Được xem là chuyên gia đầu ngành ở Việt Nam về ca cao, TS.Phạm Hồng Đức Phước (nguyên giảng viên Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh) đã gắn bó với quá trình phát triển của cây ca cao tại Việt Nam suốt 20 năm qua.
Được xem là chuyên gia đầu ngành ở Việt Nam về ca cao, TS.Phạm Hồng Đức Phước (nguyên giảng viên Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh) đã gắn bó với quá trình phát triển của cây ca cao tại Việt Nam suốt 20 năm qua. 10 dòng cây giống ca cao chủ lực đã được Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn công nhận tại Việt Nam đều xuất phát từ vườn giống của TS.Phước. Ông cũng là tác giả của cuốn sách Hướng dẫn kỹ thuật trồng ca cao tại Việt Nam.
TS.Phạm Hồng Đức Phước đã chia sẻ câu chuyện trồng ca cao sạch trên vùng dốc đá và quá trình thăng trầm của cây trồng này tại Việt Nam.
* Chọn lọc giống ca cao
Cơ duyên nào khiến ông chọn gắn bó với cây ca cao?
- Tôi gắn bó với cây ca cao khá tình cờ. Đúng 20 năm trước, một buổi đẹp trời tôi ghé thăm giáo sư của mình và được rủ tham gia vào một dự án của Hoa Kỳ về cây ca cao. Vậy là suốt giai đoạn năm 1997-2003, hoạt động chính của tôi là nhập giống ca cao từ các nước trên thế giới và xây dựng vườn ươm giống ca cao tại Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh với khoảng 200 dòng giống khác nhau. Qua sàng lọc, tôi chọn lọc được 40 dòng, trong đó 10 dòng ca cao đã được Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn công nhận. Nghiên cứu giống ca cao là công việc đã gắn bó với tôi suốt 20 năm qua và đến nay tôi vẫn tiếp tục theo đuổi. Thời gian tới, tôi dự kiến tiếp tục xin công nhận thêm một số dòng ca cao mới. Tôi cũng trực tiếp tham gia trồng thí điểm các vườn ca cao tại các tỉnh phía Nam. Trong 6 năm đó, dự án đã phát triển được hơn 100 hécta ca cao.
Đầu năm 2004, tôi tiếp tục tham gia dự án được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tài trợ 6 triệu USD để phát triển cây ca cao tại Việt Nam. Đây là giai đoạn cây ca cao phát triển rất nhanh với diện tích được nhân rộng lên cả chục ngàn hécta tại nhiều tỉnh thành, như: Bến Tre, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk...
Điều gì giữ chân ông theo đuổi cây ca cao suốt mấy chục năm qua?
Chất lượng ca cao Việt Nam tốt nhất thế giới nếu được sản xuất tốt. Ca cao Việt Nam từng đoạt huy chương vàng và lọt vào tốp đầu về chất lượng tại các hội chợ thế giới. Tôi đang chuẩn bị ra dòng sản phẩm chocolate thủ công Đồi Đá. Con trai tôi đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Đồi Đá và đầu tư xưởng chế biến từ khoảng 2 năm nay ngay ở vườn ca cao tại huyện Tân Phú. Chúng tôi đã ra thị trường nhiều dòng sản phẩm, như: mỹ phẩm, bột, rượu ca cao... Nét độc đáo của sản phẩm ca cao, chocolate Đồi Đá là sản phẩm sạch từ quy trình canh tác, được tưới bằng nguồn nước suối trong lành từ đỉnh núi đổ về. Vườn tập hợp 40 dòng ca cao nên hương vị sẽ khác biệt hẳn so với những sản phẩm đã có ngoài thị trường mới chỉ có 10 dòng ca cao được cấp phép. Sản phẩm chocolate Đồi Đá hướng đến thị trường xuất khẩu ở phân khúc cao cấp, làm thủ công, sản lượng ít, làm đến đâu bán hết đến đó. |
- Tôi khởi sự về cây ca cao từ con số 0, thị trường nghiên cứu hoàn toàn bỏ ngỏ, rõ ràng là có nhiều tiềm năng và cơ hội. Tôi vẫn có nhiều thành tựu ở những lĩnh vực khác như nghiên cứu về cây cỏ chống xói mòn đất. Những sinh viên nước ngoài đầu tiên tôi hướng dẫn cũng là về cây cỏ chống xói mòn. Nhưng nghiên cứu về cây ca cao vẫn là trục chính xuyên suốt theo tôi suốt 20 năm qua. Hiện tôi có hợp tác tổ chức 1 vườn giống ca cao đầu dòng tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai, một vườn giống tại tỉnh Đắk Lắk và vườn giống do tôi thành lập tại huyện Tân Phú.
Tiếp xúc với nông dân từ những dự án và thường kết thúc dự án là xong, nhưng tôi vẫn tiếp tục trở lại. Tôi tự bỏ kinh phí để quay lại những vườn ca cao, gặp gỡ nông dân. Những chuyến đi đó đều được đền bù vì tôi luôn có câu trả lời chính xác liên quan đến cây ca cao tại Việt Nam. Và cơ hội hợp tác cứ thế được mở rộng với hàng loạt các dự án về cây ca cao, công việc cứ “lôi” mình đi.
Theo ông, cơ hội phát triển cho cây ca cao trong giai đoạn hiện nay ra sao?
- Giai đoạn hoàng kim của cây ca cao, rất nhiều đại gia về ca cao thế giới muốn tìm vùng nguyên liệu mới cho cây ca cao đã đổ các dự án về Việt Nam. Họ hy vọng Việt Nam có bước phát triển ngoạn mục, trở thành vùng nguyên liệu cung cấp ca cao đạt sản lượng nhất nhì thế giới như sự phát triển của cây lúa, cây tiêu... Dựa trên sản lượng cây, giống đã sản xuất, diện tích ca cao tại Việt Nam có thời điểm lên đến khoảng 25 ngàn hécta.
Nhưng ca cao không phát triển được như kỳ vọng vì khó cạnh tranh được với nhiều cây trồng khác. Giai đoạn này không còn nhiều dự án như trước, nhưng theo tôi vẫn có cơ hội phát triển cho cây trồng này. Vấn đề là nhà đầu tư nên đánh giá lại địa bàn phát triển cho cây ca cao hướng về các tỉnh miền Trung để thay thế cho các cây trồng kém hiệu quả, như: cây mì, cây mía...
* Làm thương hiệu ca cao sạch Đồi Đá
Được biết ông là người đầu tiên nghiên cứu và hướng dẫn nông dân sử dụng thiên địch chống sâu bệnh để trồng ca cao sạch. Lợi ích của sử dụng thiên địch là gì?
- Con bọ xít muỗi gây hại chính trên cây ca cao. 2 con thiên địch là kiến vàng và một loại kiến đen. Sử dụng thiên địch đòi hỏi sự kiên trì vì chỉ cần phun 1 đợt thuốc là “công dã tràng”. Nhưng thành công rồi rất tốt, tốt cho sinh thái môi trường, không hại sức khỏe con người. Về bài toán kinh tế, nó không tốn kém nhiều nếu so sánh chi phí trong 5 năm dùng thiên địch và thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, giá sản phẩm sạch cũng cao hơn hẳn, mang lại ích lợi cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Bản thân tôi cũng cần thu mua nguồn hạt ca cao sạch theo phương pháp sản xuất này.
Mô hình này có dễ được nhân rộng?
- Sử dụng thiên địch trong sản xuất sạch là câu chuyện “xưa như trái đất”, nhưng ở Việt Nam tôi chỉ thấy mới ứng dụng thành công trên cây dừa. Từ năm 2006, sử dụng thiên địch được ứng dụng với cây ca cao. Tất cả các loại sâu bệnh đều có thiên địch, nhưng giải pháp này chủ yếu vẫn nằm trong phòng thí nghiệm. Tôi hướng dẫn rất nhiều nông dân về phương pháp này nhưng chỉ có vài người làm được: 1 nông dân trồng ca cao ở tỉnh Bến Tre, 1 nông dân ở huyện Định Quán và một vài hộ ở tỉnh Tiền Giang. Làm theo hướng này đòi hỏi sự kiên trì và cũng khá công phu, nhanh cần 3-4 tháng, chậm cũng cả năm mới thấy hiệu quả. Nông dân mình thường chỉ quan tâm đến hiệu quả ngay, họ thử một thời gian rồi quay sang dùng thuốc vì giải quyết sâu bệnh nhanh hơn.
Ông chia sẻ gì về câu chuyên trồng vườn ca cao sạch trồng trên triền đá dốc Tân Phú?
- Tôi đã đi nhiều nơi tìm hiểu và quyết định chọn đất tại xã Phú An (huyện Tân Phú) vì không có nơi đâu khó làm bằng đất này. Tôi muốn thử nghiệm trồng ca cao bền vững trên đất vùng cao, bởi qua nhiều năm tôi hướng dẫn nông dân làm nhưng chưa ai làm cho tới nơi. Ở miền Đông Nam bộ và các tỉnh Tây Nguyên, đất dốc rất nhiều và gần như không nơi nào làm tốt kỹ thuật canh tác trên đất dốc.
Tôi nhận mảnh đất này là vào cuối tháng 4-2010 khi mùa khô bước vào đỉnh điểm. Người canh tác trước đó có đắp cái đập nhỏ chỉ đủ nước tưới cho 3 ngàn m2 trồng các loại cây ăn trái. Tôi lắp hệ thống tưới nhỏ giọt và cùng lượng nước đó, tôi làm được 3 hécta. Thời điểm đó, đây là vùng đất không sử dụng được điện thoại, không có nước, không có điện... Đất ở đây lại rất dốc, bên dưới lại đầy đá tảng. Khi bắt tay vào mới thấy thực tế khó khăn hơn mình dự kiến. Tôi trồng ca cao theo bậc thang để hạ độ dốc, giữ cỏ phủ trên bề mặt đất và làm thêm những đoạn mương cục bộ để giảm tốc nguồn nước chảy từ đỉnh dốc xuống nhằm chống xói mòn. Tôi dùng thiên địch để chống sâu bệnh; mùa khô cắt cỏ phủ lên gốc ca cao giữ ẩm, vừa tạo chất hữu cơ cho đất... Nhờ đó, vườn ca cao vẫn đạt năng suất cao, có loại giống đạt mức từ 3-4 tấn hạt khô/hécta (mức trung bình đạt từ 2-2,5 tấn). Đến nay, vườn đã phát triển ổn định và dự kiến tiếp tục mở rộng thêm.
Xin cám ơn ông!
Lê Quyên (thực hiện)