Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố lộ trình tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trong những năm tới. Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Trần Văn Nghĩa đã có cuộc trao đổi với báo chí về những đổi mới ngay trong kỳ thi năm 2018.
Bản in
Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Trần Văn Nghĩa. (Ảnh: Báo Tin tức/TTXVN) |
- Thưa ông, năm học mới đã bắt đầu. Học sinh, phụ huynh và giáo viên rất muốn biết kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 sẽ được tổ chức như thế nào. Ông có thể chia sẻ về điều này?
Ông Trần Văn Nghĩa: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia từ 2015 với mục đích giảm áp lực thi cử cho thí sinh và xã hội, đảm bảo trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Sau 3 năm đổi mới, đến nay công tác tổ chức thi đã đạt được những mục tiêu cơ bản này và được xã hội đánh giá cao.
Vì thế, năm 2018, kỳ thi vẫn được giữ ổn định như năm 2017.
Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia . (Ảnh: Quý Trung/TTXVN) |
Tuy nhiên, về kỹ thuật sẽ có một số điều chỉnh nhỏ, rút kinh nghiệm sau kỳ thi năm 2017.
- Ông có thể cho biết những điều chỉnh nhỏ đó là gì?
Ông Trần Văn Nghĩa: Đề thi năm 2017 đã tạo điều kiện thuận lợi cho phần lớn các trường khi xet tuyển đại học và xét tốt nghiệp.
Tuy nhiên, với một số trường nhóm trên, do điểm khá cao nên việc xét tuyển cũng có khó khăn nhất định.
Vì thế, một trong những chủ trương chính của năm nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục hoàn thiện ngân hàng đề thi chuẩn hóa, đảm bảo đề thi có độ phân hóa cao hơn.
Bộ cũng nghiên cứu để điểm cộng ưu tiên phù hợp hơn.
Từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, kết quả vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để làm cơ sở xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Cấu trúc đề thi theo đó đã có sự thay đổi.
Với cấu trúc đề thay đổi thì việc tính toán mức độ điểm ưu tiên cũng cần điều chỉnh cho phù hợp với cấu trúc đề thi mới.
Việc sắp tới của Bộ Giáo dục và Đào tạo là sẽ phân tích kết quả thi và ảnh hưởng của điểm ưu tiên đến kết quả xét tuyển của thí sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
Trên cơ sở đó, Bộ sẽ xin ý kiến các đơn vị liên quan để có thể điều chỉnh mức điểm ưu tiên giữa các khu vực và các đối tượng.
- Ông có lời khuyên gì đến học sinh và giáo viên trước những điều chỉnh này?
Ông Trần Văn Nghĩa:: Từ năm 2018 đến hết 2020 kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sẽ được giữ ổn định như năm 2017.
Với việc giữ ổn định kỳ thi như vậy, các học sinh và thầy cô giáo đã có cơ sở để ôn tập và yên tâm để có kết quả tốt cho kỳ thi.
Từ năm 2021, kỳ thi sẽ bám sát lộ trình đổi mới chương trình sách giáo khoa.
- Xin cảm ơn ông!
THANH MAI (VIETNAM+)