Báo Đồng Nai điện tử
En

Mở rộng thị trường không phải chuyện một sớm, một chiều

10:05, 19/05/2017

Đối với giới doanh nghiệp (DN) Đồng Nai cũng như phía Nam, bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng văn phòng đại diện tại TP.Hồ Chí Minh, không phải là "người lạ". Bà An đã có nhiều năm đồng hành với DN trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trên cả thị trường nội địa lẫn thị trường nước ngoài.

bà Bùi Thị Thanh An
bà Bùi Thị Thanh An

Đối với giới doanh nghiệp (DN) Đồng Nai cũng như phía Nam, bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng văn phòng đại diện tại TP.Hồ Chí Minh, không phải là “người lạ”. Bà An đã có nhiều năm đồng hành với DN trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trên cả thị trường nội địa lẫn thị trường nước ngoài.

Theo bà An, mở rộng thị trường không phải là chuyện một sớm, một chiều hay chỉ dựa vào vài lần xúc tiến. Muốn đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 300 tỷ USD vào năm 2020 như kế hoạch của Chính phủ, thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân của Việt Nam phải đạt 11-12%/năm trong giai đoạn 2015-2020. Một trong những yếu tố chính để tăng xuất khẩu là DN phải chú trọng đến xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài.

* Phải làm lâu dài

 Theo bà, đâu là thế mạnh trong xúc tiến thương mại của Việt Nam?

- Từ lâu, Bộ Công thương đã rất chú ý đến công tác xúc tiến thương mại với mục tiêu giúp DN tìm thêm được thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do đó, hàng năm Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều đợt xúc tiến ở những thị trường truyền thống, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu và thêm nhiều thị trường mới tại châu Mỹ Latinh, Trung Đông...

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã quan tâm nhiều hơn đến công tác xúc tiến thương mại nên mỗi năm đều tổ chức nhiều đợt đưa hàng hóa chủ lực, thế mạnh  của tỉnh đi giới thiệu và tìm khách hàng. Qua các đợt xúc tiến thương mại có DN may mắn tìm được đơn hàng ngay, song cũng có những DN phải kiên trì một thời gian dài mới thêm được đơn hàng.

 Còn điểm yếu, thưa bà?

- Điểm yếu của nhiều DN Việt Nam trong việc đưa hàng hóa ra nước ngoài triển lãm, giới thiệu là thường quá nôn nóng tìm đơn hàng ngay, nếu 1-2 lần đi không có đơn hàng thì... chán. Theo tôi, DN phải xác định mang sản phẩm đi quảng bá còn là để nghiên cứu xem thị trường đó đang cần những loại sản phẩm như thế nào, để xuất khẩu được phải đảm bảo những yếu tố gì? Từ đó, khi về DN điều chỉnh lại sản xuất cho phù hợp mới mong tìm được khách hàng.

 Hiện nay, các DN đã xem trọng việc mở rộng thị trường ở nước ngoài hay chưa?

- Mở rộng thị trường xuất khẩu luôn là việc các DN Việt Nam mong muốn. Điều này đồng nghĩa với việc DN có thể mở rộng sản xuất, từng bước nâng tầm và vươn xa. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, muốn mở rộng được xuất khẩu DN phải kiên trì lâu dài. Rất ít DN sau khi đưa hàng hóa của mình đi hội trợ triển lãm quốc tế hay giới thiệu tìm được đơn hàng ngay, hầu hết phải nhiều lần đi xúc tiến thương mại mới tìm được khách hàng. Tuy nhiên, có không ít DN khi có được đơn đặt hàng rồi lại phải ngậm ngùi từ chối vì không đáp ứng được số lượng, chất lượng.

Vì thế, tôi lưu ý các DN, đặc biệt các DN nhỏ và vừa cùng ngành hàng nên có sự liên kết để khi có những đơn hàng lớn cùng hợp tác sẽ không bỏ phí cơ hội. Gần đây, DN Việt Nam đã chú ý đến công tác giao thương hơn. Điều đó được thể hiện qua những hội chợ triển lãm ở các nước, số lượng DN tham gia đông và được chuẩn bị tương đối kỹ càng.

* Doanh nghiệp nên chủ động

 Muốn xúc tiến thương mại ở thị trường nước ngoài hiệu quả, DN phải chủ động những gì?

- Theo tôi, mỗi DN phải có kế hoạch ngắn, trung, dài hạn về mở rộng thị trường xuất khẩu. Trước đó, tìm hiểu thông tin xem sản phẩm của mình thị trường nào đang cần; số lượng, chất lượng hàng hóa có thể đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu?

Biết được các thông tin trên, DN có thể lựa ra thị trường mình cần đến để quảng bá, từ đó đề xuất hiệp hội, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh hoặc Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ, kết nối đưa sản phẩm đi triển lãm. Khi đưa sản phẩm đi giới thiệu, DN chuẩn bị đầy đủ những tờ rơi giới thiệu sản phẩm, địa chỉ, số điện thoại, email để liên lạc. Các tờ rơi nên in bằng nhiều thứ tiếng khác nhau để khách hàng có thể tham khảo. DN nên chọn những người tham gia các đợt xúc tiến giỏi ngoại ngữ, hiểu về sản phẩm lĩnh vực mình đang hoạt động và có khả năng thuyết trình tốt, như vậy kết quả mang lại sẽ cao hơn. Sau khi về nước, nên sắp xếp lại sản xuất để dễ dàng đáp ứng được nhu cầu khi khách hàng tìm đến.

 Vậy còn thị trường trong nước?

Doanh nghiệp ở các địa phương chủ yếu là nhỏ và vừa, năng lực tài chính và quản lý kinh doanh yếu nên gặp hạn chế trong việc tham gia các hội chợ hay khảo sát thị trường, giao dịch thương mại ở nước ngoài. Mặt khác, hàng hóa của DN tham gia một số hoạt động xúc tiến thương mại chưa phong phú, đa dạng nên chưa được người tiêu dùng trong nước, nước ngoài chú ý đến.

- Thị trường nội địa đang có rất nhiều chương trình để hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm, như: người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; tự hào hàng Việt; đưa hàng Việt về nông thôn; hội chợ, triển lãm...

Mục tiêu các chương trình này là giúp DN giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trên cả nước, qua đó có thể tăng lượng hàng tiêu thụ. Thế nhưng, hiện nhiều DN chưa quan tâm đến công tác này nên đang bỏ qua cơ hội tăng thị phần ở thị trường nội địa. Bên cạnh đó, DN Việt muốn cạnh tranh được với hàng nhập khẩu thì sản phẩm phải đa dạng mẫu mã, tiện dụng và giá phải cạnh tranh.

Ở thị trường trong nước, DN Việt có thế mạnh là dễ dàng nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng từng vùng miền. Qua tuyên truyền, người tiêu dùng cũng có ý thức hơn trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt. Do vậy, hàng Việt chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp, giá cạnh tranh sẽ được nhiều người dân lựa chọn. DN muốn làm được những việc trên buộc phải đầu tư máy móc, công nghệ, nghiên cứu thị trường đưa ra những sản phẩm mới phù hợp.

 Vì sao có không ít DN rất khó khăn về đầu ra, nhưng lại không “mặn mà” với việc xúc tiến thương mại?

- Xúc tiến thương mại đòi hỏi tốn thời gian, tiền bạc và kết quả thường sau một thời gian dài mới đem lại nên nhiều DN nhỏ dễ nản hoặc không đủ điều kiện theo đuổi lâu dài. Ngoài ra, còn do hoạt động xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành vẫn chưa có sự đổi mới rõ rệt nên hiệu quả mang lại không cao. Tuy số đợt xúc tiến có tăng về số lượng, nhưng việc hỗ trợ các DN còn ít và ngắn hạn, tính định hướng chưa cao. Các địa phương đã chủ động hơn trong nguồn kinh phí hoạt động, nhưng nhìn chung kinh phí còn rất hạn hẹp, chưa đảm bảo cho các hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô và chiều sâu.

 Nhiều năm gắn bó với DN Đồng Nai trong việc mở rộng thị trường, bà thấy những yếu tố nào cần quan tâm hơn nữa để tăng lượng hàng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu?

- Đồng Nai là địa phương phát triển công nghiệp nên DN trong tỉnh chủ động hơn trong việc tìm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nội địa và xuất khẩu. Các chương trình giao thương trong nước, nước ngoài có DN Đồng Nai tham gia khá đông; nhiều DN còn tự mình sang các nước nghiên cứu thị trường, sau đó đưa sản phẩm qua giới thiệu. Do đó, khả năng tìm được thị trường xuất khẩu cũng cao hơn. Theo tôi, để tăng thị phần trong nước DN Đồng Nai ngoài đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh, mẫu mã đẹp thì nên tham gia nhiều hơn các hội chợ tại các tỉnh thành, liên kết với các đại lý, DN bán lẻ lớn tại từng địa phương để đưa hàng đến.

Với thị trường nước ngoài, DN Đồng Nai tìm hiểu thêm thông tin qua các tham tán kinh tế của quốc gia mình sắp đến để biết rõ mặt hàng nào họ yêu thích, thói quen tiêu dùng để từ đó đề ra kế hoạch quảng bá, bán hàng phù hợp. Khi xảy ra các tranh chấp dễ dàng giải quyết ổn thỏa.

 Chính quyền Đồng Nai cần làm gì để hỗ trợ DN mở rộng thị trường tốt hơn, thưa bà?

- Tại Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác, DN nhỏ và vừa chiếm đến 90% và thường thiếu thốn về tài chính, nhân lực. Vì vậy, tỉnh nên hỗ trợ tổ chức nhiều các đợt giao thương với các tỉnh, thành, tham gia các hội chợ chuyên ngành để mở rộng tiêu thụ hàng hóa trong nước. Các đợt xúc tiến thương mại nước ngoài nên tổ chức đến những thị trường trọng điểm có nhiều tiềm năng. Những DN  không đủ khả năng tham gia có thể giúp họ đưa sản phẩm, tờ rơi đi giới thiệu.

 Xin cảm ơn bà!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều