Từ năm 2017 đến nay, Đồng Nai là một trong số những địa phương kiềm chế đáng kể số vụ tai nạn giao thông đường sắt. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi nhận xét:
Từ năm 2017 đến nay, Đồng Nai là một trong số những địa phương kiềm chế đáng kể số vụ tai nạn giao thông đường sắt. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi nhận xét:
Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam. |
- Trong thời gian qua, Đồng Nai đã thực hiện quyết liệt các biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Nhờ đó, trách nhiệm của các cơ quan chức năng cũng như ý thức người dân được nâng lên rõ rệt. Qua đó, tỉnh đạt được những kết quả tích cực trong đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Từ một địa bàn có tình hình giao thông đường sắt khá phức tạp nhưng thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến, tình hình tai nạn giao thông đường sắt được kéo giảm. Đặc biệt trong 4 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, giảm mạnh so với cùng kỳ. Đó là một tín hiệu đáng mừng.
Trong những kết quả công tác đảm bảo an toàn giao thông mà Đồng Nai đã đạt được, ông đánh giá cao kết quả nào nhất và vì sao, thưa ông?
- Một trong những cách làm hay của Đồng Nai để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt chính là rất quyết liệt xóa bỏ đường ngang dân sinh trái phép. Chỉ trong thời gian ngắn, đến nay Đồng Nai đã xóa bỏ được 52/66 lối đi dân sinh trái phép. Tổ chức cảnh giới tại 11 vị trí, hoàn thành xây dựng gần 6km lối đi tạm, đồng thời lắp đặt gần 12km hộ lan tại các khu vực quan trọng. Nhờ vậy mới góp phần bảo vệ an toàn giao thông cho chính người dân địa phương cũng như thực hiện chủ trương do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đưa ra.
Không chỉ Đồng Nai mà tại nhiều địa phương khác việc vi phạm hành lang an toàn đường sắt vẫn còn diễn ra rất nhiều. Theo ông, làm thế nào để xử lý nghiêm tình trạng này?
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, năm 2017 toàn tỉnh xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 10 người và bị thương 8 người. So sánh với cùng kỳ năm 2016, không tăng giảm số vụ, chỉ tăng số người chết và bị thương. Trong 4 tháng đầu năm 2018 không xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, giảm mạnh so với cùng kỳ. |
- Hiện nay, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua 34 tỉnh, thành. Qua quá trình khai thác tại các địa phương, có những khu vực hành lang an toàn giao thông bị xâm phạm, đặc biệt là các khu đông dân cư, khu vực đô thị. Vừa rồi, Cục Đường sắt Việt Nam đã tham mưu, xây dựng Luật Đường sắt 2017 cũng như nghị định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt. Trong đó, quy định rõ về ranh giới, phạm vi bảo vệ công trình và hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Khi các điều khoản luật có hiệu lực, ngoài việc tuyên truyền đơn vị quản lý sẽ phối hợp với các địa phương xác định ranh giới với đường sắt và tích hợp vào hồ sơ quản lý đất đai của địa phương để tránh hiện tượng phổ biến hiện nay là đất trong đường sắt vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Luật cũng quy định rõ ràng trong phạm vi hành lang đường sắt chỉ được trồng cây cao dưới 1,5m, người dân không được thực hiện bất cứ hoạt động nào khác.
Thời gian qua, các sự cố đường sắt xảy ra liên tục, ngành đường sắt cần làm gì để đảm bảo an toàn đường sắt?
- Cục Đường sắt Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng tính tuyên truyền. Phía các doanh nghiệp, công ty vận tải đường sắt tăng cường cho cán bộ, công nhân viên tuân thủ quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, đồng thời thường xuyên đào tạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đó.
Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng đề án tái cơ cấu ngành đường sắt theo hướng Luật Đường sắt mới ban hành với quyết tâm nâng cao chất lượng, khai thác tốt, có hiệu quả tuyến đường sắt hiện có; không để xảy ra các sự cố gây mất an toàn. Mục tiêu của đề án là làm tốt và hiệu quả nhất để thu hút khách hàng như ngành đường sắt từng phục vụ trước đây.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Hải (thực hiện)