PGS-TS. Hồ Thị Thu Hòa hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI), Trưởng bộ môn Quản trị logistics và vận tải đa phương thức của Trường đại học giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh.
PGS-TS. Hồ Thị Thu Hòa hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI), Trưởng bộ môn Quản trị logistics và vận tải đa phương thức của Trường đại học giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh.
Bà là người có nhiều công trình khoa học trong nước và quốc tế về ngành logistics nói riêng và vận tải nói chung; tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại nhiều trường đại học trong và ngoài nước, đồng thời tham gia tư vấn, xây dựng, phản biện đề án quy hoạch phát triển về logistics tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Đồng Nai.
* Chú trọng tính liên kết vùng
Thưa bà, các địa phương muốn phát triển logistics cần lưu ý vấn đề gì để tránh tình trạng phát triển theo kiểu manh mún, mạnh địa phương nào phát triển ở địa phương đó?
- Logistics bắt đầu phát triển ở Việt Nam từ những năm 1990. Với sự quan tâm của Chính phủ, đến năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1012/QĐ-TTg về quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo quyết định này, hệ thống trung tâm logistics quốc gia được quy hoạch tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam với các loại trung tâm logistics: hạng I, hạng II và trung tâm logistics chuyên dụng... tùy thuộc vào diện tích và phạm vi phục vụ.
Đồng Nai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực về logistics như: vị trí chiến lược, nhu cầu về dịch vụ logistics cao, nhất là trong các ngành sản xuất công nghiệp. Để phát triển nguồn nhân lực về logistics, Đồng Nai cần mở rộng các cơ sở đào tạo nhân lực. Trong đó, cần có sự phân tầng phù hợp giữa đào tạo nhân lực bậc đại học, cao đẳng, trung cấp... để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. |
Để hạn chế nguy cơ phát triển một cách dàn trải, manh mún khi các tỉnh, thành cùng muốn phát triển các trung tâm logistics ở địa phương mình theo các cấp độ khác nhau, trước hết cần xác định, căn cứ các thế mạnh của địa phương mình về điều kiện phát triển, cơ sở hạ tầng, tình hình sản xuất, thương mại - dịch vụ để quy hoạch phát triển các trung tâm logistics ở địa phương mình một cách phù hợp, hiệu quả...
Đặc biệt, cần lưu ý tính liên kết vùng, có sự hợp tác với nhau để xây dựng các trung tâm logistics đáp ứng nhu cầu của từng địa phương, của vùng, đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao thế mạnh của địa phương...
Giữa xu thế cạnh tranh ngày càng cao trong lĩnh vực dịch vụ logistics, các doanh nghiệp về logistics trong nước nói riêng và các địa phương nói chung cần làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững, thưa bà?
- Ngoài các yếu tố về giảm chi phí, thời gian thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ logistics cần có những chiến lược phát triển tổng thể, dài hạn với đội ngũ nhân lực mạnh để cung cấp cho thị trường những sản phẩm, dịch vụ đảm bảo độ tin cậy, chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, từ đó đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh ngay trên “sân nhà” với các doanh nghiệp về logistics của nước ngoài, cũng như hướng tới mở rộng thị trường trong tương lai.
Các tỉnh, thành cần có kế hoạch cụ thể để phát triển nguồn nhân lực ở địa phương và có sự liên kết giữa các địa phương để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nguồn tài chính... trong quy hoạch phát triển logistics.
* Phải ưu tiên phát triển nhân lực
Từ năm 2008, ngành logistics bắt đầu đào tạo nhân lực có trình độ đại học. Sau hơn 10 năm hoạt động đào tạo về logistics ở Việt Nam phát triển ra sao? Đồng Nai đã có những chương trình đào tạo về logistics nào?
- Năm 2008, Trường đại học giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh trở thành trường đầu tiên cả nước mở chuyên ngành đào tạo logistics với tên gọi “Quản trị logistics và vận tải đa phương thức” trong ngành khai thác vận tải. Các trường khác sau này cũng đào tạo theo dạng chuyên ngành chứ không có mã ngành.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 200/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Sau quyết định này, Bộ GD-ĐT đã có Thông tư ban hành danh mục GD-ĐT trình độ đại học đối với mã ngành đào tạo logistics và trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đối với mã ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Điều này tạo điều kiện cho nhiều trường đại học, cao đẳng mở ngành đào tạo liên quan tới ngành này.
Ở Đồng Nai, ngoài những trường có đào tạo các chuyên ngành gần với chuyên môn về logistics như: kinh doanh quốc tế, xuất nhập khẩu... thì hiện có Trường cao đẳng cơ giới - thủy lợi (huyện Trảng Bom) đang tham gia vào chương trình AUS4Skills của Chính phủ Australia. Đây là chương trình hỗ trợ của Australia dành cho Việt Nam để nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo nhân lực logistics.
Bên cạnh đó, dự án Trường đại học giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh cơ sở tại Đồng Nai cũng đã được phê duyệt và sẽ xây dựng tại xã Long Đức (huyện Long Thành) với diện tích hơn 20 hécta, trong thời gian tới hy vọng sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực logistics cho Đồng Nai nói riêng và các tỉnh, thành trong khu vực nói chung.
Nhu cầu về nhân lực trong ngành logistics hiện nay ra sao, thưa bà?
- Theo số liệu do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) công bố, hiện có khoảng 3 ngàn doanh nghiệp logistics ở Việt Nam, trong đó khoảng 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động tại TP.Hồ Chí Minh. Theo phân tích của VLA, đến năm 2030 nhu cầu nhân lực toàn ngành là trên 200 ngàn nhân lực, chưa tính đến nhu cầu nhân lực cho các công ty sản xuất, thương mại.
Hiện nay khả năng đáp ứng từ các cơ sở đào tạo tại TP.Hồ Chí Minh (địa phương đào tạo nhân lực về logistics lớn nhất cả nước) là 300-400 sinh viên được đào tạo đúng chuyên ngành ra trường mỗi năm; nếu tính trong vòng 4 năm tới khi các trường đang đào tạo có khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp thì con số này sẽ tăng lên khoảng 1 ngàn sinh viên mỗi năm. Do đó, nhu cầu nhân lực về ngành này ở khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung đang rất thiếu.
Sinh viên chuyên ngành này cần phát triển những kỹ năng gì để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp?
- Theo khảo sát về nhu cầu nhân lực logistics do VLI thực hiện tháng 11-2017 thì những tiêu chí mà các công ty logistics cho là quan trọng nhất khi tuyển dụng nhân viên logistics gồm: kinh nghiệm, kỹ năng mềm, chuyên môn, ngoại ngữ. Ngoài ra còn có tiêu chí về thái độ thể hiện khi phỏng vấn.
Để rút ngắn khoảng cách chênh lệnh giữa đào tạo và tác nghiệp thực tế theo bà cần có những giải pháp nào?
- Năm 2017, VLI và 18 doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ logistics trong nước cùng 13 trường đại học có tham gia đào tạo chuyên ngành logistics đã cùng ký thỏa thuận hợp tác đào tạo, trong đó chú trọng vào nâng cao tính thực tiễn cho sinh viên thông qua các chương trình thực tập trong quá trình học và giới thiệu tuyển dụng. Ngoài ra, chương trình còn xúc tiến để các giảng viên trẻ ngành logistics của các trường trải nghiệm trực tiếp tại doanh nghiệp, từ đó góp phần giúp cho giảng viên nâng cao tính sinh động, trực quan và thực tế ngành nghề trong các tiết dạy cho sinh viên.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều trường đại học có đào tạo chuyên ngành có liên kết với nước ngoài. Đơn cử như Trường đại học giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh hiện có các chương trình liên kết với Nhật Bản, Đức... Sinh viên có thể được thực tập theo các chương trình hợp tác, trải nghiệm làm việc tại doanh nghiệp, du học tại chỗ ngay trong quá trình học để được nhận 2 bằng (chương trình với Đức) và được các chuyên gia logistics Nhật Bản giảng dạy thực tế (chương trình được sự tài trợ của Bộ Cơ sở hạ tầng, đất đai, du lịch và giao thông Nhật Bản).
Xin cảm ơn bà!
Hải Quân (thực hiện)