* Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ký Hiệp định về Biển cả trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 78
Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 20-9 (giờ địa phương), tại trụ sở LHQ ở TP.New York, Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Chủ tịch Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ khóa 78 Dennis Francis.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Đại sứ Dennis Francis, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 78. Ảnh: TTXVN |
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống quản trị toàn cầu, nhằm ứng phó với các thách thức chung hết sức to lớn hiện nay và Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực vào các ưu tiên lớn của ĐHĐ khóa 78, trong đó có củng cố hòa bình thông qua tăng cường lòng tin, thúc đẩy hợp tác, giảm căng thẳng giữa các nước lớn, thúc đẩy đoàn kết, chủ nghĩa đa phương, cải tổ thể chế tài chính quốc tế theo hướng công bằng hơn, quyết tâm hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), vì lợi ích của người dân và không bỏ lại ai ở phía sau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, để giải quyết các thách thức hiện nay cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và toàn diện. Trên cơ sở đó, Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ và quyết tâm thực hiện SDGs và ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm nỗ lực thực hiện các cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết, Việt Nam vừa thông qua Quy hoạch điện VIII với những cam kết mạnh mẽ về phát triển năng lượng bền vững và sẽ sớm công bố Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Thủ tướng chia sẻ, lịch sử Việt Nam vượt qua chiến tranh, khó khăn để chuyển mình, phát triển, xóa bỏ đói nghèo nên trong bối cảnh bất ổn về an ninh lương thực trên thế giới hiện nay, Việt Nam vẫn bảo đảm xuất khẩu gạo, góp phần ổn định an ninh lương thực toàn cầu.
Chủ tịch ĐHĐ LHQ Dennis Francis đánh giá cao quan hệ LHQ - Việt Nam, cho biết rất ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đánh giá cao vai trò tích cực, năng động và vị thế ngày càng cao của Việt Nam, trong đó có việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ.
Ông Dennis Francis cho rằng, Việt Nam có nhiều thành tựu về đưa người dân thoát nghèo và phát triển đất nước, có thể chia sẻ cho thế giới, cùng thúc đẩy hợp tác thực hiện SDGs, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh lương thực. Chủ tịch ĐHĐ nhất trí sẽ hợp tác cùng Việt Nam để thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương.
Cùng ngày, trong không khí chân thành, cởi mở, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp với Tổng thống Romania Klaus Iohannis, Tổng thống Slovenia Natasa Pirc Musar, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, các doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ…
* Sáng 20-9 giờ New York, trong khuôn khổ hoạt động của Tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 78, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã ký Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (còn gọi là Hiệp định về Biển cả).
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ký hiệp định trong khuôn khổ chuyến làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chung tay cùng các quốc gia trên thế giới giải quyết các vấn đề toàn cầu, đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững. Hơn 60 quốc gia tham gia ký hiệp định trong tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ.
Việc thông qua và ký hiệp định là một dấu mốc lịch sử trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường biển, trong bối cảnh thực hiện Chương trình nghị sự 2030, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và tài nguyên biển. Đây là hiệp định thứ ba được đàm phán và ký kết trong khuôn khổ Công ước Luật Biển năm 1982, tái khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Công ước với tư cách là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Hiệp định trong khuôn khổ Công ước Luật Biển năm 1982 về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia, còn gọi là Hiệp định về Biển cả, điều chỉnh việc khai thác, chia sẻ lợi ích và bảo tồn nguồn gien biển tại các vùng biển quốc tế. Đây là một nguồn lợi mới đầy tiềm năng, thuộc các vùng biển rộng lớn chiếm hơn 60% diện tích bề mặt của các đại dương mà không thuộc về quốc gia nào. Nhiều vùng ở đáy đại dương có hệ sinh thái đặc biệt giàu có, với nhiều loại gen quý hiếm, có giá trị cao cho nghiên cứu khoa học và tiềm năng kinh tế lớn, nhất là có thể tạo ra thuốc điều trị bệnh hiểm nghèo, sản xuất dược mỹ phẩm…
Hiện nay, hầu như chỉ có các nước phát triển và công ty tư nhân sở hữu công nghệ biển và công nghệ sinh học hàng đầu, với nguồn tài chính dồi dào mới có khả năng thu thập nguồn gien biển khơi và phát triển ứng dụng đem lại lợi nhuận, trong khi chưa có văn kiện quốc tế nào quy định nghĩa vụ chia sẻ lợi ích cũng như bảo tồn nguồn lợi này.
Hiệp định sẽ có hiệu lực sau khi có 60 nước phê chuẩn, phê duyệt.
TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin