Sau hơn 20 năm khởi nghiệp, đến nay Nguyễn Ngọc Tuấn là một cái tên quen thuộc trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đồng Nai.
Sau hơn 20 năm khởi nghiệp, đến nay Nguyễn Ngọc Tuấn là một cái tên quen thuộc trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đồng Nai.
Công ty TNHH Luật Việt Á của ông khởi đầu với dịch vụ tài chính - kế toán cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nay đã lấn sân sang lĩnh vực tư vấn thành lập doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, đào tạo và huấn luyện, dịch vụ hải quan và xuất nhập khẩu…
Khoảng 3 năm gần đây, với vai trò là thành viên Hội đồng Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, là giám đốc điều hành và tham gia góp vốn sáng lập 4 công ty trên lĩnh vực sản xuất - thương mại và dịch vụ, ông Tuấn dành nhiều thời gian chia sẻ với giới trẻ về góc nhìn khởi nghiệp của mình. Giữa 2 luồng tư tưởng về khởi nghiệp hiện nay là “thận trọng, đắn đo” và “lao vào khởi nghiệp vô tội vạ” thì ông chọn một góc nhìn khác là “khởi nghiệp thông minh”.
* Con người là trọng yếu
- Ông vừa có chuyến đi trong đoàn góp ý cho dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội trong tháng 5-2017. Suy nghĩ của ông về điều này là gì?
- Về những chi tiết trong luật, xin phép không bàn sâu bởi khó nói hết những mặt được và những mặt hạn chế của cả một luật trong vài câu. Tôi quan tâm đến một khía cạnh sâu xa hơn: sự quan tâm và thừa nhận của Chính phủ và của xã hội đối với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực tế là doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân. Với tôi, sự ra đời và hoàn thiện của luật không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng này, mà là một sự động viên lớn lao cho tinh thần khởi nghiệp và khát vọng theo đuổi sự nghiệp kinh doanh của mọi người.
Trong lịch sử, cả một giai đoạn dài doanh nhân không phải là một đối tượng được tôn vinh và thừa nhận. Song từ khi đổi mới và hội nhập, vị thế doanh nhân đã khác. Từ Luật Doanh nghiệp đến Luật Đầu tư, doanh nghiệp tư nhân ngày một rộng cửa hơn trong nhận thức người dân. Và đến nay, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là sự thừa nhận trọn vẹn nhất về vai trò của doanh nghiệp tư nhân. Tôi rất mừng vì điều đó.
Trong mắt ông, điểm yếu nào là “trọng yếu” của một doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam?
- Rất nhiều chuyên gia đã phân tích khía cạnh này, với những điểm yếu cơ bản dễ nhìn nhận, như: vốn, kinh nghiệm, tầm nhìn… Tôi chỉ muốn góp thêm một góc nhìn: doanh nghiệp nhỏ và vừa rất ít quan tâm đến yếu tố con người. Họ coi giáo dục con người, cụ thể là nhân viên và cả những người quản trị doanh nghiệp, như một dạng chi phí. Thực tế nên coi đó là một dạng đầu tư vì khi có đội ngũ tốt, nhân viên tốt, lợi nhuận mới đến.
Tôi nghĩ về khả năng quản trị và sắp xếp công việc, giới chủ cần học, nhân viên cũng cần được đào tạo liên tục để thích nghi với môi trường cạnh tranh mới. Đầu tư vào con người không bao giờ lỗ cả. Sâu xa hơn, không chỉ đầu tư về mặt “tài”, mà còn phải rèn luyện “đức” cho những người tham gia doanh nghiệp, vì đạo đức cũng là một giá trị bền vững của người làm kinh doanh.
Nếu nói giới chủ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa được huấn luyện nhiều ở vai trò người làm chủ thì sai hay đúng?
- Khó bàn chuyện sai hay đúng vì mỗi người mỗi cách, mỗi doanh nghiệp có quan điểm làm ăn riêng của mình.Song khi tiếp cận với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…, tôi thấy tư duy làm chủ doanh nghiệp của họ có khác so với Việt Nam. Chủ doanh nghiệp thường dành thời gian để vạch chiến lược phát triển, học hành và phát triển bản thân, cập nhật các công cụ quản lý mới… và có họ hay không có họ thì doanh nghiệp vẫn vận hành tốt.
Giới chủ nhỏ và vừa tại Việt Nam dường như còn dành quá nhiều thời gian và công sức cho các công đoạn như tham gia vào quy trình sản xuất, tự mày mò các công cụ quản lý… và họ thường phải có mặt toàn thời gian tại doanh nghiệp. Tư duy “lấy công làm lời” này không sai trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, song sẽ là lãng phí nếu không thay đổi. Bởi doanh nghiệp ngày nay phải cạnh tranh trong một thị trường thông minh và chuyển biến nhanh, nên tư duy người làm chủ cũng cần thích ứng.
Ông nghĩ gì về mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp của Chính phủ trong mấy năm tới?
- Tôi nghĩ nếu đạt được điều đó thì quá tốt, song số lượng không quan trọng bằng chất lượng. Có nhiều doanh nghiệp cũng không để làm gì nếu doanh nghiệp đó hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, đặt mục tiêu rồi phấn đấu cũng không có gì đáng phê phán. Vấn đề là phải hỗ trợ, kiểm soát, đào tạo, tạo điều kiện và môi trường để những người khởi nghiệp có “đất dụng võ” tốt hơn.
* Không quá tập trung vào kiếm tiền
Là một người khởi nghiệp tương đối thành công, ông nghĩ gì về những cảnh báo về thất bại với những người đang muốn khởi sự một công việc làm ăn?
- Thất bại là chuyện bình thường. Tôi từng khởi nghiệp bằng nghề kinh doanh nông sản và trắng tay, mất trọn số vốn 40 cây vàng năm 25 tuổi. Thời điểm đó (năm 1997), số tiền đó cũng rất lớn, nhất là với một người xuất thân nghèo khó như tôi. Để có 40 cây vàng đó, tôi có nhiều năm vừa học vừa làm đủ thứ nghề và thành công cũng tương đối sớm. Nhưng khi tham gia vào một lĩnh vực mới, tôi nếm mùi thất bại ngay. Tôi coi đó là một bài học lớn và lại bắt tay vào học hỏi để làm lại từ đầu.
Khi kinh doanh phải kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu những rủi ro tổn thất và chấp nhận rủi ro thất bại chực chờ, ngay khi bạn đã có trong tay một doanh nghiệp lớn. Đó cũng là điều thú vị của kinh doanh nên đừng quá sợ thất bại. Vấn đề là mình rút ra được điều gì cho bản thân sau những lần “té đau” đó.
Ông nhìn nhận thế nào về phong trào khởi nghiệp hiện nay?
- Với tôi, thà làm rồi thất bại một cách đàng hoàng còn hơn là chỉ ngồi một chỗ chỉ để sợ hãi, lo lắng mà không làm gì hết. Nói thực lòng, mấy năm qua tôi tiếp xúc với rất nhiều người khởi nghiệp và số lượng thành công ngay lần đầu là rất ít. Song, với những người kiên nhẫn, quyết tâm, có hoài bão và dám làm lại, họ dễ thành công hơn.
Nếu khởi nghiệp và thành công quá dễ dàng thì không có nhiều luồng ý kiến đến thế về vấn đề này. Tất cả những người thành công mà tôi đã gặp hầu hết đều trải qua thất bại không ít thì nhiều. Tuy nhiên, điểm chung giữa họ là họ biết sử dụng thất bại đó như một bài học hiệu quả cho bản thân mình để không phạm phải sai lầm cũ trong lần khởi nghiệp tiếp theo.
Khái niệm “khởi nghiệp thông minh” liệu có mang tính hô hào và lý thuyết quá không?
- Đó chỉ là một cách hiểu ngắn gọn, không có gì phức tạp quá, cũng không mang tính lý thuyết. Khi khởi sự bất kỳ một công việc nào, tôi nghĩ cũng cần tìm hiểu và học hỏi kỹ càng, huống chi là khởi nghiệp kinh doanh.
Chúng ta nên xem việc điều hành doanh nghiệp như một nghề, mà đã là nghề thì cần phải học và làm nhiều để giỏi nghề. Học những khóa học ngắn về kỹ năng quản trị, sắp xếp công việc, tư duy, học và hỏi thêm thông tin về thị trường, về mặt hàng/dịch vụ mình đang định kinh doanh, học cách sử dụng các công cụ có sẵn để không quá bận lòng về những thứ râu ria mà dành được nhiều thời gian hơn cho việc vạch ra chiến lược… Tất cả đều là học, càng làm kỹ khâu này thì những vấn đề phải đối diện khi bắt tay vào khởi nghiệp càng nhẹ nhàng hơn.
Ở giai đoạn đầu khởi nghiệp, khi chi phí còn ít, người chủ có thể tư duy theo kiểu “lấy công làm lời”, tham gia làm việc khâu này một chút, khâu kia một chút. Song khi đã bắt đầu ổn định, cần tập trung cho những mục tiêu lớn hơn.
Quan niệm của ông về thành công trong kinh doanh ra sao?
- Dĩ nhiên, thành công của một doanh nghiệp là gia tăng giá trị doanh nghiệp bên cạnh lợi nhuận. Nhưng lợi nhuận đó phải được đặt trong mối tương quan chung của đời sống. Chẳng hạn, doanh nghiệp A kiếm được 1 đồng, song lại gây hại môi trường đến 2 đồng thì không hiệu quả.
Tương tự, lãi 1 đồng song lại bóc lột sức lực công nhân 3 đồng thì cũng không ổn. Về lâu dài, cân bằng lợi ích giữa các yếu tố: con người, môi trường, tác động xã hội, lợi nhuận... mới là một doanh nghiệp hiệu quả thực sự. Làm lệch một trong các yếu tố đó, doanh nghiệp khó mà tồn tại lâu dài, khó có vị trí thực sự trong lòng xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)