Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (ấp 1, xã Bình Lộc, TX.Long Khánh) là đơn vị đầu tiên được cấp chứng nhận trái chôm chôm đạt chuẩn VietGAP của Đồng Nai
Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (ấp 1, xã Bình Lộc, TX.Long Khánh) là đơn vị đầu tiên được cấp chứng nhận trái chôm chôm đạt chuẩn VietGAP của Đồng Nai. Đây là mô hình điểm hợp tác xã sản xuất giỏi, ứng dụng tốt khoa học - kỹ thuật để làm ra trái cây sạch cung ứng cho thị trường, từng được đoàn công tác của Thủ tướng ghé thăm. Hiện tại, cuộc sống của nhiều xã viên đã và đang khá lên, thậm chí làm giàu. Người “cầm lái” của tập thể năng động này là lão nông 64 tuổi - ông Phùng Thanh Tâm.
“Vác tù và” ở tuổi 60
Điều gì khiến ông tham gia vào hợp tác xã khi đã bước vào tuổi nghỉ hưu?
Thực tế, đến nay nhiều nông dân vẫn không biết trái chôm chôm Long Khánh được cấp chỉ dẫn địa lý và ý nghĩa của điều này nên vẫn sản xuất theo kiểu tự phát. Nhà nước cũng cần quan tâm đến công tác tuyên truyền để người dân biết về tiềm năng cũng như giá trị của loại đặc sản địa phương này. Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc đang triển khai dự án cánh đồng lớn cho cây chôm chôm. Tin vui là dự án được nông dân rất quan tâm và đến nay các hộ nông dân đã đăng ký tham gia hơn 100 hécta chôm chôm. |
- Năm 2012, Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc thành lập. Tôi được mọi người bầu vào vị trí chủ nhiệm khi đã bước vào tuổi 60. Nói thật tình, lúc đầu tôi tham gia hợp tác xã để... cho vui vì trước đó tôi là tổ trưởng tổ hợp tác cây chôm chôm sạch Bình Lộc. Sau mới thấy rõ ràng hợp tác xã mang lại lợi ích nhiều cho xã viên, như: cung ứng vật tư nông nghiệp với giá gốc, được hỗ trợ lắp hệ thống tưới nước nhỏ giọt, làm chứng nhận sản phẩm VietGAP... Ngoài lợi ích kinh tế, xã viên được tập huấn để nâng cao kỹ thuật sản xuất. Chính mong muốn làm được điều gì đó cho cộng đồng đã giữ tôi gắn bó với hợp tác xã tới bây giờ.
Ông đã chuẩn bị những gì để trở thành “đầu tàu” của hợp tác xã chôm chôm VietGAP đầu tiên của tỉnh?
- Vào hợp tác xã, tôi mới bắt đầu được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ thuật sản xuất, nắm bắt thông tin, kinh nghiệm tìm thị trường cho sản phẩm. Có lần tôi tôi bỏ cả tuần lễ lên TP.Biên Hòa tham dự một lớp học nghiệp vụ kế toán. Vào lớp, giảng viên biết tuổi của tôi đã hỏi ngồi ở đây với mục đích gì và có hiểu được nội dung học không. Tôi nói, dù 10 phần tôi chỉ hiểu được 2 phần nhưng nhờ đó tôi biết bản báo cáo kế toán là đúng hay sai.
Bắt tay vào làm VietGAP cho chôm chôm truyền thống dễ hay khó, thưa ông?
- Ban đầu, để vận động nông dân tham gia làm VietGAP rất khó. Khi tôi đi vận động, nhiều người nói thẳng “làm chôm chôm sạch tốn sức mà bán ra đâu khác gì hàng thường?”. Tôi phải kiên trì thuyết phục dần. Giờ xã viên đã vào nếp, dù có tái chứng nhận VietGAP hay không mọi người vẫn làm theo quy trình an toàn, vì điều này bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân người sản xuất.
Ngoài việc đi tiên phong làm chôm chôm VietGAP, hợp tác xã là đơn vị đi đầu trong lắp đặt hệ thống tưới tự động ở vùng này. Toàn bộ 15 hécta diện tích chôm chôm được chứng nhận VietGAP của hợp tác xã đều được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí lắp đặt hệ thống tưới nước, bón phân tiết kiệm vì đây là mô hình điểm để từ đó nhân rộng ra dân.
Chúng tôi còn cải tiến để có thể mở và tắt hệ thống tưới này bằng cách tự động. Theo cách này, nông dân chỉ cần gọi điện thoại để bật và tắt hệ thống tưới tự động mà không cần có mặt tại vườn. Gần đây, hợp tác xã đang tiếp tục thử nghiệm việc xịt thuốc tự động trên cây trồng.
Điều trăn trở nhất của ông hiện nay là gì?
- Chừng nào còn sức, tôi vẫn còn gắn bó với hợp tác xã. Nhưng tôi cũng lớn tuổi rồi, trình độ của tôi cũng chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động của hợp tác xã theo mô hình mới. Điều tôi lo lắng nhất hiện nay là khi mình nghỉ rồi không có lớp trẻ kế thừa, vì các xã viên cũng đều từ 58 tuổi trở lên. Ngay cả con gái tôi, khi tôi cho vài sào đất làm nông, con tôi cũng nói vào làm trong công ty khỏe hơn. Người trẻ bây giờ không mấy ai còn mặn mà với làm nông nghiệp.
Mong trái cây Bình Lộc vươn xa
Cả đời gắn với đất đai, ông chia sẻ cho lớp trẻ điều gì về cuộc đời một nông dân?
- Ông bà, cha mẹ tôi đều là nông dân ở đất Bình Lộc này. Tôi là con trai độc nhất của gia đình có 8 người em gái. Tôi là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ. Khi chiến tranh kết thúc, tôi về quê phụ mẹ làm rẫy nuôi đàn em nhỏ. Các em và 5 người con của tôi đều khôn lớn nhờ đất ruộng, đất vườn. Làm nông rất vất vả, lại lắm rủi ro. Đầu vụ rồi, trái cây đang chờ thu hoạch, bất chợt có cơn mưa đá là thua; nếu thêm giá thấp thì vụ đó nông dân không còn lại gì.
Làm nông nghiệp đòi hỏi phải có đam mê, nhưng nếu được làm lại, tôi vẫn chọn làm nông dân. Vào vụ thu hoạch, hái trái đầu mùa đem vào đặt lên bàn thờ cúng ông bà, tổ tiên. Sau đó, mình thưởng thức, thụ hưởng thành quả đã làm ra. Lúc đó vui lắm chứ! Giờ nông thôn mới cũng đâu thua gì thành thị: đường nhựa, điện thắp sáng khắp ngõ xóm, bệnh viện, trường học khang trang.
Năm 2016, trái chôm chôm nhãn và chôm chôm Java Long Khánh được cấp chỉ dẫn địa lý. Cảm xúc của ông ra sao vào giây phút đó?
- Tôi vui lắm, vì cả nước đâu có nhiều sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý. Long Khánh nổi tiếng với nhiều đặc sản trái cây ngon, như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... Trong đó, chôm chôm nhãn và chôm chôm Java là đặc sản lâu đời của vùng đất này. Trái chôm chôm Java cũng từng xuất khẩu đi Pháp sau khi được kiểm tra chặt chẽ từ mẫu đất, nước, hàm lượng dinh dưỡng... đều đạt. Họ cũng đặt bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu sang Pháp với sản lượng lớn, nhưng hợp tác xã không đáp ứng được yêu cầu có vùng chuyên canh chỉ trồng thuần giống chôm chôm Java.
Vài năm trở lại đây, chúng tôi còn cung cấp chôm chôm sạch vào kênh siêu thị ở Hà Nội. Nông dân chúng tôi luôn mong được góp một phần sức để những đặc sản trái cây địa phương thoát khỏi lũy tre làng.
Nhưng vùng đặc sản chôm chôm bản địa ngày càng giảm diện tích, ông suy nghĩ gì về điều này?
- Tôi buồn. Không khéo sau này chỉ dẫn địa lý có mà sản phẩm không còn. Từ năm 1980 trở đi, cây chôm chôm mới bắt đầu phát triển mạnh ở vùng đất này. Riêng xã Bình Lộc có trên 1 ngàn hécta chôm chôm, chủ yếu là giống Java và chôm chôm nhãn. Nhưng giờ, hơn 50% diện tích chôm chôm giống địa phương đã đổi thành giống chôm chôm Thái.
Thực tế, chôm chôm Java chỉ cần có giá từ 7 ngàn đồng/kg trở lên thì lợi thế cạnh tranh hơn hẳn chôm chôm Thái. Vì 1 hécta chôm chôm Java đạt 30 tấn, trong khi chôm chôm Thái chưa được 20 tấn; Java lại chín rộ một lần nên khâu thu hoạch cũng khỏe hơn. Diện tích chôm chôm Java ngày càng giảm vì nông dân mới nhìn được cái lợi trước mắt khi chuyển đổi cây trồng chứ chưa nhìn xa đến cán cân cung - cầu. Chôm chôm Thái chủ yếu chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa, trong khi đầu ra của chôm chôm Java rất lớn vì được thị trường xuất khẩu ưa chuộng và có thể đưa vào chế biến.
Ông mong muốn điều gì nếu xét về mặt quản lý Nhà nước để giữ được vùng đặc sản trái cây bản địa?
- Hiện nay, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước có nhiều thay đổi tốt, nhất là trong thu hút đầu tư cho nông nghiệp. Tuần trước, tôi vừa tiếp một chủ doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu để bàn kế hoạch bao tiêu cho trái chôm chôm sạch. Nhưng Nhà nước cần tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ hơn để tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào lĩnh vực này, nhất là trong bao tiêu, chế biến để không còn cảnh nông dân đổ đống nông sản khi vào mùa thu hoạch. Vì doanh nghiệp hiện nay vẫn nghĩ bỏ tiền ra cần thu lại liền, trong khi đầu tư cho nông nghiệp cần lâu dài.
Xin cảm ơn ông!
Bình Nguyên - Vi Lâm (thực hiện)