Báo Đồng Nai điện tử
En

Tôi còn nặng nợ với văn hóa dân gian

07:10, 21/10/2017

Từng viết 5 cuốn sách về văn hóa dân gian Đồng Nai và Nam bộ, TS.Nguyễn Thị Nguyệt, giảng viên Trường đại học văn hóa TP.Hồ Chí Minh, là một trong những nhà khoa học không biết mệt mỏi khi tìm về với cội nguồn dân tộc.

Từng viết 5 cuốn sách về văn hóa dân gian Đồng Nai và Nam bộ, TS.Nguyễn Thị Nguyệt, giảng viên Trường đại học văn hóa TP.Hồ Chí Minh, là một trong những nhà khoa học không biết mệt mỏi khi tìm về với cội nguồn dân tộc. Những cuốn sách ấy trở thành nguồn tư liệu quý trong kho tàng văn hóa Đồng Nai, Nam bộ và cả nước.

Sau khi tốt nghiệp đại học văn hóa chuyên ngành bảo tàng, bà có một thời gian dài làm việc tại Bảo tàng Đồng Nai. Công việc sưu tầm cổ vật đã giúp bà có cơ hội đi tìm và tiếp xúc với nhiều nguồn tư liệu văn hóa dân gian của hơn 10 dân tộc đang sinh sống tại Đồng Nai, từ đó đã thổi bùng ngọn lửa đam mê của bà về nghiên cứu văn hóa dân gian Đồng Nai, khu vực Nam bộ và nhiều nơi khác.

* Đam mê văn hóa dân gian

 Đã có 5 cuốn sách viết về văn hóa dân gian ở Đồng Nai, Nam bộ và những vùng khác, vậy cuốn sách nào bà đã dồn nhiều tâm huyết nhất?

- Tôi có hơn 20 năm làm việc tại Bảo tàng Đồng Nai và chuyên về tìm cổ vật nên kinh nghiệm và kiến thức được tích lũy dần trong quá trình công tác. Ngoài nghiên cứu tư liệu sẵn có, tôi có may mắn là đã gặp gỡ được nhiều già làng, những người cao tuổi của các dân tộc để tìm hiểu thêm về tục lệ, văn hóa dân gian của họ những gì còn lưu giữ và những gì đã phôi phai theo thời gian. Khi đã tích lũy cho mình được vốn kiến thức kha khá về văn hóa dân gian của các dân tộc ở Đồng Nai, năm 2010 tôi bắt tay vào viết sách.

TS.Nguyễn Thị Nguyệt là người Biên Hòa. Bà 2 lần đoạt giải Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức của UBND tỉnh Đồng Nai, 2 lần đoạt giải của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Bà có 5 cuốn sách nghiên cứu về văn hóa dân gian là: Văn hóa - văn vật Đồng Nai, Đồng Nai - Nam bộ với văn hóa phương Đông, Miếu thờ và lễ hội làm chay ở Biên Hòa, Tín ngưỡng dân gian của người Hoa ở Đồng Nai và Lễ hội cầu an, cầu siêu của người Hoa ở Đồng Nai. Ngoài ra, bà còn nhiều bài viết nghiên cứu so sánh văn hóa dân gian Việt Nam với nền văn hóa của một số nước trên thế giới.

Trong 5 cuốn sách tôi viết, có 4 cuốn đã xuất bản và 1 cuốn sắp xuất bản, đều là kiến thức đã nghiên cứu tích lũy trong hơn 20 năm cộng với lao động hiện tại nên rất khó phân định cuốn nào dành nhiều tâm huyết nhất, bởi mỗi cuốn sách khi viết tôi đều dành hết tâm huyết để hoàn thành. Nhưng cuốn Đồng Nai - Nam bộ với văn hóa phương Đông dài khoảng 600 trang có hàm lượng nghiên cứu khá cao vì được mở rộng ra văn hóa dân gian của khu vực Nam bộ và một số nền văn hóa của phương Đông.

 Văn hóa dân gian được coi là cội nguồn văn hóa của dân tộc. Theo bà, lớp trẻ ngày nay có quan tâm nhiều đến văn hóa dân gian?

- Thực ra, văn hóa dân gian đã tiềm ẩn sẵn trong mỗi con người. Khi họ sinh ra và lớn lên ở dân tộc nào đó, văn hóa dân gian đã thấm dần trong họ qua các phong tục, lễ hội, thơ ca, hò vè... Hiện nay công nghệ thông tin phát triển, việc tìm hiểu về văn hóa dân gian không còn quá khó khăn như trước. Có thể chỉ với vài cú nhấp chuột, giới trẻ có thể tìm ra những điều cơ bản về văn hóa của một dân tộc hay vùng miền nào đó tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Đây là thuận lợi lớn cho những bạn trẻ có quan tâm nhiều về văn hóa dân gian.

Theo tôi nhiều bạn trẻ hiện nay cũng rất quan tâm đến văn hóa dân gian bởi nó là cội nguồn của văn hóa dân tộc. Trong chương trình giảng dạy phổ thông, văn hóa dân gian đã được đưa vào giảng dạy trong môn Lịch sử, Ngữ văn, Địa lý song chưa được nhiều, chỉ chọn ra một số nền văn hóa dân gian tiêu biểu. Tại một số tỉnh thành, trong đó có Đồng Nai nhiều trường học đã đưa văn hóa dân gian địa phương mình vào giảng dạy trong những buổi học ngoại khóa, dã ngoại.      

 Trong hội nhập quốc tế sâu rộng, để nền văn hóa Việt Nam vẫn giữ được bản sắc riêng thì phải lưu giữ và phát triển được văn hóa dân gian. Như vậy có nên đưa vào chương trình ngoại khóa giảng dạy cho các em học sinh về văn hóa dân gian của chính địa phương mình nhiều hơn?

- Tôi đã có nhiều năm làm việc tại Đồng Nai nên cũng thấy có những trường học rất quan tâm đến vấn đề này khi thi thoảng đã tổ chức cho các em học sinh tham quan Bảo tàng Đồng Nai, các địa danh về văn hóa lịch sử trong tỉnh. Bảo tàng là nơi lưu giữ nhiều cổ vật của các dân tộc trên địa bàn tỉnh và gắn với văn hóa dân gian của từng dân tộc, qua đó các em sẽ hiểu thêm về văn hóa dân gian của từng dân tộc tại Đồng Nai. Đây cũng là một cách để các em biết và hiểu rõ hơn về văn hóa, cội nguồn của các dân tộc, quá trình hình thành và phát triển. Khi các em hiểu rõ về văn hóa dân gian sẽ thấy yêu quý hơn nơi mình đã sinh ra và lớn lên và sau này trưởng thành sẽ góp phần gìn giữ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Như vậy, Việt Nam tham gia vào hội nhập sâu thì nền văn hóa cũng không lo bị “hòa tan”.

* Bình đẳng giới nên nhìn rộng hơn

 Ngoài nghiên cứu về văn hóa dân gian, bà còn có những nghiên cứu, giảng dạy về bình đẳng giới. Nhân dịp thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20-10, bà đánh giá ra sao về vấn đề bình đẳng giới trong các gia đình hiện nay?

- Bình đẳng giới nên nhìn rộng ra chứ không nên chỉ dừng lại ở việc trong gia đình phụ nữ làm việc này thì đàn ông phải làm việc kia. Bình đẳng giới nên hiểu là trong gia đình người phụ nữ phải được tôn trọng, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc để cuộc sống thoải mái và hạnh phúc hơn. Trong đó, phụ nữ không bị các bạo lực về mặt thể chất, tinh thần, không bị phân biệt đối xử giữa nam và nữ... Tôi từng tham gia giảng dạy ở nhiều nơi và có người đã hỏi tôi bạo lực trong gia đình ở thành phố nhiều hơn hay ít hơn ở nông thôn? Đây là vấn đề đến nay cũng chưa có câu trả lời rõ ràng. Vì ở nông thôn trình độ học thức của người dân chưa cao, bạo lực gia đình thường về thể chất là người đàn ông khi bực bội có thể “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ, việc này người xung quanh dễ phát hiện. Ở thành phố nhiều người có học thức cao, việc bạo lực thể chất trong gia đình có thể ít, song bạo lực về tinh thần rất khó biết nếu những người đang phải chịu không nói ra.

Văn hóa dân gian chính là cội nguồn của văn hóa dân tộc, bởi văn hóa dân gian gắn với quá trình lịch sử lâu đời của dân tộc. Đây là nguồn sản sinh, nuôi dưỡng phát triển văn hóa dân tộc. Nơi nào có con người sinh sống là nơi đó có văn hóa mà văn hóa bắt nguồn từ văn hóa dân gian. Văn hóa dân gian phản ánh quá trình lao động, sáng tạo của quần chúng nhân dân qua từng thời kỳ. Vì vậy nghiên cứu, hiểu được văn hóa dân gian mới có thể lưu giữ và phát triển văn hóa dân tộc để trong xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập và giao lưu quốc tế, Việt Nam hòa nhập chứ không “hòa tan”, luôn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhưng theo đánh giá khách quan của tôi thì bình đẳng giới hiện nay đã có nhiều bước tiến bộ, người phụ nữ trong gia đình không còn phải chịu nhiều sự gò ép của phong tục và gánh nặng như trước đây. Đồng thời, việc phân biệt đối xử giữa nam và nữ tuy vẫn còn nhưng cũng đã giảm nhiều.

 Liệu có mâu thuẫn khi đòi hỏi phải bình đẳng giới, nhưng lại mong muốn phụ nữ phải công, dung, ngôn, hạnh, khéo léo nhạy bén trong sự nghiệp?

- Như tôi đã nhấn mạnh ở trên là bình đẳng giới nên hiểu theo nghĩa rộng. Phụ nữ trong xã hội ngày càng được trân trọng hơn và có thể khẳng định vai trò, vị trí của mình ở nhiều lĩnh vực. Họ bớt bị những hủ tục nặng nề phân biệt nam - nữ cản trở nên dễ dàng thực hiện ước mơ, mong muốn. Tuy nhiên trong nhiều gia đình, phụ nữ vẫn phải gánh vác công việc nhiều hơn so với đàn ông. Cụ thể như vợ chồng cùng đi làm việc, nhưng khi về nhà đa số phụ nữ phải tất bật với chuyện nội trợ thì nhiều người đàn ông lại khá thảnh thơi chỉ xem tivi, đọc báo hoặc tập thể dục. Thực tế cũng có những người đàn ông sẵn sàng chia sẻ việc nhà với vợ để phụ nữ có thêm thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân, nhưng số này chưa nhiều. Đôi khi cũng do người phụ nữ coi những việc trên mình phải làm là đương nhiên, không cần chia sẻ nên lâu dần tạo thành một thói quen trong gia đình. Do đó, bình đẳng giới ở mỗi gia đình có thể thực hiện mềm dẻo để đem lại hạnh phúc và thỏa mãn chung cho mọi người.

 Xin cảm ơn bà!

 Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều