Tỉnh Đồng Nai và tỉnh Gyeongnam (Hàn Quốc) đã có hợp tác về đầu tư, thương mại từ cách đây hơn 20 năm. Để hiểu rõ hơn về chương trình hợp tác giữa hai tỉnh trong thời gian tới, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông Lee Jeong Man, Trưởng Văn phòng đại diện tỉnh Gyeongnam tại TP. Hồ Chí Minh.
Tỉnh Đồng Nai và tỉnh Gyeongnam (Hàn Quốc) đã có hợp tác về đầu tư, thương mại từ cách đây hơn 20 năm. Để hiểu rõ hơn về chương trình hợp tác giữa hai tỉnh trong thời gian tới, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông Lee Jeong Man, Trưởng Văn phòng đại diện tỉnh Gyeongnam tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Lee Jeong Man, Trưởng Văn phòng đại diện tỉnh Gyeongnam tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: H.Giang |
Tỉnh Gyeongnam là nơi có nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai. Thời gian qua, số DN ở tỉnh Gyeongnam đến Đồng Nai đầu tư ngày càng đông và tương đối thành công.
* Vốn đầu tư từ Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu
* Theo ông, các DN tỉnh Gyeongnam cũng như Hàn Quốc khi đầu tư vào tỉnh Đồng Nai đã gặp những thuận lợi, khó khăn gì?
- Các DN Hàn Quốc, trong đó có tỉnh Gyeongnam đến Đồng Nai đầu tư từ rất sớm. Đến nay, đã có hơn 400 dự án với tổng vốn đăng ký gần 6,6 tỷ USD. Đặc biệt trong 4 năm trở lại đây, các DN Hàn Quốc tới Đồng Nai nhiều hơn và hiện đang dẫn đầu trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh. Các lĩnh vực mà các DN Gyeongnam ưu tiên đầu tư vốn vào nhiều nhất là sản xuất công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, linh kiện điện tử, sản phẩm đầu vào cho ngành dệt may, giày dép...
Khi đến Đồng Nai mở công ty sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam và xuất khẩu, các DN Hàn Quốc gặp thuận lợi lớn nhất là những vướng mắc trong quá trình hoạt động đều được các sở, ban, ngành, UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ nhanh. Hiện nhiều tập đoàn, DN lớn của Hàn Quốc đã đến Đồng Nai làm nhà xưởng để sản xuất hàng hóa công nghiệp như: Hyosung, Chang Shin, Taekwang, Pou Sung, LG Electronics... Điều đáng ghi nhận là sau đó, những doanh nghiệp này giới thiệu cho những công ty nhỏ và vừa của Hàn Quốc đến để cung ứng sản phẩm đầu vào cho mình.
Tuy nhiên, quá trình đầu tư các DN Hàn Quốc cũng gặp những khó khăn nhất định về thủ tục đầu tư, xuất nhập khẩu. Vì thế các DN Hàn Quốc cũng mong thời gian tới tỉnh, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ thủ tục cho DN, tạo thuận lợi trong đầu tư, thương mại.
* Trong thời gian tới, doanh nghiệp tỉnh Gyeongnam sẽ mở rộng đầu tư tại Đồng Nai trên lĩnh vực nào?
- Thế mạnh của các DN tỉnh Gyeongnam là sản xuất thiết bị cho các ngành hàng không, đóng tàu, công nghiệp chế tạo, dệt may, giày dép và công nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, chúng tôi đang hướng đến xây dựng các khu đô thị thông minh và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng kể. Đây cũng là những lĩnh vực các DN Gyeongnam đang muốn đầu tư vào Đồng Nai và Việt Nam. Có nhiều DN Hàn Quốc đang rất quan tâm đến dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đường cao tốc, xây dựng thành phố thông minh và muốn tham gia vào những hạng mục mà tỉnh, Chính phủ mời gọi đầu tư.
* Thị trường giao thương lớn
* Theo ông, thương mại hai chiều của Đồng Nai và Hàn Quốc hơn 3,6 tỷ USD đã xứng tầm với tiềm năng, kỳ vọng của hai phía?
- Hiện Việt Nam đang là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc. Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Hàn Quốc. Những mặt hàng tỉnh nhập khẩu nhiều từ Hàn Quốc là nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp gồm: sắt thép, kim loại, chất dẻo, vải. Từ năm 2015, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực, thúc đẩy giao thương giữa hai quốc gia tăng nhanh. Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã đạt khoảng 67 tỷ USD và với Đồng Nai đã đạt hơn 3,6 tỷ USD. Theo tôi, trong năm 2020 và những năm tới, thương mại giữa Việt Nam - Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng lên.
* Ở Đồng Nai hiện có hàng ngàn người Hàn Quốc đang sinh sống và dự kiến ngoài hợp tác đầu tư, thương mại thì hai tỉnh sẽ phối hợp giao lưu về văn hóa. Ông có thể cho biết rõ hơn về dự tính này?
- Thời gian qua, Hàn Quốc - Đồng Nai có những hợp tác về đầu tư, thương mại khá tốt, nhưng giao lưu trên lĩnh vực văn hóa để hiểu thêm nhau nhằm thắt chặt quan hệ còn hạn chế. Vừa qua, tôi đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh để mở rộng hợp tác phát triển kinh tế và tổ chức một số ngày hội giúp các DN Hàn Quốc, công dân Hàn Quốc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh có thể gặp gỡ, hiểu rõ hơn về phong tục tập quán của Đồng Nai, Việt Nam và Hàn Quốc. Qua tìm hiểu tôi thấy, văn hóa giữa hai nước có nhiều điểm tương đồng, có cơ hội giao lưu chúng ta sẽ hiểu rõ về nhau hơn nữa, như vậy sẽ tạo được mối quan hệ gắn kết tốt đẹp và sự tin tưởng cao trong hợp tác đầu tư, giao thương.
* Xin cảm ơn ông!
Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, hiện Hàn Quốc đang đứng đầu trong 132 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 66,6 tỷ USD. Những địa phương Hàn Quốc có đầu tư lớn là Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai. |
Hương Giang (thực hiện)