Báo Đồng Nai điện tử
En

Ra đảo Thạnh An trốn nóng

08:05, 26/05/2018

Xã đảo Thạnh An thuộc huyện Cần Giờ - hòn đảo duy nhất của TP.Hồ Chí Minh (còn được mệnh danh là "lá phổi xanh" của thành phố) đang là  điểm đến khá "hot" của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ...

Xã đảo Thạnh An thuộc huyện Cần Giờ - hòn đảo duy nhất của TP.Hồ Chí Minh (còn được mệnh danh là “lá phổi xanh” của thành phố) đang là  điểm đến khá “hot” của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ...

Một góc xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh).
Một góc xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh).

Với khoảng cách chưa đầy 70km tính theo đường chim bay, từ trung tâm TP.Hồ Chí Minh phóng xe đến Rừng Sác - Cần Giờ, rồi chỉ 40 phút ngồi đò với giá vé 10 ngàn đồng/người là thấy đảo Thạnh An hiện ra giữa một vùng mênh mông sông nước, bao quanh bởi màu xanh thẫm của rừng đước và con đê chắn sóng trải dài bằng đá.

* Nhớ đêm trắng trên “đảo Ra-Đô”

18 năm trước, tôi và đồng nghiệp từ Biên Hòa lần đầu tiên ra đảo Thạnh An xem lễ hội Nghinh Ông theo thủy trình từ Hội Bài (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ra đảo. Đây cũng là con đường mà 15 năm trước đó rộ lên nạn đưa người vượt biên trái phép với sự tiếp tay của không ít ngư dân trên đảo Thạnh An.

Thời đó đảo Thạnh An bị gọi đùa là “đảo Ra-Đô” bởi nhiều người dân trên đảo dính líu đến hoạt động đưa người vượt biên trái phép đều xài đồng hồ Rado được xem là “xịn” nhất thời bấy giờ.

Tôi còn nhớ, đêm đó khi chúng tôi đặt chân lên Thạnh An thì đã gần 2 giờ sáng. Trên đảo vẫn đang sáng choang đèn điện và có đến vài trăm nam thanh nữ tú nhởn nhơ đi dạo, ngắm sóng trên bờ kè đá hoặc túm tụm nhau ngồi bệt trên các thềm nhà dân nhậu nhẹt một cách rất thoải mái.

Trưởng ban Văn hóa - thông tin xã đảo Thạnh An hồi đó là ông Võ Công Thanh cho biết: “Lễ hội Vía Bà và lễ Nghinh Ông là 4 ngày vui nhất trong năm trên đảo, ngay cả Tết Nguyên đán cũng không vui bằng. Bà con “ăn Tết” đơn sơ lắm, chỉ cúng kiếng trong nhà nhưng đón 2 lễ hội này rình rang lắm”.

Vía Bà là lễ hội lâu đời do lớp cư dân ban đầu trên đảo là người tứ xứ đến làm ruộng muối, chặt đước hầm than và bắt cua, ốc, tôm, cá... đã hình thành chung tín ngưỡng thờ Bà Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ - tiêu biểu cho 5 nguyên khí lớn của trời đất).

Sau ngày giải phóng, cư dân Thạnh An bắt đầu phát triển các loại tàu thuyền đánh cá xa bờ và tục thờ cúng thủy tướng Nam Hải (vị thần cứu nạn trên biển) được lập ra. Từ đó, lễ Nghinh Ông được tổ chức rầm rộ, quy mô hơn lễ Vía Bà. Trong 4 ngày lễ hội, hơn 4 ngàn người dân trên đảo đón trên 2 ngàn lượt khách từ TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... ra đảo dự lễ và vui chơi.

Trong số khách đó, đông nhất là dân Phước An, Phước Khánh, Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) bởi phần lớn dân cố cựu trên đảo Thạnh An có gốc gác, họ hàng ở vùng đất ven rừng Sác này. Nhiều trận bão lớn trong thời gian qua, chính Phước An cũng là bến neo đậu an toàn cho tàu thuyền trên xã đảo dạt qua lánh nạn.

Hòn đảo rộng 131km2 với 781 hộ dân của TP.Hồ Chí Minh lại còn có mấy chuyện nữa “dính líu” với Đồng Nai.

Tôi còn nhớ Chủ tịch UBND xã đảo Thạnh An lúc đó là ông Hồ Văn Luông cho biết, chuyện “khó nhứt đời” ở đảo xa này là nước sinh hoạt. Trước đây bà con phải đưa ghe qua Cần Giờ “đổi” từng phuy  nước sạch đem về  phân phối lại thì nay có hệ thống cung cấp nước dẫn từ Phước Thái (huyện Long Thành) về. Bên cạnh đó, con đường nội đảo dài 1,4km nối dài từ  đầu này thông suốt đến đầu kia đảo cũng được đắp bằng đá, đất đỏ lấy từ Long Khánh.

Trở về Đồng Nai rồi, tôi vẫn còn rất ấn tượng với chuyện một cái đảo nhỏ không có chợ, không có nhà trọ vẫn hân hoan đón số lượng khách đông bằng phân nửa dân số của mình với lời nói đầy vẻ tự hào của ông “chủ tịch đảo” Tám Luông: “Dân trên đảo này hiếu khách lắm. Nhà nào cũng mở rộng cửa suốt mấy ngày lễ hội, khách lạ quen gì cũng có thể ghé vào nằm ngủ qua đêm”.

* Phát triển mạnh nghề... “3 không”

Đầu hè nắng nóng này, tôi trở lại đảo Thạnh An qua ngã Nhà Bè. Nhà cửa trên đảo bây giờ rất khang trang, san sát nhau. Những năm qua UBND TP.Hồ Chí Minh triển khai hàng loạt chương trình ưu tiên cho Thạnh An như: xây trường học, trạm y tế, kiên cố hóa hệ thống đê kè ven biển nhằm chống triều cường xâm thực và bê tông hóa mạng lưới giao thông liên xã, liên ấp...

Đặc biệt, từ năm 2015 thành phố cho kéo cáp ngầm vượt biển đưa điện lưới quốc gia ra đảo và hình thành các công trình dài hơi như: nhà máy xử lý rác thải, bồn chứa nước, khu neo đậu tàu thuyền tránh bão... đã tạo cho Thạnh An một diện mạo mới. Ngoài nghề chính là đánh bắt hải sản, làm muối, mấy năm gần đây ngư dân Thạnh An còn sản xuất nước đá và tổ chức nuôi tôm, nuôi hàu.

Ông Đặng Hoàng Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Thạnh An, cho biết từ năm 2010, một số ngư dân ở Thạnh An đã chuyển sang nuôi hàu. Đến nay toàn xã có trên 300 hộ nuôi hàu trên diện tích mặt nước khoảng 40 hécta, tập trung nhiều ở khu vực Gò Con Chó, Cùi Bắp, Ba Giồng, Cá Nhám, Vàm Kinh... 

Gặp ông Trỉa (tên thật là Trần Thanh Hùng), một “đại gia” nuôi hàu ở Thạnh An vốn là dân đánh bắt bằng cào đôi, mới chuyển sang nuôi hàu chừng 5 năm nay, ông Trỉa cho biết: nuôi hàu là một nghề “3 không” (không con giống, không cung cấp thức ăn, không mất công chăm sóc) nhờ vùng nước quanh đảo Thạnh An có độ mặn cao và thủy triều lên xuống thường xuyên rất thích hợp cho hàu. Cả con giống và nguồn thức ăn đều có sẵn trong thiên nhiên nên hàu phát triển nhanh, con to, ruột dầy, khoảng 3 con/kg.

Một nghề mới nữa cũng đang “thắng lớn” ở đảo Thạnh An là... “mần du lịch”. Từ chỗ “2 không” (không chợ, không nhà trọ) nay Thạnh An có 10 nhà nghỉ, còn hàng quán hải sản tươi sống, chế biến tại chỗ theo yêu cầu của khách với cái giá thật mềm hình như cũng... bao la. Đặc biệt, người dân trên đảo rất thân thiện, cởi mở. Nhiều người không liên can gì đến dịch vụ mua bán, du lịch, tham quan, khi thấy khách lạ có vẻ lớ ngớ đều chủ động hỏi, hướng dẫn rất dễ thương. Đúng là “hiếu khách là đặc sản của Thạnh An”.

Vì thế không lạ khi ông Phó chủ tịch xã đảo Đặng Hoàng Sơn cho rằng: “Gần đây trung bình mỗi tuần có khoảng 600 -700 khách đến Thạnh An, ngày lễ thì cả ngàn người. Đa số giới trẻ đến để ngắm bình minh ở kè đá hoặc đi câu, ăn hải sản....”

Bùi Thuận

 

 

Tin xem nhiều