Báo Đồng Nai điện tử
En

ECB cảnh báo chuyển biến trong nền kinh tế toàn cầu làm tăng nguy cơ lạm phát

TTXVN
21:30, 27/08/2023

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde vào ngày 25-8 nhận định những thay đổi sâu sắc trong cách thức vận hành của nền kinh tế toàn cầu, từ chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đến quá trình chuyển đổi năng lượng, có thể làm tăng nguy cơ lạm phát và sức ép giá cả dai dẳng hơn.

Người tiêu dùng chọn mua hàng trong siêu thị ở Walthamstow, phía Đông London, Anh
Người tiêu dùng chọn mua hàng trong siêu thị ở Walthamstow, phía Đông London, Anh

Chủ tịch ECB đưa ra ý kiến trên trong bối cảnh đa số các nước phát triển phải ứng phó với tình trạng giá cả tăng cao kỷ lục trong 2 năm qua và sức ép lạm phát dai dẳng hơn dự đoán ban đầu của các chuyên gia. Từ thực tế mới này, bà Lagarde nhận định thị trường lao động đang trải qua những thay đổi sâu sắc, quá trình chuyển đổi năng lượng tạo ra nhu cầu đầu tư mới trong khi sự chia rẽ địa chính trị ngày càng sâu sắc sẽ dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.

Phát biểu tại hội nghị chuyên đề kinh tế thường niên do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed - ngân hàng trung ương) tổ chức tại bang Wyoming, bà Lagarde cho rằng môi trường mới hiện nay tạo tiền đề cho những cú sốc về giá mạnh hơn so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Hiện chưa rõ tất cả những thay đổi này có kéo dài hay không, song rõ ràng những tác động đang dai dẳng hơn dự kiến ban đầu của giới chuyên gia.

Bà Lagarde cảnh báo nhu cầu đầu tư tăng cao hơn và nguồn cung căng thẳng hơn có thể dẫn đến sức ép giá cả mạnh hơn. Một vấn đề khác có thể làm tăng sức ép giá cả là các lao động hiện có lợi thế hơn về đàm phán lương trong bối cảnh nhu cầu lao động tăng và các công ty khẩn trương điều chỉnh giá. Những thay đổi này có thể vẫn được cho là tạm thời, song các ngân hàng trung ương cần đề phòng khả năng một số thay đổi sẽ kéo dài.

Cũng tại hội nghị này, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương này có thể tăng thêm lãi suất và dự định duy trì chính sách này ở mức hạn chế cho đến khi lạm phát giảm dần xuống mức mục tiêu 2% của Fed. Mặc dù vậy, ông Powel nhấn mạnh cần thận trọng trong vấn đề này, cũng như đánh giá kỹ lưỡng các triển vọng và rủi ro của nền kinh tế.

Sau 11 lần tăng lãi suất trong chưa đầy 18 tháng, lãi suất cho vay của Mỹ hiện trong khoảng 5,25-5,5%, mức cao nhất trong 22 năm. Tuy nhiên, chu kỳ tăng lãi suất nhanh không ngăn được đà tăng của lạm phát và đã lên tới mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Dù đã giảm trong thời gian gần đây, lạm phát của Mỹ vẫn cao hơn mục tiêu của Fed.

TTXVN

Tin xem nhiều