TS.Phan Ngọc Sơn là một trong những người đầu tiên phát triển hệ thống trường tư thục tại TP.Biên Hòa cách đây 20 năm với thương hiệu Trường TH - THCS - THPT Nguyễn Khuyến tại phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa).
TS.Phan Ngọc Sơn là một trong những người đầu tiên phát triển hệ thống trường tư thục tại TP.Biên Hòa cách đây 20 năm với thương hiệu Trường TH - THCS - THPT Nguyễn Khuyến tại phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Ông còn sáng lập Trường cao đẳng kỹ thuật công nghệ Đồng Nai tại phường Trảng Dài, tiền thân của Trường đại học công nghệ Đồng Nai ngày nay.
20 năm đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đối với TS.Phan Ngọc Sơn là một chặng đường đầy chông gai thử thách. Ông chia sẻ, nếu chỉ nghĩ tới lợi nhuận thì không làm được giáo dục, và nếu không có khát vọng, thậm chí là không có chút liều lĩnh thì sẽ khó chạm đến thành công.
* Muốn thành công phải… liều
Trường đại học công nghệ Đồng Nai là một trường đại học ứng dụng. Do đó, chúng tôi đã xác định từ nay tới năm 2020 trường sẽ tạo đột phá trong đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ giảng dạy, thực hành. Cập nhật những chương trình giảng dạy hiện đại đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chúng tôi quan tâm tới đội ngũ giảng viên có tầm nhìn phát triển, có trình độ cao, và làm cho họ có đời sống kinh tế tốt để yên tâm giảng dạy. Trường sẽ có đội ngũ giảng viên nước ngoài, trước mắt là tổ giáo viên cơ hữu ở môn tiếng Anh. Và chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ với doanh nghiệp theo mô hình đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp. |
Những ngày đầu tiên của ông khi bước vào lĩnh vực giáo dục ra sao?
- Thời điểm năm 1997, TP.Biên Hòa rất thiếu trường lớp do dân số cơ học tăng quá nhanh. Rất nhiều học sinh theo cha mẹ từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào Đồng Nai, muốn đi học nhưng trường công lại không đủ. Tỉnh kêu gọi, khuyến khích phát triển các trường tư thục, tôi đã chọn địa điểm phường Thống Nhất để mở Trường TH - THCS - THPT Nguyễn Khuyến. Trường nhanh chóng phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng, và có thể nói đó là ngôi trường tư thục rất thành công. Chỉ tính riêng học sinh bậc THPT của trường, có thời điểm lên tới 2 ngàn em.
Ông có thấy tiếc nuối gì khi không tiếp tục đầu tư lớn hơn cho Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Khuyến mà lại chuyển sang đầu tư trường cao đẳng, đại học như hiện tại?
- Có thể nói, Trường TH - THCS - THPT Nguyễn Khuyến là thành công đầu tiên của tôi trong 20 năm đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Tôi tự hào vì trường này từng có quy mô và chất lượng giáo dục chỉ sau một số trường THPT công lập có truyền thống lâu đời của Biên Hòa. Tuy nhiên, tôi muốn có một con đường đi khác biệt hơn và khó hơn để thử sức mình. Tôi không thấy tiếc vì sau này Biên Hòa đã có những ngôi trường tư thục quy mô lớn hơn nhiều. Mình không làm có người khác làm, điều đó tốt cho xã hội.
Tại sao ông lại quyết định mở trường cao đẳng rồi lên thành đại học?
- Cách đây 15-20 năm, Đồng Nai phát triển công nghiệp mạnh, rất thiếu lao động kỹ thuật lẫn các ngành nghề khác. Đó là điều thôi thúc tôi quyết tâm đầu tư sang một con đường mới: thành lập Trường cao đẳng kỹ thuật công nghệ Đồng Nai. Và năm 2010, tôi đã nâng cấp lên thành Trường đại học công nghệ Đồng Nai.
Đầu tư giáo dục cao đẳng, đại học khác biệt rất nhiều so với giáo dục phổ thông. Ông biết điều đó và vẫn muốn dấn thân?
- Tôi biết rất rõ điều đó, và tôi rất thận trọng trong từng bước đi khi thành lập trường. Khi tôi làm cũng có vài luồng ý kiến cảnh báo lẫn khuyên răn tôi nên cân nhắc. Khi trình đề án thành lập trường cao đẳng lên Bộ GD-ĐT thì lúc đó Thứ trưởng Bành Tiến Long khuyên tôi nên suy nghĩ lại, vì tôi đang phát triển rất tốt lĩnh vực giáo dục phổ thông. Nếu tôi tiếp tục đầu tư mạnh vào lĩnh vực giáo dục phổ thông sẽ thành công lớn lại ít vất vả hơn. Có ý kiến lại e ngại là trường cao đẳng tôi thành lập tại phường Trảng Dài vị trí bất lợi, dân cư thưa thớt, giao thông không thuận lợi. Nhưng tôi tin là vừa làm vừa tìm hiểu, có thêm chút “liều” sẽ thành công. Đó là một thách thức vô cùng lớn nhưng cũng là cơ hội vàng để thử sức mình.
Mở một trường đào tạo các ngành nghề kỹ thuật - công nghệ thường tốn kém hơn nhiều so với một trường chỉ đào tạo các ngành xã hội hay kinh tế. Vì sao ông không đi theo hướng dễ?
- Nhiều người khuyên tôi chỉ nên mở trường với các ngành đào tạo là xã hội, ngoại ngữ, kinh tế… vì các ngành xã hội, ngoại ngữ hay kinh tế chỉ cần xây trường, tuyển giảng viên vào dạy là xong, lợi nhuận lớn, đỡ phải đau đầu so với các ngành kỹ thuật công nghệ. Nhưng mong ước của tôi là đào tạo lao động kỹ thuật - công nghệ chất lượng cao cho doanh nghiệp nên tôi vẫn kiên định với quyết định ban đầu của mình. Gia đình tôi có bao nhiêu tiền, gần như tôi “vét sạch” để đầu tư, thiếu tiền thì tôi đi vay. Mơ ước có một ngôi trường đại học ra đại học, đào tạo sinh viên nào ra sinh viên nấy, được doanh nghiệp đón nhận đã thôi thúc tôi quyết tâm đầu tư hơn những gì mình có. Sự lựa chọn của tôi đến giờ đã được chứng minh là đúng đắn.
12 năm bước chân vào lĩnh vực giáo dục cao đẳng, đại học, ông đã làm được gì trong những điều ông mơ ước?
- Tôi đã làm được rất nhiều điều nhưng tôi không cho phép mình được tự mãn. Tôi đã xây được một ngôi trường đại học với quy mô lớn, kiến trúc hiện đại, thân thiện bậc nhất ở Đồng Nai. Tôi đã có thư viện và tòa nhà tích hợp được đầu tư theo hướng “đi tắt đón đầu” rất hiện đại, tạo điều kiện cho giảng viên nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật. Sinh viên có thể thỏa sức nghiên cứu với hàng ngàn đầu sách, có được điều kiện tốt nhất để nghiên cứu khoa học, thực hành công nghệ. Tôi đã xây dựng thành công “văn hóa” Trường đại học công nghệ Đồng Nai. Trường đã xây dựng mối quan hệ với hàng trăm doanh nghiệp, các trường đại học quốc tế uy tín. Từ những gì đã làm được, chất lượng sinh viên và tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt kết quả ngày một cao hơn.
Ông đã từng chia sẻ về một ngôi trường đại học phi lợi nhuận. Điều đó sẽ trở thành hiện thực?
- Tôi luôn trăn trở và phấn đấu cho tới cuối đời mình để lại được gì cho đời. Tôi tin tưởng rằng tôi sẽ để lại cho đời một ngôi trường đại học hiện đại và chất lượng ngang tầm với nhiều nước trong khu vực. Tôi sẽ tiếp tục đầu tư để trường hiện đại hơn nữa, tạo ra cho xã hội nhiều công trình khoa học có tính ứng dụng cao, sinh viên bỏ tiền ra đóng học phí sẽ nhận lại được những giá trị gia tăng còn hơn thế, tạo lập được một tương lai vững chắc.
Có thông tin ông muốn bán trường cho một đơn vị khác?
- Tôi không bao giờ bán trường này cho ai cả, vì đó là công trình của cuộc đời tôi, là của giảng viên và sinh viên. Tôi chỉ tìm những nhà đầu tư có tiềm năng và trình độ quản trị tiên tiến để góp sức cho ngôi trường này có thể phát triển nhanh, mạnh hơn nữa. Đã có những nhà đầu tư muốn đầu tư tiền tỷ vào trường này vì nhìn thấy tiềm năng, nhưng họ chưa đủ tầm và chỉ quan tâm tới lợi nhuận. Do đó, tôi không thể tiếp nhận họ.
* Phải liên tục đổi mới
Giáo dục đại học, đặc biệt là các trường đại học ngoài công lập đang gặp rất khó khăn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng là một thách thức trong lĩnh vực đào tạo. Ông có hướng đi riêng nào cho trường của mình?
- Đúng là giáo dục đại học đang có quá nhiều khó khăn, nhưng trong khó khăn tôi vẫn nhìn thấy cơ hội. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ, đặc biệt là sang học hỏi các trường đại học quốc tế giàu kinh nghiệm về phát triển. Chúng tôi không ngại chi kinh phí lớn để mời các nhà quản trị đại học có kinh nghiệm của Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… sang tư vấn chiến lược phát triển cho trường. Chúng tôi đã mạnh dạn cắt bỏ nhiều tín chỉ không thực sự cần thiết, đây là điều mà nhiều trường chưa dám làm. Sinh viên được học nội dung trọng tâm, tăng cường thực hành và nghiên cứu khoa học, đặc biệt 2 vấn đề là ngoại ngữ; kỹ năng mềm, học và làm việc theo nhóm. Trường sẽ đi đầu trong công nghệ giảng dạy trực tuyến, trong đó khoa cơ bản sẽ tiên phong trong công nghệ này. Sinh viên có thể học chính trị, toán, lý thuyết... bằng hình thức trực tuyến. Ngoài ra, sinh viên có thể đăng ký học tự chọn nhiều môn học phù hợp.
Trường của ông sẽ thực hiện sứ mệnh gì và có tầm nhìn như thế nào trong tương lai?
- Trường đại học công nghệ Đồng Nai sẽ thực hiện sứ mệnh là trường đại học ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tầm nhìn của chúng tôi tới năm 2030 sẽ trở thành trường đại học ứng dụng tiên tiến trong và ngoài khu vực với môi trường giáo dục hiện đại. Người học có đủ năng lực cạnh tranh và thích ứng được với nền kinh tế toàn cầu.
Xin cảm ơn ông!
Công Nghĩa (thực hiện)