Thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Nai vào Nhật Bản tăng cao có một phần là nhờ vào sự hỗ trợ của ông Tạ Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản. Ông đã trợ giúp các doanh nghiệp (DN) của tỉnh khá nhiều trong khâu xúc tiến thương mại, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Nai vào Nhật Bản tăng cao có một phần là nhờ vào sự hỗ trợ của ông Tạ Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản. Ông đã trợ giúp các doanh nghiệp (DN) của tỉnh khá nhiều trong khâu xúc tiến thương mại, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Từ cuối năm 2017 đến nay, Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Đồng Nai, chỉ sau Hoa Kỳ. Đây là thị trường đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm, song hàng hóa vào được quốc gia này sẽ có giá bán cao, đầu ra ổn định.
* Mất 5-15 năm để mở đường cho một loại trái cây vào nhật
Đồng hành với DN Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản trong những năm qua, ông thấy đâu là điểm mạnh của họ?
- Nhật Bản là quốc gia đòi hỏi rất cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm (hơn cả các nước châu Âu) nhưng các DN Việt vẫn từng bước mở rộng thị trường khó tính này. Ngoài sản phẩm công nghiệp như: dệt may, giày dép, điện tử, sản phẩm từ gỗ... các DN trong nước còn xuất khẩu được hàng thủy sản, trái cây, thực phẩm chế biến. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này khoảng 16,8 tỷ USD và là thị trường xuất siêu của Việt Nam.
Theo tôi, các DN Việt Nam ngày càng am hiểu thị trường Nhật Bản hơn, năng lực sản xuất cũng được nâng tầm, điều đó được thể hiện qua việc kim ngạch xuất khẩu vào thị trường trên liên tục tăng qua các năm.
Ưu điểm của DN Việt là kịp thời tìm hiểu, sản xuất những mặt hàng người tiêu dùng nước này cần và đáp ứng được các yêu cầu của đối tác để đưa hàng hóa xâm nhập thị trường cao cấp.
Vậy theo ông, đâu là điểm yếu của DN Việt trong xuất khẩu cần khắc phục ngay?
- Dù kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản những năm gần đây có mức tăng trưởng khá và DN cũng có nhiều nỗ lực để mở rộng thị trường, nhưng thực tế vẫn còn nhiều cơ hội DN Việt đã bỏ lỡ chưa tận dụng hết. Nhiều loại sản phẩm của Việt Nam phía Nhật Bản đang cần số lượng lớn nhưng DN chưa đáp ứng được. Nếu các DN trong nước liên kết chặt với nhau để có số lượng hàng hóa nhiều đáp ứng các đơn hàng lớn sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn nữa.
Năm 2018 xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản liệu có đột phá mới?
- Nhận định của tôi là xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản trong năm 2018 tiếp tục ổn định và giữ mức tăng trưởng khá vì DN trong nước đang có lợi thế từ Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản có hiệu lực từ tháng 10-2009 và mới đây là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Chỉ riêng 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản đạt 2,6 tỷ USD. Ngoài những sản phẩm công nghiệp thì thủy sản, trái cây, nông sản chế biến là những mặt hàng có tiềm năng DN có thể tìm hiểu và tăng sản lượng xuất khẩu.
Đến nay đã có những loại trái cây nào của Việt Nam vào được Nhật Bản, và trong thời gian tới sẽ có thêm loại quả nào?
- Loại trái cây đầu tiên Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là trái thanh long ruột trắng vào năm 2009, tiếp đến là quả xoài vào năm 2015, thanh long ruột đỏ vào đầu năm 2017 và gần đây là chuối. Mặt hàng nhãn, vải đang được đàm phán phân tích rủi ro, dịch hại. Quá trình đàm phán để xuất khẩu trái cây vào Nhật Bản đòi hỏi thời gian khá dài, cụ thể như trái thanh long phải mất 15 năm, trái xoài khoảng 5 năm.
Hiện nay xuất khẩu trái cây của Việt Nam vào Nhật Bản mang tính “đánh đổi”. Nếu Việt Nam muốn xuất một loại trái nào đó vào nước này thì họ cũng sẽ có một loại trái cây khác xuất sang nước ta. Tuy nhiên, năm 2017 xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang Nhật Bản có kim ngạch tăng gần 90%. Không ít DN Nhật Bản đã sang Việt Nam liên kết đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để đưa sản phẩm xuất vào Nhật, được người tiêu dùng rất ưa thích.
* Đồng Nai là tỉnh đầu tiên xuất thịt gà vào Nhật
Với cương vị tham tán thương mại, thời gian qua ông đã có những hỗ trợ gì cho DN trong nước trong xúc tiến thương mại mở rộng thị trường?
- Tôi và các cán bộ, nhân viên trong thương vụ luôn làm cầu nối giúp các tỉnh, thành trong nước sang Nhật xúc tiến thương mại cũng như tìm các đối tác tiềm năng giới thiệu với DN Việt Nam để họ có thể hợp tác với nhau. Bên cạnh đó, khi DN đàm phán, xuất nhập khẩu gặp khó khăn, tranh chấp thương vụ, chúng tôi đều đứng ra hỗ trợ giải quyết nhanh để giảm tổn thất xuống mức thấp nhất. Do đó, một số vụ tranh chấp đã kịp thời được giải quyết giúp cả 2 bên đều có lợi.
Là người phụ trách thương vụ, tôi luôn chú ý đến việc cung cấp thông tin dự báo thị trường trong ngắn hạn, dài hạn, những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu qua Nhật Bản để DN biết tìm hiểu và có sự chuẩn bị trước. Về phía Chính phủ kịp thời có những chính sách, đàm phán đem lại thuận lợi cho DN.
Đối với những DN không có điều kiện đi lại nhiều có thể liên hệ trực tiếp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, chúng tôi sẽ hỗ trợ các thông tin về thị trường, ngành hàng, giới thiệu hàng hóa đến các DN Nhật Bản đang có nhu cầu. Như vậy DN sẽ giảm được nhiều chi phí, rủi ro trong xúc tiến thương mại và xuất khẩu.
Theo ông, DN của Đồng Nai nên làm gì để có thể giữ vững và mở rộng thị trường này?
- Tôi từng gặp gỡ nhiều DN Đồng Nai đang xuất hàng hóa sang Nhật Bản, thấy họ làm tương đối tốt. Đây là thị trường truyền thống của Đồng Nai nên hàng năm tỉnh và các DN đều có xúc tiến thương mại, đầu tư với phía Nhật Bản. Phía Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng có quan hệ mật thiết với tỉnh để hỗ trợ các đợt xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao. Đồng Nai cũng là tỉnh đầu tiên của nước ta xuất khẩu thịt gà vào Nhật Bản và được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình, mở ra cơ hội cho những DN khác trong xuất khẩu thực phẩm.
Tôi cũng lưu ý các DN là sản phẩm vào Nhật Bản đòi hỏi rất gắt gao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì đây là quốc gia có thu nhập cao nên hầu hết người dân đều sẵn sàng mua sản phẩm với giá cao nhưng chất lượng cũng phải tương xứng. Do vậy, DN muốn xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản phải chú ý luôn đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Xin cảm ơn ông!
Hiện đã có 4 loại trái cây của Việt Nam được xuất sang Nhật Bản là: thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, xoài và chuối. Đây đều là những loại trái cây Đồng Nai có, vấn đề nằm ở chỗ DN phải kết nối với nông dân sản xuất theo đúng quy trình phía Nhật Bản yêu cầu thì mới có thể xuất khẩu được. Họ đòi hỏi rất nghiêm ngặt từ đất trồng, nguồn nước tưới, giống, đầu vào của vật tư nông nghiệp, quá trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói. Vì thế, DN Đồng Nai nếu nhắm đến thị trường trên thì phải đáp ứng và tuân thủ đầy đủ những quy định của họ. |
Hương Giang (thực hiện)