Vừa bước vào tuổi 21, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Lê Duy Chín (ngụ thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) đã theo tiếng gọi của non sông từ biệt quê hương Hà Tĩnh lên đường nhập ngũ.
Vừa bước vào tuổi 21, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Lê Duy Chín (ngụ thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) đã theo tiếng gọi của non sông từ biệt quê hương Hà Tĩnh lên đường nhập ngũ. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ở tuổi 88 ông vẫn còn giữ nguyên phong cách một người lính và luôn tin tưởng lớp trẻ sẽ tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Lê Duy Chín. |
Ngày 7-9-1951, ông Chín nhập ngũ tham gia chiến đấu tại nhiều chiến trường thuộc trung Lào, hạ Lào, Campuchia... Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông lại tiếp tục lên đường hành quân vào miền Nam chiến đấu, tham gia rất nhiều trận đánh tại Long Khánh, Dầu Giây, Trảng Bom... cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
* Đi qua 2 cuộc chiến tranh
Điều gì khiến ông quyết tâm gắn bó cả đời với con đường binh nghiệp?
- Lớn lên trong thời kỳ đất nước đang gặp chiến tranh, người dân đói khổ, lầm than vì chịu ách thống trị của thực dân Pháp nên 14 tuổi tôi đã tham gia kháng chiến. 21 tuổi, cũng như bao nhiêu thanh niên khác tôi theo tiếng gọi của non sông nhập ngũ để bảo vệ đất nước. Thời kháng chiến chống thực dân thực dân Pháp, mọi vũ khí còn thô sơ nên mức độ ác liệt không như thời chống đế quốc Mỹ. Tôi đã tham gia 26 trận chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp, chứng kiến không ít đồng đội, đồng bào của mình đã hy sinh anh dũng để bảo vệ đất nước. Đây cũng là lý do khiến tôi quyết tâm sẽ gắn bó với con đường binh nghiệp lâu dài.
Kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, tôi xung phong lên đường vào chiến trường Nam bộ. Suốt quá trình chống đế quốc Mỹ cứu nước, tôi đã tham gia gần 200 trận đánh lớn, nhỏ tại Đồng Nai. Tuy bị thương vài lần nhưng tôi may mắn hơn nhiều đồng đội khác là còn sống sót, chứng kiến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước độc lập. Để thống nhất nước nhà, biết bao chiến sĩ, đồng bào của chúng ta đã không ngại hy sinh xương máu.
Từng tham gia hơn 200 trận đánh lớn, nhỏ, trận chiến đấu nào làm ông nhớ nhất?
- Thực ra, mỗi trận đánh lớn, nhỏ đều ghi lại trong ký ức của tôi. Bởi mỗi trận đánh đều rất ác liệt và tôi đều chứng kiến cảnh đồng đội của mình bị thương, hy sinh. Có những chàng trai, cô gái mới đôi mươi còn rất trẻ vừa nhắc đến chuyện yêu đương mặt đã đỏ bừng, vậy mà khi cầm súng chiến đấu lại rất gan dạ, sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đại tá Lê Duy Chín trong chiến tranh chống thực dân Pháp đã được tặng 1 Huân chương Kháng chiến hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng ba. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ được tặng 19 Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang... |
Trận đánh khiến tôi nhớ nhất là vào ngày 19-8-1968, khi ấy tôi được giao chỉ huy đại đội hơn 30 người phục kích đoàn xe tăng 24 chiếc của Trung đoàn thiết giáp 11 của Mỹ sẽ hành quân qua khu vực gần ngã ba ông Đồn (huyện Xuân Lộc). Tôi phân công cho các chiến sĩ nằm phục kích dọc tuyến đường quốc lộ 1 để chờ địch. Đúng 4 giờ 30 chiều, địch chia làm 2 đoàn xe tăng yểm trợ cho nhau tiến đến trận địa phục kích của quân ta và tôi ra lệnh nổ súng. Trận đánh diễn ra rất ác liệt vì địch có vũ khí hiện đại và còn được sự yểm trợ của máy bay trên không. Sau hơn 1 tiếng chiến đấu, phía ta đã đốt cháy 12 xe tăng và làm địch chết 84 tên. Đây là trận chiến thắng lớn, quân ta bị hao tổn lực lượng rất ít nhưng lại làm địch thiệt hại nặng nề khiến cho chúng bớt hung hăng.
Đã có 50 năm gắn bó với Đồng Nai, cảm nhận của ông về vùng đất và con người nơi này như thế nào?
- Đồng Nai được xem như quê hương thứ 2 của tôi, bởi nửa thế kỷ tôi gắn bó với nơi đây. Trong chiến tranh tôi đã được sự trợ giúp, bao bọc của đất và người Đồng Nai nên đã nhiều lần thoát khỏi nguy hiểm, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do đó, khi hòa bình tôi đã đưa vợ con vào thị trấn Vĩnh An sinh sống. Người Đồng Nai sống hào sảng, tình nghĩa, trong chiến tranh thì anh dũng kiên cường, khi chiến tranh kết thúc biết nén lại đau thương, mất mát, bắt tay vào lao động xây dựng quê hương.
Từ chiến trường bị bom đạn cày xới hoang tàn, nhờ bàn tay của con người đến nay Đồng Nai đã trở thành một trong những tỉnh có kinh tế phát triển nhất cả nước. Dù không sinh ở Đồng Nai nhưng tôi có thời gian dài gắn bó, chứng kiến sự đổi thay của nơi này nên rất tự hào về đất và người Đồng Nai.
* Tin vào lớp trẻ
Trong guồng quay của phát triển kinh tế - xã hội, du nhập nhiều nền văn hóa có cả tốt lẫn xấu, một số người lo lắng lớp trẻ với “cái tôi” quá lớn có thể không kế thừa, phát huy được truyền thống dân tộc. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
- Tôi lại có suy nghĩ trái ngược với lo lắng trên. Đúng là xã hội hiện nay phát triển rất nhanh, lớp trẻ ngày nay được nuôi dưỡng, đào tạo tốt hơn trước rất nhiều, vì thế dễ dàng tiếp cận, nắm bắt và làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, người trẻ có nhiều phương tiện để tiếp cận nền văn hóa du nhập từ các nước, song tôi tin thế hệ trẻ sẽ không đánh mất truyền thống mà còn phát huy truyền thống, tinh thần dân tộc khá tốt. Bằng chứng là sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một nước nghèo nàn, lạc hậu nay đã vươn lên trở thành quốc gia có kinh tế phát triển nhanh, đời sống của người dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Có được sự phát triển như vậy là nhờ sự đóng góp của thế hệ trẻ.
Là người đã trải qua không ít mất mát đau thương của chiến tranh, chứng kiến đất nước thống nhất, quá trình đổi mới, ông có những kỳ vọng và mong muốn gì ở những thế hệ tương lai?
- Như tôi đã nói ở trên, tôi rất tin tưởng vào thế hệ trẻ sẽ kế nghiệp truyền thống của cha ông, tiếp tục đưa đất nước ngày càng lớn mạnh. Và tôi mong thế hệ tương lai sẽ luôn ghi nhớ lời của Bác Hồ đã dạy: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Thế hệ trẻ hôm nay may mắn không phải sống trong chiến tranh nên họ chưa phải trải qua thử thách sống còn, nhưng dòng máu con cháu Lạc Hồng vẫn chảy trong trái tim mỗi con người nên khi Tổ quốc cần, tôi nghĩ họ vẫn sẵn sàng hướng về.
Ông đánh giá về việc giáo dục truyền thống hiện nay như thế nào?
- Hiện nay các cơ quan, đoàn thể, nhà trường rất chú trọng việc giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, theo tôi nên giáo dục truyền thống sớm cho thế hệ trẻ thông qua những bài học nhưng nên làm cho mềm mại, gần gũi và dễ nhớ. Như vậy sẽ dễ dàng đi vào tâm trí các em, hình thành cho các em tinh thần dân tộc để khi trưởng thành ở bất kỳ môi trường nào các em cũng có thể phát huy khả năng của mình để xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng giàu đẹp.
Sau gần 40 năm phục vụ trong quân đội, về hưu ông vẫn tiếp tục tham gia hoạt động tại địa phương. điều gì khiến ông có sức đóng góp bền bỉ như vậy?
- Tôi phục vụ trong quân ngũ 38 năm, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và chiến trường Tây Nam. Sau đó, tôi được rút về tham gia gỡ mìn, bảo vệ an toàn cho các chuyên gia Liên Xô sang giúp Việt Nam xây dựng công trình thủy điện Trị An. Năm 1989, tôi nghỉ hưu về địa phương lại được các đồng chí lãnh đạo tỉnh tín nhiệm giao cho trọng trách cùng một số đồng chí khác thành lập Hội Cựu chiến binh tỉnh và các địa phương.
Năm 1990, tôi về làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Vĩnh Cửu và đến năm 2007 khi đã 77 tuổi mới nghỉ. Điều khiến tôi có thể bền bỉ tham gia quân đội và công tác tại địa phương là vì tôi nghĩ đến những đồng đội của mình đã nằm xuống, không có may mắn được hưởng không khí độc lập, chứng kiến đất nước từng ngày thay da đổi thịt. Tôi còn sống nên phải sống cho xứng đáng với các đồng đội đã hy sinh và làm tiếp những tâm nguyện mà họ chưa kịp làm. Vì vậy, khi còn sức khỏe tôi vẫn tiếp tục làm việc để đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (Thực hiện)