thanh. Tôi lẩm nhẩm hát bài hát thành giai điệu trong một lần đạp xe từ Nam Định về một xã ngoại thành đi dạy hát cho thiếu nhi. Khi đến nơi thì bài hát cũng xong. Điều đặc biệt nhất là sau khi bài hát nổi tiếng mấy chục năm, tôi mới có dịp gặp tác giả bài thơ (Trần Đăng Khoa). Khi gặp Khoa rồi, tôi mới biết chúng tôi đã từng tìm nhau rất nhiều lần nhưng không gặp, rồi sau gần 40 năm mới gặp nhau tại Hà Nội trong dịp tôi ở miền Nam ra họp  đại hội nhạc sĩ Việt Nam ở Hà Nội.

Bài hát này đã 2 lần được khán thính giả cả nước bình chọn là một trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20, là một trong 20 bài hát hay nhất viết về nông thôn, nông nghiệp, nông dân Việt Nam.

* Mê sưu tầm dân ca thiểu số

 Bên cạnh sáng tác, ông còn là một người sưu tầm dân ca nổi tiếng?

- Nói về sưu tầm dân ca thiểu số thì ở miền Nam tôi là một trong những người ít ỏi làm việc này một cách đều đặn nhất. Tôi đã sưu tầm được rất nhiều bài dân ca của các dân tộc Chơro, Mạ, S’tiêng, K’ho, và gần đây (năm 2016) là Chăm. Tôi làm việc này từ năm 1982, đến nay vẫn đang có những dự án sưu tầm mới. Tôi có một sự say mê kỳ lạ với những giai điệu dân ca của các tộc người thiểu số Đồng Nai nên vất vả mấy cũng vẫn thích đi, thích lùng sục vào tận bản làng để sưu tầm. Tôi di chuyển bằng đủ loại phương tiện: ô tô, xe máy; đến 70 tuổi không tự đi nổi bằng xe máy được nữa thì đi xe ôm, xe đò.

UBND tỉnh, các cơ quan văn hóa rất ủng hộ công việc sưu tầm này, cấp kinh phí cho tôi thực hiện được 8 công trình sưu tầm dân ca các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai. Nhiều công trình đã được xuất bản, được tặng nhiều giải thưởng lớn của Trung ương.

 Sưu tầm dân ca thiểu số là một việc nặng nhọc, lại có một chút bao đồng. Ông tìm thấy ý nghĩa gì ở công việc này?

- Tôi không biết thế nào gọi là chuyện bao đồng, nhưng tôi thích làm chuyện bao đồng ấy. Có đi sâu vào lĩnh vực này mới thấy mỗi bài dân ca là một câu chuyện cuộc sống của đồng bào, rất phong phú và thú vị. Nếu những bài dân ca của các tộc người này không được ghi chép lại, chúng sẽ “chết” theo những  già làng, trưởng bản, những bậc cao niên trong làng. Cứ mỗi lần tôi xuống các cơ sở thì lại thấy mất đi vài cụ nghệ nhân. Tôi tiếc lắm, nên muốn làm rất nhanh công việc này.

Đứng về phía trách nhiệm, là nhạc sĩ có khả năng và sống cận kề với kho tàng ấy, mình không làm thì ai làm? Thế nên tôi cứ làm, đến khi nào mình không còn đi được nữa mới thôi.

 Về mặt chuyên môn âm nhạc, sưu tầm dân ca thiểu số đem lại điều gì cho sự nghiệp sáng tác của ông?

- Âm nhạc, trong suy nghĩ của tôi, nếu muốn có sức sống lâu dài thì phải được sinh trưởng trong cái nôi âm nhạc dân tộc. Và thực tế cho thấy, những bài hát sống mãi cùng năm tháng thì đều có “dính” tới dân ca. Tôi thấy tất cả những sáng tác thoát ly khỏi gia tài âm nhạc dân tộc thì thường sức sống không bền. Có thể đây là nhận xét có tính chủ quan, nhưng gần 70 năm làm nhạc, tôi quan sát và rút ra cho mình kinh nghiệm đó.

 Đã hoạt động âm nhạc gần 70 năm, ông còn trăn trở nào lớn với âm nhạc?

- Đời sống âm nhạc hiện nay, theo tôi đang có nhiều điều phải suy nghĩ. Âm nhạc giải trí, âm nhạc để xem chứ không phải là âm nhạc nghe đang là mê hồn trận, chiếm lĩnh đời sống âm nhạc.

Nhiều “lệch chuẩn” giữa sáng tác với biểu diễn, với công bố, với thị hiếu công chúng và kể cả với đãi ngộ nữa, theo tôi cần phải xem xét lại.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

Tin xem nhiều