Đến thời điểm này, các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Mỹ lần thứ III (nhiệm kỳ 2015-2020) đã cơ bản đạt và vượt. Trong đó, đáng ghi nhận là huyện đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới từ năm 2017.
Đến thời điểm này, các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Mỹ lần thứ III (nhiệm kỳ 2015-2020) đã cơ bản đạt và vượt. Trong đó, đáng ghi nhận là huyện đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới từ năm 2017.
Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ Cao Văn Quang. Ảnh:N.Hà |
Đồng chí Cao Văn Quang, Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ cho biết, dù đã hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nhưng vẫn còn một số chỉ tiêu cần phải tập trung dồn sức thực hiện để xây dựng và nâng tầm huyện nông thôn mới.
* Sớm hoàn thành mục tiêu
* Đâu là kết quả nổi bật mà Đảng bộ huyện Cẩm Mỹ lãnh đạo đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thưa đồng chí?
- Có thể kể ra một số chỉ tiêu quan trọng mà huyện đã đạt được như: tổng giá trị sản xuất hằng năm đạt từ 13-14%; thu ngân sách hằng năm đều vượt; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,1% xuống 0,2%; sửa chữa và xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách đều vượt; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 80%; tỷ lệ gia đình văn hóa, ấp văn hóa đạt từ 95-98%; xây nhà tình thương hằng năm vượt; chỉ tiêu giao quân hằng năm đạt 100%; 100% chi bộ ấp có cấp ủy; tỷ lệ tập hợp quần chúng vào tổ chức chức đoàn thể đạt 75% trở lên; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt trên 85%; tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh đạt trên 80%...
Trong những thành tựu này, nổi bật nhất là Đảng bộ huyện đã lãnh đạo xây dựng thành công huyện nông thôn mới vào năm 2017 (trước mục tiêu nghị quyết 1 năm). Đến nay, 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã (Lâm San, Xuân Quế) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện đang phấn đấu đến cuối năm 2019 có thêm 2 xã (Xuân Tây, Xuân Bảo) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lên 4/13 xã, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
* Đồng chí có thể nói rõ hơn về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và những kinh nghiệm đạt được thời gian qua của Cẩm Mỹ?
- Để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện và UBND các xã xây dựng kế hoạch, lộ trình để thực hiện. Hằng năm, Huyện ủy đã chỉ đạo củng cố ban chỉ đạo từ cấp huyện đến cấp xã, duy trì chế độ họp hằng tháng, đột xuất để triển khai và giao nhiệm vụ cho từng thành viên; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn của các thành viên.
Huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới để từ đó dân biết, dân bàn, dân làm và dân thụ hưởng, yếu tố quyết định thành công trong xây dựng nông thôn mới.
Về kinh nghiệm, Đảng bộ huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, các tổ chức, đơn vị hiểu rõ về nội dung, chương trình nông thôn mới là khâu quyết định thay đổi diện mạo nông thôn cũng như nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu trong việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện, định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả cả về thành công và hạn chế để kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc ngay từ cơ sở.
Một kinh nghiệm nữa là Đảng bộ huyện đã lãnh đạo việc đa dạng hóa huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Việc sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có giám sát cộng đồng; tập trung phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ.
* Vậy việc phát huy dân chủ để người dân thực hiện: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng trong xây dựng nông thôn mới ở Cẩm Mỹ được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
- Có thể khẳng định, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người dân vừa là chủ thể vừa là động lực nên việc phát huy dân chủ được thực hiện đồng bộ từ huyện đến cơ sở. Điều này thấy rõ ở những xã đã hoàn thành mục tiêu nông thôn mới nâng cao Lâm San, Xuân Quế và các xã chuẩn bị đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tuyến đường nông thôn mới ở xã nông thôn mới nâng cao Lâm San (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh:N.Hà |
Cụ thể, hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ III, huyện luôn ưu tiên nguồn ngân sách để đầu tư hạ tầng giao thông với tổng kinh phí gần 365 tỷ đồng. Nhờ làm tốt công tác Dân vận, phát huy dân chủ cơ sở và chương trình xã hội hóa, toàn huyện đã vận động nhân dân hưởng ứng đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, giá trị vật chất trên đất... trị giá trên 135 tỷ đồng xây dựng giao thông nông thôn.
Nhờ phát huy tốt dân chủ nên tất cả các công trình nông thôn mới trên địa bàn đều xuất phát từ lợi ích của người dân, phục vụ cuộc sống dân sinh, được người dân thông qua các tổ chức của mình như MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm giám sát cộng đồng đạt hiệu quả, được người dân đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình, làm nên thành công, đưa huyện Cẩm Mỹ về đích nông thôn mới sớm hơn so với mục tiêu nghị quyết.
* Tập trung những giải pháp đột phá
* Thưa đồng chí, trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, huyện gặp những khó khăn nào?
- Bên cạnh những thuận lợi cơ bản như luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự đoàn kết thống nhất cao của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Đảng bộ huyện Cẩm Mỹ cũng gặp một số khó khăn như kinh tế tuy có phát triển nhưng chưa ổn định, còn thiếu bền vững; phát triển sản xuất nông nghiệp chưa tạo được bước đột phá rõ nét, chưa có sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, do vậy thu nhập và đời sống của nhân dân chưa cao (bình quân hiện nay 65 triệu đồng/người). Công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ phát triển chậm; các khu, cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn trong kêu gọi đầu tư; giảm tỷ lệ hộ nghèo tuy đạt nghị quyết nhưng còn nhiều yếu tố thiếu bền vững...
* Từ những khó khăn này, huyện tập trung những giải pháp gì để khắc phục nhằm tiếp tục hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong nhiệm kỳ?
Đến nay, huyện Cẩm Mỹ đã hình thành được 13 vùng sản xuất tập trung với tổng diện tích 8.100 hécta; thành lập 18 hợp tác xã nông nghiệp, 166 tổ hợp tác có diện tích đất sản xuất hơn 3.197 hécta; xây dựng và nhân rộng 3 mô hình sản xuất hiệu quả, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp bền vững, đóng góp quan trọng vào xây dựng và nâng tầm huyện nông thôn mới. |
- Đảng bộ huyện tiếp tục xác định, cần tập trung ưu tiên huy động các nguồn lực cho đầu tư, kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng yếu kết nối giữa các vùng, tạo động lực cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp.
Riêng lĩnh vực nông nghiệp, huyện sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp: mở rộng diện tích các vùng sản xuất tập trung trên cơ sở đã hình thành 13 vùng sản xuất tập trung tại các xã; đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể; xây dựng cánh đồng lớn và chuỗi liên kết trên cơ sở 4 dự án cánh đồng lớn đã được phê duyệt bước đầu liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và đang thực 5 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau, lúa, đinh lăng, bưởi da xanh, dâu tằm; chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng mạnh vào sản xuất nông nghiệp bền vững; đa dạng hóa việc huy động nguồn lực, sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng.
Đồng thời, tận dụng lợi thế vùng phụ cận Sân bay quốc tế Long Thành, huyện sẽ tập trung các giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp dịch vụ và phối hợp với các ngành của tỉnh thực hiện thủ tục để xây dựng Cụm công nghiệp Long Giao và Khu công nghiệp Cẩm Mỹ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, tổ chức, đơn vị hiểu rõ nội dung, chương trình xây dựng nông thôn mới là khâu quyết định; song song đó đa dạng hóa việc huy động nguồn lực, phát huy dân chủ, tạo đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân; tiếp tục phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ... xây dựng và nâng tầm huyện nông thôn mới.
Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyệt Hà (thực hiện)