Báo Đồng Nai điện tử
En

Sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp để không còn phải "giải cứu" nông sản

10:03, 06/03/2017

Gần đây, nông dân Đồng Nai liên tục phải chịu thiệt hại vì các sản phẩm nông nghiệp, như: heo, gà, chuối rớt giá sâu do sản xuất theo "quy trình ngược". Trao đổi với Báo Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết đây là dịp để các địa phương trong tỉnh sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp cho phù hợp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh

Gần đây, nông dân Đồng Nai liên tục phải chịu thiệt hại vì các sản phẩm nông nghiệp, như: heo, gà, chuối rớt giá sâu do sản xuất theo “quy trình ngược”.

Trao đổi với Báo Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết, đây là dịp để các địa phương trong tỉnh sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp cho phù hợp.

Là tỉnh có đàn heo lớn nhất và đàn gà lớn thứ 2 trong cả nước nên khi giá rớt xuống dưới giá thành, nhiều nông dân thua lỗ từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Vì thế, sau việc “giải cứu” chuối, tỉnh sẽ tiếp tục “giải cứu” đến heo, gà, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương xây dựng các chuỗi, có đầu ra mới sản xuất.

* Cứu nông sản chỈ là giải pháp tình thế

 - Đầu ra cho cây chuối cơ bản đã được giải quyết, nông dân trút bớt được gánh nặng, song đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, tỉnh có giải pháp gì để nông dân không chặt bỏ chuối để trồng cây khác?

- Ngay sau khi có thông tin hàng ngàn tấn chuối già hương cấy mô đến thời điểm thu hoạch không có người mua phải chặt bỏ, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc tìm giải pháp để giúp nông dân tìm đầu ra. Kết quả, nông dân đã bán được chuối với giá có lời và không còn tình trạng phải chặt bỏ chuối.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tiến hành thành lập ban chỉ đạo để tiếp tục giúp nông dân tiêu thụ hết lượng chuối sắp thu hoạch trong thời gian tới. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Nhân đây, tỉnh yêu cầu các ngành nông nghiệp, công thương phối hợp với các địa phương rà soát lại diện tích trồng chuối, thời điểm thu hoạch và lập ra quy trình sản xuất sạch, hình thành cánh đồng lớn và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ trong nước, xuất khẩu  để có đầu ra ổn định.

Hiện một số doanh nghiệp đã đến khảo sát các vùng trồng chuối, hợp đồng với nông dân sản xuất theo quy trình GAP sẽ bao tiêu đầu ra với giá 5-6 ngàn đồng/kg. Với giá trên, nông dân có thể yên tâm sản xuất, không phải chặt bỏ chuối.

 - Ngoài chuối thì heo, gà cũng đang rơi vào cảnh rớt giá thê thảm không kém chuối. Dự tính của tỉnh sau cứu chuối có đến heo, gà?

- Sau khi giải quyết xong đầu ra cho cây chuối, tỉnh sẽ tập trung vào giải quyết đầu ra cho heo, gà. Thời gian qua, do nông dân tăng đàn quá nhanh dẫn đến việc khi thị trường Trung Quốc ngưng mua thì hàng thừa khó bán, giá giảm sâu xuống dưới giá thành.

Ngay thời điểm thấy nông dân tăng đàn nhanh, tỉnh đã có những khuyến cáo không nên phát triển ồ ạt khi chưa ký được hợp đồng đầu ra ổn định. Tuy nhiên, nhiều nông dân không theo khuyến cáo mới xảy ra cảnh hàng dội chợ, giảm giá.

Lâu nay, nông dân sản xuất tự phát, cứ thấy cây, con nào có giá là theo nhau nuôi trồng khiến tình trạng hàng dội chợ, giá giảm sâu liên tiếp xảy ra. Nếu làm nông nghiệp không thay đổi tư duy theo hướng công nghiệp là có đơn hàng rồi mới sản xuất, thì khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn cung vượt cầu.

Do đó, sau khi giúp nông dân tiêu thụ được lượng heo, gà tồn với giá có lời, tỉnh cũng sẽ có những giải pháp dài hơi để tránh lặp đi lặp lại tình cảnh hàng dội chợ, khó bán.

* Tìm cách giúp nông dân lâu dài hơn

 - Nông dân tự tìm, ký được hợp đồng đầu ra rồi mới sản xuất là việc quá sức. Vậy tỉnh có cách nào hỗ trợ?

- Như tôi đã nói ở trên, đây là lúc để các sở, ngành, địa phương cùng phối hợp rà soát lại tất cả các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Trong đó, cần thống kê rõ ràng diện tích, tổng đàn, giống, năng suất, sản lượng, thời điểm thu hoạch.

Khi có được con số cụ thể, mới có giải pháp giúp dân bán hàng đang tồn, sau đó hình thành các chuỗi liên kết để tiêu thụ ổn định. Hơn 2 tháng nữa, tỉnh sẽ khánh thành chợ đầu mối nông sản sạch tại Dầu Giây (huyện Thống Nhất) cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ đầu ra ổn định cho nông dân trong tỉnh.

Tỉnh đã xây dựng thành công cánh đồng lớn cho một vài cây trồng, nông dân yên tâm về đầu ra, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu sạch để chế biến, cả hai bên cùng thuận lợi. Tỉnh sẽ ưu tiên làm cánh đồng lớn cho những cây trồng có diện tích, sản lượng lớn để đưa vào chợ đầu mối và hướng đến xuất khẩu.

 - Nhiều nông dân cho rằng do thiếu thông tin dự báo, đánh giá về thị trường nên thấy cây, con nào đang cho lợi nhuận cao thì nuôi trồng? Ông nhận định như thế nào về việc này?

- Đúng là việc dự báo, đánh giá về thị trường nông sản, thực phẩm của chúng ta còn ít và yếu. Những năm gần đây, thông tin về thị trường có nhiều hơn song vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu.

Tỉnh cũng đã có liên hệ thường xuyên với những tham tán kinh tế thương mại của Việt Nam ở các nước mà tỉnh có hàng hóa xuất khẩu nhiều để nắm thông tin, chuyển tải cho doanh nghiệp, nông dân, nhưng nhìn chung vẫn chưa kịp thời và thiếu những đánh giá sâu.

Tới đây, lãnh đạo tỉnh sẽ tập trung cho mảng xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho nông sản; tiếp tục kết nối với Bộ Công thương, tham tán kinh tế các nước để có những đánh giá thị trường xuất khẩu ngắn hạn, dài hạn, nhu cầu nhập khẩu của quốc gia đó, yêu cầu về chất lượng hàng hóa để có những khuyến cáo kịp thời cho nông dân sản xuất phù hợp, giảm bớt rủi ro.

 - Xin cảm ơn ông!

 Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều