GS-TS.Hoàng Chí Bảo, thành viên Hội đồng Lý luận trung ương, là người có thâm niên gần 40 năm báo cáo chuyên đề về Bác Hồ ở các bộ, ngành, đơn vị, địa phương. Ông không nhớ nổi trong suốt 40 năm ấy mình đã kể bao nhiêu câu chuyện ở bao nhiêu nơi về Bác.
GS-TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương là người đã có thâm niên gần 40 năm báo cáo chuyên đề về Bác Hồ ở các bộ, ngành, đơn vị, địa phương. Ông không nhớ nổi trong suốt 40 năm ấy, mình đã kể bao nhiêu câu chuyện, ở bao nhiên nơi về Bác. Thế nhưng có một điều ông luôn nhớ, đó là cảm xúc về Bác luôn mới, không hề nhàm chán. Và ông gọi đó là sự xúc động, là nỗ lực vươn tới sự thấu hiểu và thấu cảm về Bác.
Theo GS-TS. Hoàng Chí Bảo, rất nhiều câu chuyện về Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa thúc đẩy công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Bài học từ Bác về trách nhiệm nêu gương, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên hay làm sao để giám sát quyền lực, hạn chế tham nhũng… chưa bao giờ cũ.
Thước đo là sự hài lòng
* Quan điểm của Bác Hồ về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên như thế nào, thưa ông?
Trong tình hình như hiện nay, sự hài lòng của dân đối với cán bộ, đảng viên là thước đo quan trọng nhất. Không phải vì là chúng ta đang suy thoái mà sâu xa vì Đảng của chúng ta là Đảng cách mạng, Đảng chiến đấu, Đảng hành động, mục tiêu lớn nhất là vì dân, được dân hài lòng mới là thực chất. Nhưng hài lòng ở đây là bằng hiệu quả, chất lượng công việc chứ không phải theo kiểu mị dân, không phải là những thành tích giả tạo lấy lòng dân, hứa hão mà bằng hành động thực tế, tận tâm, tận lực với dân được dân thương, dân yêu, dân quý. |
- Sinh thời Bác Hồ vẫn nói một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền. Bác rất chú trọng vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu là quan trọng nhất.
Đối với đội ngũ đảng viên nói chung, Bác nhấn mạnh “đảng viên đi trước làng nước theo sau”. Nhưng người lãnh đạo từ trong Đảng, chính quyền nhà nước, đoàn thể thì càng phải có trách nhiệm nêu gương.
Trách nhiệm đó biểu hiện như thế nào? Thứ nhất là phải đi tiên phong trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo đúng chức trách của mình để làm gương cho mọi người và nó đo bằng chất lượng, hiệu quả công việc, nói đi đôi với làm.
Thứ hai, nêu gương về mặt đạo đức, nhất là đạo đức của mỗi cá nhân, trong đời sống riêng tư, theo chuẩn mực trong sáng, giản dị, nhân ái, vị tha, khiêm tốn và 4 chuẩn mực là cần, kiệm, liêm, chính để chí công vô tư.
Thứ ba, thái độ đối với dân. Có chức quyền là dễ xa dân lắm mà đó là nguy cơ lớn. Có dân là có tất cả mà mất dân là mất tất cả. Cho nên cán bộ lãnh đạo với trách nhiệm nêu gương thì phải nêu gương về mối quan hệ máu thịt với dân, nói một cách khác phải là tấm gương trong sáng về thực hành công tác dân vận. Hãy ghi nhớ và thực hành những điều Bác nói về dân vận: óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, miệng nói, chân đi, tay làm.
Đó là căn cứ, chuẩn mực của nêu gương, thước đo của nêu gương và phải thể hiện bằng sự hài lòng của người dân đối với cán bộ, đảng viên.
* Thực tế Đảng đã ban hành rất nhiều chỉ thị, nghị quyết nhấn mạnh đến vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nhưng dường như hiệu quả thực hiện chưa được như mong muốn?
- Đúng là Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, những văn bản, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Ngay 19 điều đảng viên không được làm đã là những điều cấm. Nhưng quả thật hiệu quả thực hiện chưa cao, chưa đến nơi đến chốn, nhất là sự gương mẫu trong công tác, trong sinh hoạt, trong đời sống, làm cho người dân mất lòng tin.
* Vậy theo ông, phải làm gì để thực hiện những quy định này thực sự hiệu quả?
- Chú trọng giám sát và kiểm tra. Nhưng ai sẽ giám sát? Trước tiên phải là nội bộ Đảng giám sát nhau. Đây là chỗ mà chúng ta còn yếu bởi thực tế, hầu hết những chuyện tiêu cực, tham nhũng vừa qua là do báo chí và người dân phát hiện, nội bộ Đảng chưa phát hiện được, còn yếu. Yếu là bởi còn chưa đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, nể nang, che chắn cho nhau, chín bỏ làm mười. Đấy là chưa nói đến lợi ích nhóm, vụ lợi, mặc cả, móc ngoặc với nhau, chỉ vì lợi ích riêng của cá nhân hay lợi ích nhóm.
Do đó, phải chữa ngay từ trong nội bộ Đảng bằng cách đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, siết chặt kỷ luật kỷ cương. Phải coi Điều lệ Đảng như là bộ luật của Đảng và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới cần phải sửa điều lệ để bổ sung vấn đề giám sát, xử lý kỷ luật, nhất là phải quy định một hệ thống các chế tài. Không có chế tài chỉ có răn đe suông về đạo lý là không có hiệu quả, phải xử lý nghiêm minh, trừng phạt nghiêm khắc theo pháp luật và Điều lệ Đảng.
Nhiều kênh giám sát
* Để giám sát tốt phải thông qua những kênh nào, thưa giáo sư?
- Có rất nhiều kênh. Giám sát trong nội bộ Đảng mới là 1 kênh. Kênh thứ 2 dư luận xã hội, gắn liền với chủ thể là nhân dân. Phải tạo nên dư luận xã hội lành mạnh, thống nhất, đồng thuận để lên án những cái xấu, cái ác, suy thoái, thoái hóa của bất kỳ ai, nhất là cán bộ, đảng viên. Bác Hồ từng nói: dựa vào dân mà xây dựng Đảng. Dựa vào dân mà giám sát cán bộ, đảng viên bằng cách tạo dư luận để nhân dân phê phán. Cần có cơ chế chính sách quy định để dân được giám sát cán bộ, đảng viên và tiếng nói của người dân phải được coi trọng, đấu tranh chống tiêu cực của người dân phải được bảo vệ. Những kẻ hãm hại, lợi dụng quyền chức để trù dập những người chân chính phải được xử lý nghiêm khắc.
* Vừa rồi Đảng đã xử lý nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó không ít cán bộ là người có chức vụ cao trong bộ máy. Điều này có phải do lỗi từ khâu giám sát yếu?
- Đó là hậu quả. Nếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tốt thì đã không có những chuyện đó xảy ra. Vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới nói, tốt nhất là đừng để xảy ra. Chứ xảy ra dù có quyết liệt sửa chữa thì cũng đã xảy ra rồi.
Tuy nhiên, giám sát thôi cũng chưa đủ đâu. Giám sát dù có đẩy mạnh, có hiệu quả cũng chưa đủ vì nếu như không thay đổi về cơ chế chính sách, đặc biệt là chính sách tiền lương mà Đảng ta trong Hội nghị Trung ương 7 mới đây đã đề cập đến thì dù có tăng cường giám sát cũng không đủ để ngăn chặn những tiêu cực và tệ nạn.
Cuối cùng, phải thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên. Giáo dục không phải chỉ nâng cao nhận thức mà phải đặc biệt chú trọng giáo dục về danh dự, liêm sỉ, giáo dục tự ý thức, tự phê phán, biết nhục khi tham nhũng, nhục nhã khi rơi vào điều xấu, điều ác. Đảng ta chưa chú ý đầy đủ vấn đề này, mới thiên về giáo dục chính trị tư tưởng. Vì vậy mà phải đẩy mạnh giáo dục đạo đức, giáo dục lương tâm, danh dự, liêm sỉ.
* Đây có phải biện pháp giáo dục mới không, thưa giáo sư?
- Với chúng ta vào lúc này là mới nhưng thật ra Bác nói từ lâu rồi. Bác nói : « Phải biết rằng, tham nhũng là một điều rất đáng xấu hổ. Tính tham, lòng tham là điều rất đáng xấu hổ. Nó không xứng đáng với danh hiệu đảng viên Đảng cộng sản ».
Lâu nay, Đảng ta còn ít chú trọng giáo dục về danh dự, liêm sỉ, chỉ nhấn mạnh giáo dục về chính trị.
*Nhưng để thay đổi biện pháp giáo dục không dễ, nhất là khi nói về giáo dục liêm sỉ, danh dự có vẻ đụng chạm, nhạy cảm quá ?
- Chả có gì sợ đụng chạm cả. Nếu vẫn còn ám ảnh về đụng chạm thì không bao giờ giải phóng được mình và các tổ chức Đảng, tạo ra đột phá trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nếu không nhìn thẳng vào sự thật thì anh không đủ can đảm, dũng khí để tự phê bình và phê bình, để trở thành tốt. Xây dựng Đảng vì ai, vì cá nhân, vì Đảng hay vì dân? Nếu luôn luôn lấy thước đo là vì dân thì Đảng sẽ làm tất cả những gì tốt nhất cho dân, kể cả việc phải vạch trần những điều xấu. Đến ủy viên Bộ Chính trị mà còn bị khai trừ ra khỏi Đảng thì còn vấn đề gì nữa mà phải sợ. Khi nào mà không dũng cảm nhìn vào sự thật thì không thể tiến lên được.
* Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã đề cập đến rất nhiều vấn đề được nhân dân quan tâm, trong đó có nhiệm vụ về xây dựng đội ngũ cán bộ. Giáo sư có đánh giá gì về những điểm đột phá về đề án này ?
- Chiến lược công tác cán bộ là một trong những vấn đề rất hệ trọng. Hệ trọng là bởi Đảng ta đánh giá công tác cán bộ xưa nay vẫn là khâu yếu nhất, gắn với tổ chức. Bây giờ cần đến một chiến lược cán bộ để đáp ứng tốt nhất nguồn lực con người cho phát triển đất nước và chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII sắp đến. Nó là khâu quan trọng để góp phần xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh. Hội nghị Trung ương 7 bàn đến công tác cán bộ có điểm mới là đã nhấn mạnh vào việc làm thế nào để có được lực lượng cán bộ có chất lượng thực chất, nhất là đối với cán bộ cấp cao. Từ chuyện bằng cấp, học vấn, đến quy trình đánh giá đạo đức, phẩm chất, năng lực làm thế nào cho thực chất đều được quy định cụ thể.
Hai là xóa bỏ tình trạng nhóm lợi ích thao túng, lạm dụng quyền chức, có vào mà không có ra, nghĩa là cán bộ cũng phải thường xuyên sàng lọc và thường xuyên phải chịu sự đánh giá của tổ chức, dư luận, của nhân dân. Không có chuyện đã vào bộ máy là vào vĩnh viễn, mà có vào là phải có ra.
Xin cảm ơn GS-TS!
Nguyễn Phượng (thực hiện)